Các nhà Ngoại giao: từ trái sang, ông Nguyễn Ngọc Sơn, bà Tào Thanh Hương, Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, ông Ngô Hướng Nam. |
Với sự có mặt của hai vị khách mời là các nhà ngoại giao kỳ cựu Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh và Đại sứ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, buổi trò chuyện đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ nữ của Bộ Ngoại giao. Những câu chuyện, những chia sẻ được chắt lọc từ thực tiễn công tác đối ngoại của hai diễn giả có uy tín này thực sự mang lại kiến thức ngoại giao quý báu cho các khán giả tham dự buổi trò chuyện.
Khắc phục hạn chế
Theo Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, người làm công tác ngoại giao dù là nam hay nữ đều có những điểm yếu và thế mạnh riêng. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ về cả hai mặt để khắc phục được hạn chế và có mặt mạnh thì phát huy như thế nào cho hiệu quả.
Từ kinh nghiệm làm công tác đối ngoại của mình, Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng: "Tự ti là một trong hai hạn chế lớn nhất của nữ cán bộ ngoại giao. Để khắc phục điều này tức là bản thân cần chủ động hơn, nhưng chủ động đến đâu cũng lại có hai mặt tích cực và tiêu cực. Chủ động hời hợt thì không mang lại hiệu quả mà chủ động quá lại trở thành sỗ sàng, phản cảm, nên cần phải chủ động vừa đủ. Nhưng không có câu trả lời chính xác nào về điều này mà nhà ngoại giao nữ phải tự cảm nhận và tiết chế sao cho phù hợp với từng ngữ cảnh, từng đối tượng".
Việc phát huy sự chủ động trong ngoại giao song phương đơn giản và thuận lợi hơn so với ngoại giao đa phương. Nếu như trong ngoại giao song phương thì sự chủ động có một khuôn khổ nhất định, dễ kiểm soát hơn thì trong ngoại giao đa phương đòi hỏi sự uyển chuyển và linh hoạt trong xử lý tình huống hơn, do đặc thù các đối tượng tiếp xúc rất khác nhau.
Hạn chế thứ hai của nhà ngoại giao nữ hiện nay, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, đó là sự thay đổi từ thái cực tự ti, nói rất ít sang nói nhiều, từ việc quá cẩn trọng đến "uốn lưỡi 7 lần" mới phát ngôn đến việc thao thao bất tuyệt là khá phổ biến. Vì vậy, bà Ninh nhấn, cần phải áp dụng phương châm vừa đủ để biết phát ngôn đúng lúc, đúng thời điểm và biết lắng nghe. "Nhà ngoại giao, đặc biệt là nhà ngoại giao nữ, không nên "rút súng" ngay từ phút đầu "ra trận" mà cần bình tĩnh quan sát, lắng nghe rồi mới phát biểu. Đôi khi từ chối phát biểu khi được đề xuất là việc nên làm nếu xét thấy đó chưa phải là thời điểm thích hợp" - bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.
Từ góc độ một nhà ngoại giao nam, Đại sứ Nguyễn Phú Bình chia sẻ: "Điểm yếu của chị em là thụ động trong tiếp cận thông tin. Nếu không có sự hiểu biết về chuyên môn thì sẽ rất khó chiếm được ưu thế khi tranh luận hay đối thoại. Phụ nữ có sự tinh tế, cảm nhận nhanh hơn nam giới nhưng để có kiến thức và sự hiểu biết về các lĩnh vực thì phải tự học dần dần, từng ngày, từng tháng, từng năm chứ không phải tự nhiên có được".
Kiểm soát thế mạnh
Phụ nữ có ưu thế hơn nam giới ở sự duyên dáng, mềm mại và giàu cảm xúc. Đặc biệt, trong công tác đối ngoại, nhà ngoại giao sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu biết kết hợp hài hòa hai chỉ số thông minh (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ). Đôi khi, trong một số trường hợp, EQ còn quan trọng hơn cả IQ.
Tuy nhiên, bà Ninh nhận xét rằng: "Sự duyên dáng, mềm mại và giàu cảm xúc của phụ nữ không phải là một lợi thế khách quan và không nên lạm dụng, không để đối tác, đối phương nhầm tưởng mình đang tận dụng nhan sắc của bản thân để thuyết phục họ. Nếu để điều này xảy ra thì ưu thế sẽ trở thành yếu thế. Trong ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao hiện đại, khi "ra trận" nên "quên" thế mạnh này để chủ động và tập trung hơn thuyết phục đối tác".
Trong ngoại giao đa phương, các nhà ngoại giao nữ đôi khi có ưu thế hơn nam giới trong tiếp xúc vượt cấp. Trong một tình huống nhất định, có thể nhà ngoại giao nam không có cách nào để tiếp xúc vượt cấp nhưng nhà ngoại giao nữ lại có thể. Tuy nhiên, phái nữ không nên lạm dụng đặc quyền này mà phải cân nhắc từng tình huống, từng mức độ của tình hình và việc tiếp xúc vượt cấp nếu có cũng không nên vượt quá 2 cấp.
Trong buổi trò chuyện, vai trò của yếu tố văn hóa, nghệ thuật trong ngoại giao được hai diễn giả đánh giá rất cao, đặc biệt là việc sử dụng trang phục truyền thống trong tiếp xúc. Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh; nữ giới nói chung nên tận dụng áo dài nhưng không phải lúc nào cũng mặc như đồng phục thường ngày. Đặc biệt, với cán bộ ngoại giao nữ, khi mặc áo dài là phải có lý do, phải hết sức trân trọng khi sử dụng và chỉ nên sử dụng trong những dịp đặc biệt để phân biệt rõ tính chất của các cuộc tiếp xúc.
Theo ông Nguyễn Phú Bình, người nữ cán bộ ngoại giao cần có bản lĩnh và giỏi ngoại ngữ mới có thể khắc phục được điểm hạn chế, thay vì giấu nó đi. Khi khắc phục được hạn chế sẽ có được sự tự tin và làm chủ được tình thế và sẽ thuyết phục được đối tác hoặc đối phương.
Còn theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, phụ nữ có nhiều thế mạnh trong tiếp thu ngoại ngữ. Trong ngoại giao hiện đại, việc tiếp xúc qua phiên dịch đã trở nên cổ điển, trừ những cuộc đặc biệt đòi hỏi phải có phiên dịch. Vì thế, nữ cán bộ ngoại giao nên phát huy thế mạnh này để đảm bảo cho hiệu quả cũng như yêu cầu của các cuộc tiếp xúc ngoại giao hiện đại. Đặc biệt, nữ cán bộ ngoại giao cần trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp và truyền thông, làm sao để khi tiếp xúc, vừa thuyết phục được đối phương nhưng lại vừa được đối phương quý mến và nể trọng, bởi nếu chỉ quý mến mà không nể trọng là chưa đạt yêu cầu.
Trong khuôn khổ thời gian tuy hạn hẹp nhưng những chia sẻ đa chiều, phong phú về nội dung, thú vị về tình huống của hai diễn giả đã mang đến cách nhìn thực tế hơn, gần gũi hơn cho những cán bộ, nhân viên nữ của Bộ Ngoại giao trong phong cách giao tiếp, ứng xử đối ngoại.
Thiên Đức