Không hiểu sao cứ mỗi lần tôi nóng lòng muốn gặp Thanh Thanh Hiền đều là những lần chị đang có chuyện không vui. Lần trước là khi chị đang có chuyện buồn về tình cảm, lần này thì là quán nghệ sỹ của chị ở Phan Kế Bính bị cháy… Buồn là thế nhưng chị ít bộc lộ ra bên ngoài, chỉ cần nói lảng sang chuyện khác đã thấy chị cười được ngay.
Người phụ nữ của gia đình
Thanh Thanh Hiền không thích mọi người gọi chị là nghệ sỹ, nghệ sỹ ưu tú. Chị bảo, cái danh nghệ sỹ của chị chỉ cần được đồng nghiệp công nhận, bởi chính ra, trong bất cứ nghề nào, được đồng nghiệp công nhận lại là điều khó nhất. Đấy là ở trong nghề. Còn ngoài đời, chị nhận mình là người phụ nữ của gia đình.
Nghệ sỹ Thanh Thanh Hiền với con gái lớn Hoàng Anh Tú Linh và cháu Hoàng Anh Thái Phương. (Gia đình cung cấp) |
Thật vậy, lịch biểu diễn của Thanh Thanh Hiền khá thất thường, nhưng chủ yếu vào buổi tối. Chính vì vậy, một ngày bình thường của chị sẽ là dậy ăn sáng, uống cà phê, đi gặp bạn bè ở quán nghệ sỹ trên Phan Kế Bính. Thời gian còn lại, chị dành cho gia đình.
Chị là người thích vào bếp. Nấu ăn, dọn rửa là công việc thường ngày của chị, dù bận bịu đến đâu. Thanh Thanh Hiền thường chỉ nấu những món bình dân. Món cầu kỳ nhất mà chị làm có lẽ là món nem rán. Chị bảo, dù đơn giản nhưng các món ăn phải đáp ứng “tiêu chí tối cao” của cả gia đình, đó là hợp khẩu vị.
Với nhiều gia đình, bữa tối là bữa ăn sum họp. Nhưng với gia đình Thanh Thanh Hiền, bữa ăn có đông đủ thành viên trong gia đình nhất lại là bữa trưa. Lý do thật đơn giản, giống như bao gia đình nghệ sỹ khác, buổi tối là lúc các nghệ sỹ thường bận đi diễn.
Thanh Thanh Hiền tâm sự: “Việc cả nhà quây quần bên mâm cơm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống gia đình. Bữa cơm không chỉ đơn giản là các thành viên cùng ăn cơm mà nó còn tạo ra tình cảm yêu thương, gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau”.
Say với nghề
Không chỉ hết mực chăm lo cho gia đình, Thanh Thanh Hiền còn dành nhiều tâm huyết với nghề. Kể với tôi những album mà mình đã và đang thực hiện, với nhiều dòng nhạc như cải lương, dân ca, nhạc tiền chiến hay nhạc trữ tình, chị bảo: “Đây đa phần là đĩa không phát hành mà chỉ để tặng những người đến quán, tặng bạn bè quen biết bởi không gì hạnh phúc hơn khi được nghe đúng gu nhạc mà mình thích”. Chính vì vậy, bạn bè và người hâm mộ nể trọng Thanh Thanh Hiền không phải bởi sự hào phóng của chị mà bởi sự tinh tế với cái cách chị tặng đĩa, giao lưu.
Không chỉ hết mực chăm lo cho gia đình, Thanh Thanh Hiền còn dành nhiều tâm huyết với nghề. |
Để được “đồng nghiệp công nhận” như chị nói, các album của chị luôn được làm hết sức cẩn thận, chị không thu âm ẩu bao giờ. Thanh Thanh Hiền có lợi thế là nghệ sỹ cải lương, với chất giọng đằm thắm, cùng sự lao động cần mẫn nên dù trong các đĩa nhạc hay những lần biểu diễn, “chất Thanh Thanh Hiền” luôn được thể hiện rõ nét.
