NSND. Hoàng Dũng. (Ảnh: NVCC) |
Được mệnh danh là “ông bố cứng nhất năm”, "bố chồng quốc dân" với những lời thoại đã trở thành chân lý, đó có phải là một điều thú vị đối với nghệ sĩ gạo cội như ông?
Thực ra, đấy là một nét tính cách của nhân vật ông Luật. Dù ngoài đời hay trong phim, tôi cũng muốn nói gọn gàng, khúc triết, tạo dấu ấn và đi thẳng vào vấn đề chứ không thích giải trình.
Trong phim Về nhà đi con có 2 ông bố, cách thể hiện của ông bố này khác ông bố kia sẽ hay hơn. Khi có lời thoại, tôi thường cố tình biên tập lại cho chắc hơn, khúc triết hơn và được khán giả đón nhận, nên thực sự tôi cảm thấy rất vui.
Tôi nghĩ, sự yêu mến của khán giả là điều vô giá. Những tình cảm chân thành, trong sáng ấy làm cho mình thấy vui và tự hào, ấm áp hơn. nhưng đồng thời cũng là áp lực cho tôi khi tham gia những bộ phim tiếp theo.
Từ ông trùm Phan Quân trong “Người Phán xử” đến ông Luật trong “Về nhà đi con” đều có những câu thoại cực chất. Hẳn ông có không ít kỷ niệm khi vào các vai ấn tượng này?
Tôi thấy ở những vai diễn này cũng có nét tương đồng, có cái giống với bên ngoài đời sống của tôi. Khi nói với con, tôi luôn gọn gàng, ngắn gọn chứ không thích kiểu nói lằng nhằng, đôi co dài dòng. Quan điểm của tôi là thông tin truyền đạt phải nét, muốn cho thông tin nét thì thái độ của mình cũng phải rắn hơn. Từ đó, thông điệp của lời nói, của nhân vật đó sẽ chân thật hơn.
Nói về kỷ niệm khi làm phim Người Phán xử có lẽ là ở cảnh quay cuối cùng. Khi đó, tôi bị đau dạ dày vừa phải đi cấp cứu, dù chưa khỏi hẳn nhưng phải cố gắng đi làm vì đoàn làm phim không phải lúc nào cũng thuê mượn được những thứ liên quan đến súng ống, xe cảnh sát, đến nghiệp vụ.
Đấy là một kỷ niệm mà tôi thấy rất ấm lòng khi sự mệt mỏi, cố gắng của mình nhận được tình cảm, sự đồng cảm, chia sẻ của mọi người trong đoàn. Tuy nhỏ nhưng đó là những kỷ niệm ý nghĩa, đáng nhớ và tôi thấy sự cố gắng của mình đúng chỗ, xứng đáng và được trân trọng.
Còn trong Về nhà đi con, thực ra bộ phim cũng hơi êm đềm, nhẹ nhàng, là mâu thuẫn trong xã hội, đời sống và kinh doanh chứ không phải mâu thuẫn căng thẳng dẫn đến triệt phá, bắt bớ như trong phim Người Phán xử. Cũng có lẽ do màu sắc của phim êm đềm, đời thường nên với cá nhân tôi chủ yếu là kỷ niệm yêu quý nhau là chính.
Một cảnh trong phim Về nhà đi con. |
Vai diễn của ông với sự trải nghiệm sâu sắc về giá trị gia đình. Vậy NSND Hoàng Dũng ở ngoài đời có phải là ông bố “cứng” như trong phim?
Tôi không “cứng” như trong phim, nhưng nói gì cũng phải chắc chắn. Có thể tôi nói rất nhẹ nhàng nhưng luôn có thông điệp rõ ràng. Bên cạnh đó, tôi cũng được mọi người mệnh danh là một người rất chiều con. Đôi khi mình bận bịu với công việc, thời gian quan tâm, chăm sóc, chuyện trò với con cũng giảm đi nhiều. Tất nhiên, bên cạnh việc chiều con, tôi cũng cứng rắn để các con vào... nếp.
Cùng với độ “hot” của bộ phim Về nhà đi con, câu chuyện của những diễn viên tham gia cũng trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong suốt thời gian vừa qua. Nếu là một khán giả, ông thấy ấn tượng với vai diễn nào nhất trong phim?
Thực ra, trong phim Về Nhà đi con có sự đồng đều ở diễn xuất, ở sự tròn vai trong nhân vật. Bởi vậy, nếu nói ấn tượng nhất với người nào thì rất khó. Nhưng người đầu tiên tôi phải nói đến là NSND Trung Anh, đấy là một vai diễn thành công, mọi người yêu mến Trung Anh rất nhiều. Rồi đến ba cô con gái của Trung Anh cũng đều rất thành công.
