Sau câu chuyện trẻ thiệt mạng vì bắt chước thử thách Momo, theo TS. Vũ Thu Hương, liều văc xin tránh được những hiểm họa đến từ Internet phải tiêm cho người lớn, chứ không phải trẻ em. (Ảnh: NVCC) |
Từ câu chuyện đau lòng một bé trai 8 tuổi ở Đồng Nai tử vong vì tham gia thử thách Momo trên mạng, bà nhận định thế nào về những nguy cơ độc hại mà đứa trẻ sẽ gặp phải khi sử dụng Internet?
Đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng khi người lớn quá coi thường những nguy cơ có thể xảy đến với trẻ thông qua Internet. Đồng thời, không ít người lớn cũng đang phóng đại những lợi ích đến từ Internet, đặc biệt với cuộc sống của trẻ.
Con trẻ là con người, là sinh vật sống, tồn tại trên Trái đất. Hiểu biết về thế giới thực, biết cách sống, hòa nhập và khai thác mọi cơ hội từ thế giới thực sẽ đem lại cho trẻ em một tương lai tốt đẹp. Thế giới ảo chỉ là một khía cạnh mới mẻ của cuộc sống hiện đại, làm phong phú thêm cuộc sống thực từ chính những ưu thế, lợi thế và cả những hiểm họa.
Do vậy, quá phóng đại các lợi ích của Internet, lạm dụng nó, trông đợi quá nhiều vào thế giới ảo, người lớn sẽ tự mình gây ra các hậu họa cho bản thân và cho trẻ em. Đặc biệt khi trẻ còn quá thiếu hiểu biết và kinh nghiệm sống. Khi đó các con sẽ dễ dàng trở thành các nạn nhân đáng thương nhất mà công nghệ, Internet… mang lại.
Thử thách Momo chỉ là một trong những trò chơi tưởng như vô hại trong thế giới mạng nhưng đã tước đoạt rất nhiều cuộc đời non trẻ từ chính sự thơ ngây của các em và sự lạm dụng Internet vào cuộc sống.
Bà có cảnh báo gì cho phụ huynh sau câu chuyện đau lòng này?
Các thiết bị điện tử có tác động rất tiêu cực đến trẻ. Nó khiến cho não bộ của trẻ phát triển lệnh lạc và không hoàn thiện, chưa kể nó sẽ khiến cho trẻ bị trì trệ vì ít hoạt động. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là trẻ có nguy cơ mắc thêm rất nhiều bệnh về tâm lý nữa. Chưa kể các nội dung phát trên youtube và các trang mạng còn chưa được kiểm duyệt, có những phần mềm, những kênh rất nguy hiểm đối với những đứa trẻ "vắt mũi chưa sạch".
Những câu chuyện trẻ bị thiệt mạng hoặc những sự việc đau lòng từ mạng xã hội thực sự là lời cảnh báo vô cùng đau xót mà chúng ta phải nhìn nhận lại. Người lớn đừng vì lười chơi với con mà vô tình "đầu độc" con bằng điện thoại, máy tính.
Dù đây không phải là câu chuyện mới nhưng hai năm qua, nhiều trẻ em trên thế giới đã thiệt mạng vì thử thách này dường như vẫn chưa đủ cảnh tỉnh phụ huynh trong việc bảo vệ con khỏi tác hại từ Internet?
Điều tôi cảm thấy lo lắng nhất là sự thờ ơ của người lớn trong mọi vấn đề đến từ các thiết bị điện tử nói chung và các tác hại lây truyền trong thế giới Internet nói riêng.
Dường như người Việt Nam coi những lời cảnh báo đó như những thứ phiền nhiễu không đáng có. Thậm chí có không ít phụ huynh tin rằng, những hiểm họa đó chỉ đến với con người khác chứ không thể ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng của chính con em mình.
Cũng có phụ huynh cảm thấy cần có thời gian rảnh để lo việc khác nên sẵn sàng chấp nhận một số hậu quả mà con trẻ phải gánh chịu từ các thiết bị điện tử như các con bị tật khúc xạ mắt, bị thiếu tập trung…
Như vậy, nếu không may, đứa trẻ gặp phải các hiểm họa dưới dạng thử thách Momo, họ cũng sẽ coi điều đó giống như số phận chứ không phải là một hiểm nguy có thể tránh được.
Thực tế, có phải phụ huynh Việt vẫn còn quá dễ dãi trong việc cho con sử dụng công nghệ, điện thoại thông minh? Hay họ chưa có một biện pháp quản lý con? Chưa phải là bộ lọc thông tin giúp con?
