Nếu nhiều người nghĩ về Hà Nội với những tiêu chí đã được định sẵn như thanh lịch, cổ kính thì với nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo, Hà Nội rất đỗi bình thường. Bình thường từ trong máu thịt! Có nhiều người cứ mải mê đi tìm sự kì vĩ nhưng quên rằng, quanh ta còn có những điều vô cùng giản dị.
Đối với một người sống trọn tuổi đời, tuổi nghề như nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo thì tình cảm ông dành cho Hà Nội vừa mạnh mẽ lại vừa đa cảm, trong đó bao gồm cả sự bất bình lẫn bao dung. Với tinh thần ấy, ống kính của ông luôn nắm bắt trọn vẹn từng cung bậc và không bao giờ xem mình là người ngoài cuộc.
Chỉ đi từ nhà ra Hồ Gươm để mua thuốc lá, ông cũng mang theo máy ảnh, bởi nhỡ đâu "có chuyện gì" mà không chụp được thì tiếc lắm! Hà Nội thân quen với Hồ Gươm và những cụ già tập thể dục buổi sáng, Hà Nội yên bình trong từng giấc ngủ trưa của người lao động, trong từng giây phút nghỉ giải lao người mẹ trẻ tranh thủ cho con bú. Hà Nội cũng hiện lên tất bật, lo toan với những người làm thuê, cũng chìm trong những cơn mưa mà phút chốc phố phường đã thành biển nước...
Nhiếp ảnh gia Hữu Bảo cho rằng: “Tôi không đứng ngoài mà tôi chụp từ trong lòng tôi ra Hà Nội. Tôi chụp Hà Nội từ hơi thở của tôi. Ra khỏi nhà tôi vẫn mang theo máy ảnh. Bởi vì tôi chụp không theo đề tài mà chụp bất cứ thứ gì. Có thể đó là chi tiết của một bức tường rêu, miễn là trong đó có tình cảm của tôi, cảm xúc của tôi và chân dung của tôi là tôi chụp”.
Nghệ sĩ Hữu Bảo say mê chụp ảnh đen trắng bởi chiều sâu của không gian của nó. Với ông, bấm máy là khâu cuối cùng để kết thúc một quá trình cảm nhận về cuộc sống. Sự rung động chỉ trong tích tắc, đối với người này thì bình thường nhưng với người kia lại rất đặc biệt. Một bức tường rêu phong trong mắt người nghệ sĩ có thể mang một hình hài khác. Đường nét những con phố khi vắng người cũng có thể nâng niu bước chân một con người hoài cổ khi sống giữa sự đan xen của quá khứ và hiện tại
Ông chia sẻ: “Khi hàm lượng cảm xúc và trí tuệ nhiều thì thông thường nhà nhiếp ảnh đó nhìn cái gì cũng ra chuyện. Tôi coi bố cục và ánh sáng là hạ tầng, là phương tiện để đạt tới thượng tầng là sự rung động của bức ảnh. Rung động bao gồm cả ái, ố, hỉ nộ và phẫn nộ cũng là rung động. Điều tối thượng của một chân giá trị đó là sự xúc động chứ không phải là sự đẹp đẽ”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- người bạn thân thiết của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo cho rằng: “Xem ảnh của ông, người ta luôn thấy mình trong đó. Có thể họ là những người vô danh nhưng cũng là một phần của lịch sử”.
Hữu Bảo ghi lại những khoảng thanh bình nhất, tĩnh lặng nhất và cũng rất mơ hồ. Chỉ có những yếu tố đó mới làm nên Hà Nội. Những tác phẩm của ông đã cho chúng ta thấy một Hà Nội trôi dạt, lẩn khuất ở đâu đấy, thỉnh thoảng hiện lên trong một ngõ phố rất sâu, mơ hồ. Dường như người ta giấu những ngôi nhà đẹp của Hà Nội xa xưa giống như rất nhiều người giấu những người mẹ già đã lẫn trong những ngôi nhà của mình, ít khi khách đến có thể nhìn thấy. Hà Nội mang đầy thân phận.
Điều tuyệt vời nhất của nhiếp ảnh là lưu giữ một khoảnh khắc cho mãi mãi. Mỗi bức ảnh của Hữu Bảo chứa đựng một cảm xúc nhất định, có thể hồi tưởng những gì đã qua như một cuốn nhật kí và khi chia sẻ kí ức ấy cho người khác, lập tức nó trở thành lịch sử. Vì thế, cùng với những tên tuổi như Lê Vượng, Quang Phùng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo đã góp thêm cho kho tàng ảnh quý báu về Hà Nội thời hiện đại những tác phẩm mang đậm tính sử liệu. Đó là những câu chuyện tự sự cá nhân nhưng cũng có thể là những giá trị để trao truyền cho thế hệ sau.