Làm nghề vất vả, nhưng bù lại chính là những niềm vui vô giá. Chị kể: “Trong chuyến đi Thái Bình biểu diễn vở “Người ngựa, ngựa người” với nghệ sỹ Xuân Hinh. Sân vận động kín chỗ. Một cụ bà 80 tuổi không tìm được chỗ bèn trèo lên mái nhà mình để ngồi xem biểu diễn. Trèo lên thì dễ, trèo xuống mới khó. Đến khi xem xong, mọi người đứng dậy ra về mới phát hiện ra cụ bà đang loay hoay trên nóc nhà bèn kiếm thang đưa cụ xuống. Xuống đến nơi, cụ bảo: “Được xem Thanh Thanh Hiền với Xuân Hinh diễn một lần chết cũng thỏa”.
Biết chuyện, cả Thanh Thanh Hiền và Xuân Hinh đều thấy hết sức cảm động. Thế là, đang mệt lả sau vở diễn đầy nhiệt huyết, cả hai nghệ sỹ lại như được tiếp thêm sức lực và thấy tự hào, yêu biết mấy cái nghề được nhiều người hâm mộ đến vậy.
Nối liền những khoảng cách
Trong câu chuyện với tôi, Thanh Thanh Hiền không quên kể về những chuyến lưu diễn ở nước ngoài của chị. Gần như vào cuối năm, lịch lưu diễn của chị đều kín mít. Ấn tượng nhất là chuyến lưu diễn ở Mỹ. Ban đầu, chị có cảm giác một số bà con Việt kiều ở đây vẫn còn hơi có chút giữ khoảng cách với đoàn. Tuy nhiên, khi biết đoàn đến biểu diễn, chia vui nhân dịp Tết đến, Xuân về và nhất là khi những giọng ca mượt mà đến từ quê hương cất lên thì khoảng cách như lập tức được xóa nhòa.
Dường như đường đời càng không bằng phẳng thì Thanh Thanh Hiền lại càng thể hiện rõ một chí khí đằng sau cái sự “nhẹ nhàng tựa mây bay” của mình. |
Còn trong chuyến lưu diễn ở Bắc Âu, tại Na Uy, chị đăng ký đoạn trích cuối của vở cải lương “Chuyện tình Lan và Điệp”. Khi đến nơi biểu diễn mới biết đoàn sẽ diễn ngay trong nhà thờ. Chị vô cùng ngạc nhiên và bối rối. Với đoạn trích này, chị vẫn diễn trong nhà hát, với những cảnh như sân đình, hay phong cảnh quê hương. Đằng này thì lại hát giữa nhà thờ Na Uy, dù cảnh trí của nhà thờ rất đẹp nhưng để hát “Lan và Điệp” thì quả là… “bài toán khó”. Ấy thế mà, Thanh Thanh Hiền vẫn làm được. Chị tưởng tượng ra tất cả, từ ngôi chùa mái rêu phong cho đến cây đa, giếng nước, sân đình… để có cảm hứng trọn vẹn thể hiện bài hát.
Khi chị vừa dứt lời ca, các khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Chị bảo, thế mới thấy sức mạnh của âm nhạc, của diễn xuất. Khán giả nước ngoài vẫn hiểu và vô cùng trân trọng.
***
Ở nhà, con gái lớn của chị thường gọi mẹ là “ổ cười” của cả nhà bởi mỗi khi chị ở nhà là tổ ấm chẳng dứt tiếng cười. Chẳng ai thấy Thanh Thanh Hiền buồn bao giờ. Đó là bởi ngay từ thời trẻ, phong cách sống của chị là luôn để nụ cười ngự trị. Chị nghĩ, cười hay khóc thì nó cũng vậy. Vấn đề là chọn khóc hay chọn cười. Có lẽ chính vì thế mà nụ cười ấy luôn nở cả trên nỗi buồn - nụ cười vượt trên tất cả những nỗi truân chuyên.