Cùng với đó, có thể nói Quốc Trường cũng rất thành công khi vào vai Vũ - con trai tôi. Là diễn viên miền Nam nhưng sự hòa nhập của Quốc Trường rất nhanh, diễn rất tốt, tự nhiên và tôi tin bạn ấy sẽ còn tiến xa. Còn một diễn viên nữa đóng vợ ông Luật là Ngân Quỳnh cũng rất say sưa, yêu nghề và hòa nhập rất tốt. Đó cũng là động lực để người nọ tác động đến người kia để cho các vai diễn tốt lên.
Ở sân khấu kịch lẫn phim truyền hình, chắc hẳn ông cũng tâm đắc với không ít vai diễn?
Cái đam mê của tôi ở sân khấu kịch và có nhiều kỷ niệm ở những vai diễn ấy, nó mang lại cho tôi danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Có lẽ, giải thưởng đầu tiên, huy chương vàng đầu tiên của tôi là vai Phó Giám đốc Chính trong vở kịch nổi tiếng “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ ở thập niên 80. Vở diễn ấy đắt hàng và được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt. Đó là kỷ niệm đáng nhớ của tôi và với một diễn viên - đó thực sự là niềm hạnh phúc. Từ vai diễn đấy, chiếc huy chương vàng đầu tiên trong cuộc đời ấy với tôi như là một tiền đề cho những vai diễn về sau.
Theo NSND Hoàng Dũng, Quốc Trường (vai Vũ) diễn rất tốt, tự nhiên và sẽ còn tiến xa hơn... |
Tất nhiên, mỗi vai diễn ghi một dấu ấn, thành công và nhìn lại có nhiều vai diễn để lại trong lòng tôi cảm xúc. Cách đây cũng mười mấy năm rồi, nhưng vai diễn ở sân khấu không bao giờ tôi quên được. Thậm chí, có những vai diễn cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mạch lạc từng cảnh diễn.
Được biết, sau phim Người Phán xử, nhiều người nhớ và nhắc đến ông bằng cái tên Phan Quân nhiều hơn và vai diễn ấy giúp ông giành được danh hiệu Nam diễn viên ấn tượng của VTV Awards 2017?
Ông trùm Phan Quân trong Người Phán xử là một vai diễn hay và tôi đã rất cố gắng. Đó là vai diễn tôi rất tâm đắc, trăn trở và đầu tư, suy nghĩ về nhân vật ấy rất nhiều.
So với sân khấu, sức lan tỏa của phim truyền hình nhanh và rộng hơn nhiều. Mặc dù ở sân khấu, tôi có những vai diễn rất thành công, thậm chí còn thành công hơn cả vai Phan Quân trong Người Phán xử, nhưng có lẽ sự phổ cập của sân khấu kịch trong đời sống, trong cộng đồng không cao bằng trong phim truyền hình.
Để có những vai diễn để đời như vậy, quan niệm của ông về lao động nghệ thuật cũng như đạo đức nghề nghiệp khá khắt khe?
Tôi nghĩ, nói đến lao động thì ngành nào cũng cần phải làm việc, nghiên cứu nghiêm túc, bỏ công sức và lao động một cách hăng say mới có kết quả. Nhưng lao động nghệ thuật đòi hỏi sau khi ta làm, ta tập, ta diễn, ta quay rồi về những lúc ta mở kịch bản ra nghiên cứu mới là lúc lao động mệt nhất. Mệt bởi vì sao, vì mình phải tìm tòi, xác định, tìm hiểu để hóa thân vào vai diễn sao cho thành công nhất.
Thực sự, để có một vai diễn thành công, người nghệ sĩ phải hao tâm tổn sức khá nhiều. Tôi không chỉ cầu toàn với bản thân mà với cả vở diễn của chính mình để có vai diễn hoàn hảo nhất. Thực lòng, để có thành công như ngày hôm nay, tôi nghĩ ngoài nghị lực còn phải có tình yêu cũng như niềm đam mê nghệ thuật không ngừng nghỉ và được nuôi dưỡng từng ngày.
Đối với một nghệ sĩ, đạo đức nghề nghiệp và lòng tự trọng rất quan trọng, đó là khi mình biết trân trọng nghề nghiệp của mình, tức là tôn trọng mình, tôn trọng nguyên tắc nghệ thuật, đồng nghiệp và tôn trọng khán giả. Là người nghệ sĩ, mình cũng phải trân trọng tác phẩm, vai diễn cũng như sống hết mình với vai diễn để làm sao phục vụ khán giả tốt nhất có thể.
Xin cảm ơn NSND Hoàng Dũng!