📞

Nữ nhân lãng mạn ở phố Trịnh

Minh Hòa 14:00 | 24/03/2024
Chiều Xuân Hà Nội dịu dàng se lạnh, thật thích hợp để trò chuyện với một người yêu Hà Nội và dành nhiều tâm huyết cho phố đi bộ như chị Phan Thu Hằng.
Chị Phan Thu Hằng, anh Lại Thành Nam, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học công nghệ xanh và một du khách người Anh tâm đắc với không gian phố cổ. (Ảnh: Minh Hòa)

Cuộc hẹn với nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận ICEP - Hà Nội Classy được ấn định lúc 5h chiều, nhưng tôi đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn sớm hơn một chút để ngắm nghía những thành quả tâm huyết của chị.

Rẽ vào quán cà phê ấm cúng đầu phố, tôi ngồi nhấm nháp và đợi. Chị Phan Thu Hằng đến – rất đúng giờ. Tác phong làm việc nhanh nhẹn và chuyên nghiệp so với tuổi U50 của mình, chị gọi đồ uống rồi quay sang trả lời phỏng vấn của tôi như sợ thời gian trôi đi mất. Hẳn là một người lúc nào cũng bận rộn, nhưng tôi biết, chị đang chuẩn bị cho những dự án vì sự thư thái của rất nhiều người. Đó là những tuyến phố đi bộ, ẩm thực và không gian văn hóa cộng đồng ý nghĩa, các dự án văn hóa, mỹ thuật và di sản…

“Chuyên gia phố đi bộ”

Phan Thu Hằng chia sẻ: “Tôi đơn giản là một người hành động vì cộng đồng qua góc nhìn, ý tưởng và những sáng tạo không ngừng nghỉ…”.

Cơ duyên “phố đi bộ” đến với chị trong kỳ nghỉ Hè của cậu con trai du học ở Bắc Kinh về. “Bạn ấy tham gia vào đề án “Hà Nội bình yên và hội tụ”, trong đó có một phần nội dung là phố đi bộ. Tôi giúp bạn ấy có góc nhìn sâu hơn về Hà Nội, thông qua tài liệu lịch sử và trải nghiệm mà tôi, cũng như thế hệ chúng tôi đã trải qua. Điều này mang đến cho tôi rất nhiều ý tưởng về phố đi bộ”, chị nói.

Hữu duyên, năm 2016, chị được mời tham gia khảo sát quanh Hồ Tây cùng Sở Du lịch Hà Nội, sau đó nhận lời mời của phòng Văn hóa quận Hoàn Kiếm với vai trò chuyên gia hỗ trợ thực hiện triển khai kế hoạch mở phố đi bộ. Rất may mắn là được các lãnh đạo, các anh chị em tin tưởng ủng hộ tạo điều kiện.

Phố đi bộ Hoàn Kiếm thành công rực rỡ, đem lại những giá trị văn hóa, kinh tế và trở thành điểm du lịch đặc sắc của Thủ đô Hà Nội. “Tuy chỉ góp một phần rất rất bé nhỏ thôi, nhưng thực sự tự hào nhiều lắm!”, chị bộc bạch.

Thực tế cho thấy, các tuyến phố đi bộ giúp gìn giữ giá trị văn hóa thông qua các hoạt động trải nghiệm đa dạng phong phú từ âm nhạc đến các sản phẩm quà lưu niệm và ẩm thực lâu đời song song với sự phát triển chung của xã hội tạo nên một không gian giao lưu, gắn kết ý nghĩa.

Nhấp ngụm cà phê, hồi tưởng lại chặng đường mà mình đã trải qua, Phan Thu Hằng chia sẻ thêm về mong muốn chung của team ICEP: “Sau những khó khăn mình vượt qua với tất cả tâm huyết đam mê trong sự cống hiến và cũng là niềm yêu thích, không mong gì hơn là được bảo vệ chất xám, được ghi nhận và được đánh giá đúng”.

Nơi gắn kết và chữa lành

Năm 2017, chị Phan Thu Hằng nhận lời mời của Phó Chủ tịch quận Tây Hồ khi đó là anh Nguyễn Đình Khuyến - một người yêu sự lãng mạn và rất tâm đắc với dự án. ICEP-Hanoi Classy đã phối hợp cùng ban quản lý Hồ Tây khảo sát xây dựng và triển khai thực hiện dự án “Phố đi bộ Tây Hồ” gọi tên là “Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố Tây Hồ” đến ngày 11/5/2018 chính thức khai mạc ra mắt.

Chị nói: “Mỹ thuật và âm nhạc luôn gắn kết, chữa lành mọi vết thương nên khi làm phố đi bộ chúng tôi đưa tranh ảnh và âm nhạc đến đầu tiên, sau đấy thì chúng tôi mới triển khai ra các hoạt động khác. Quá trình triển khai nhiều khó khăn lắm, đã có lúc cũng nản lòng nhưng nếu như mình bỏ cuộc thì ai sẽ làm tiếp? Chẳng ai mạo hiểm đâu, vì mình quá đắm say thôi nên cứ từng chút từng chút vượt qua. Khi dần lên hình hài tái hiện không gian nhà xưa có chái nhà, mái hiên nhỏ, có tàu điện leng keng và góc phố quen cùng những đêm nhạc Du ca thì người dân vui mừng lắm. Mọi người reo lên: “Tuyệt vời quá!”. Sau này thì chính người dân nơi đây đã ủng hộ, bảo vệ cho chúng tôi rất nhiều nên tôi luôn tin rằng, không có điều gì chạm đến trái tim bằng sự chân thành”.

Trong câu chuyện của mình, chị Thu Hằng nhiều lần nhắc và bày tỏ lòng biết ơn đến những cộng sự, những tiền bối, người thầy, người bạn và gia đình… đã luôn hỗ trợ và ủng hộ chị, như Đại sứ Phạm Sanh Châu, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn nguyên Viện trưởng Văn hóa nghệ thuật quốc gia, TS. KTS Nguyễn Quang nguyên Giám đốc UN - Habita Việt Nam, Ngói Concept cùng rất nhiều người khác là họa sĩ, chuyên gia, nghệ nhân đã và đang ủng hộ chị từ những ngày đầu tiên đó đến bây giờ, đặc biệt là các anh chị em truyền thông, nhà báo, luật sư.

Chị nói: “Khi tái hiện lại góc không gian xưa này tôi mời nhà nghiên cứu/hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức, họa sĩ Nguyễn Trọng Hà cố vấn và thực hiện thi công luôn. Họa sĩ Trần Hoàng Hải Yến cùng các bạn đã vẽ trên cây cầu hội họa. Có một tác phẩm tranh kính của nghệ nhân Vinh Coba vẽ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tặng cho dự án để thấy rằng dự án của chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu thương, ủng hộ của mọi người. Giờ trở thành điểm nhấn đặc biệt yêu thích của phố Trịnh, tôi vẫn gọi đây là những tác phẩm bởi được làm từ đôi bàn tay của các nghệ sĩ. Trân quý vô cùng!”.

Người đi tiên phong bao giờ cũng chịu nhiều áp lực nhưng bạn sẽ rất tự hào vì mình là người mở lối.

Tác giả và chị Phan Thu Hằng chia sẻ về những nét đẹp của Hà Nội xưa tái hiện ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn. (Ảnh: George John Newman)

Nhiều dự án phía trước

Là một người đầy ắp ý tưởng, đam mê và trách nhiệm cao nên uy tín ngày một khẳng định. Các địa phương cũng “để mắt” đến nhà sáng lập ICEP - Hà Nội Classy. Chị nhận lời mời từ UBND thành phố Hải Dương triển khai dự án phố đi bộ dọc sông Bạch Đằng. Tiếp sau đó là dự án phố ẩm thực Tuệ Tĩnh, “Đấy cũng là một trong những điều đáng mừng khi mà các dự án của mình đem lại giá trị cho cộng đồng như vậy”, chị tâm sự.

Phan Thu Hằng chia sẻ: “Chúng tôi hợp tác đồng hành cùng Công viên Thống Nhất và ra mắt, khởi động dự án Không gian sáng tạo và kết nối phố đi bộ Công viên Thống Nhất (Hà Nội) ngày 1/9/2023. Khó khăn rất nhiều và làm văn hóa thì chưa bao giờ dễ dàng cả. Nhóm ICEP của chúng tôi đặt trách nhiệm và tâm huyết lên hàng đầu cùng đối tác của mình từng bước tháo gỡ vượt qua, tôi tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.

ICEP - Hà Nội Classy nhận lời giới thiệu của TS. Kts Nguyễn Quang tư vấn xây dựng ý tưởng cho dự án Phố đi bộ Ponl de Long Bien - khu đô thị Splendora (Bắc An Khánh, Hà Nội), nhận lời mời của TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm văn hóa Văn Miếu Quốc Tử Giám tư vấn lên ý tưởng về Văn Miếu một số không gian quy hoạch chung. Các hoạt động và dự án tiêu biểu mà ICEP đang bảo trợ hướng đến cộng đồng và ưu tiên cho các bạn trẻ như dự án Vietnam Telling (trình chiếu ánh sáng 3D) của tác giả Nguyễn Cẩm Tú, Chiến binh nhí diệt Corona, Cảm xúc trong em của Xưởng nghệ thuật Art Tree… các dự án lớn nhỏ của học sinh trung học, sinh viên trên toàn quốc.

Thấy anh George John Newman (du khách Anh) đang chăm chú ngắm nghía các gian hàng thủ công phía trước, chị Hằng ra mời anh chàng vào dùng cà phê cùng chúng tôi và giới thiệu: “Cậu này đã sang Việt Nam ba lần rồi mà tính tổng thời gian cũng ở đây đến một năm rồi đấy”. Nghe chúng tôi nói chuyện về phố đi bộ, Geogre chia sẻ: “Tôi luôn thích những phố đi bộ vừa đẹp vừa truyền thống như phố đi bộ Hồ Gươm và tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn bên Hồ Tây này. Tuyến phố bên hồ rất thơ mộng và trong lành”.

“Tôi thấy, phố đi bộ mang lại cho chúng ta cơ hội hoàn hảo để thoát khỏi cuộc sống bận rộn. Là một người nước ngoài, tôi thích dành thời gian của mình ở những khu vực này xung quanh thành phố để thư giãn và luôn cảm thấy được chào đón bởi những người tuyệt vời của Hà Nội. Âm nhạc và tiếng cười luôn tràn ngập không khí mỗi khi tôi đi dạo trên những con đường này, và tôi rất biết ơn những người tuyệt vời đã làm việc chăm chỉ để mang lại cơ hội cho chúng ta để thư giãn và tận hưởng không gian tuyệt đẹp này”, anh Geogre cho biết thêm.

Chia tay chị Hằng, anh Geogre… tôi tin, những gì những người như chị Hằng và các cộng sự của chị đã làm cho Hà Nội hôm nay sẽ được người dân và thế hệ mai sau nhớ đến. Trong lòng tôi như ngân lên câu hát trong tuyệt phẩm mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết về cho Hà Nội: “Hà Nội mùa Thu, đi giữa mọi người/ Lòng như thầm hỏi: Tôi đang nhớ ai / Sẽ có một ngày trời Thu Hà Nội trả lời cho tôi/ Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi…”.