Phụ huynh Việt coi việc sử dụng thiết bị điện tử, công nghệ và tham gia vào thế giới ảo là một phần của cuộc sống hiện đại và con em mình bắt buộc phải thực hiện. Họ cho rằng, nếu không tham gia vào thế giới ảo, con họ sẽ lạc hậu, sẽ gặp vấn đề, sẽ bị bỏ lại phía sau.
Vì thế, họ mong có một công cụ nào đó ngăn chặn con họ tiếp xúc với các chương trình nguy hiểm như Thử thách Momo chứ không phải thấy cần thiết phải dạy con về cuộc sống thật, dạy con về thế giới, về mọi thứ quanh mình trước khi tham gia vào thế giới ảo.
Thậm chí, có nhiều phụ huynh còn cho rằng, nếu không tham gia vào mạng Internet, con sẽ kém hiểu biết hơn bạn bè. Trong khi thực tế cuộc sống bên ngoài, các trẻ hiện giờ vô cùng thiếu hiểu biết vì bị hạn chế tìm hiểu. Đồng thời, một sự thật rõ ràng là thế giới ảo không thể bao trùm và phong phú như thế giới thật. Nó chỉ phản ánh một phần vô cùng nhỏ của thế giới thật mà thôi.
Và thực tế, nhìn rộng ra, nền giáo dục nước ta dường như vẫn quá coi trọng các chương trình online, chương trình ảo mà coi nhẹ việc giáo dục trẻ tại cuộc sống thật. Điều này chắc chắn sẽ khiến cho mọi hiểu nhầm của phụ huynh thêm trầm trọng và tai hại.
Theo số liệu thống kê của Facebook năm 2018, Việt Nam có khoảng 63 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó có 48 triệu tài khoản facebook. Còn theo số liệu thống kê của Unicef năm 2017 thì hơn 1/3 số người sử dụng internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15 - 24. Trong khi đó, đa số trẻ em thiếu kiến thức về công nghệ số. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. |
Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet chứ ít khi học từ cha mẹ mình. Trong khi đó, hầu hết các trường học hiện nay chỉ dạy học sinh về kỹ năng tin học, chưa hình thành năng lực thông tin và kỹ năng sử dụng mạng an toàn. Đây có phải là khoảng trống trong việc bảo vệ trẻ khỏi tác hại từ Internet?
Trẻ cần học rất nhiều về kỹ năng, kinh nghiệm sống, cần trau dồi đạo đức, rèn luyện tính cách tốt… trước khi lo lắng đến việc tìm kiếm thông tin thông qua các phương tiện khác nhau. Khoảng trống về tính cách, đạo đức, kỹ năng và kinh nghiệm sống lớn hơn nhiều so với khoảng trống về kỹ năng sử dụng mạng an toàn.
Tuy nhiên, để học được những điều này, trẻ cần rất nhiều thời gian và sự quan tâm của người lớn, đặc biệt là cha mẹ và thầy cô giáo, những người gần gũi, có trách nhiệm giáo dục các con thay vì trông đợi vào một công cụ nào đó.
Vậy theo bà, "liều vaccine" nào bố mẹ có thể sử dụng để trẻ em có thể ngăn ngừa được những hiểm họa từ Internet?
Trong thời gian ít ỏi của mình, các bậc phụ huynh có thể nghĩ ra các trò chơi để chơi cùng con, giúp trẻ phát triển tư duy. Điều quan trọng là cha mẹ có sẵn sàng dành thời gian cho các con không. Cha mẹ hãy hành động, kéo con ra khỏi chiếc điện thoại thông minh và những trò game vô bổ và mạng xã hội với không ít cạm bẫy.
Tôi nghĩ, liều vaccine tránh được những hiểm họa đến từ Internet là phải tiêm cho người lớn, đó là cha mẹ, thầy cô giáo... chứ không phải trẻ em.
Đó chính là liều vaccine về trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy trẻ thực sự, mong cho các con trưởng thành, luôn đứng về lợi ích cao nhất của các con để quyết định mọi chuyện thay vì đứng về phía khó khăn của hoàn cảnh hay mong muốn nhàn hạ của người lớn mà vô tình "đầu độc" trẻ bằng điện thoại, công nghệ.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Cảnh báo về clip độc hại trên mạng xã hội. Cụ thể, đó là trường hợp tử vong rất khác thường của một bé trai 8 tuổi (ngụ ở ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, H.Trảng Bom, Đồng Nai). Tối 21/11, người nhà thấy cháu V.P.L. vào phòng tắm. Khoảng 30 phút sau vẫn không thấy cháu ra ngoài, nghi ngờ có chuyện chẳng lành, mẹ cháu nhờ người phá cửa xông vào thì phát hiện con mình đã tử vong trong tư thế treo lơ lửng, cổ áo mắc vào móc treo quần áo. Làm việc với công an, mẹ cháu V.P.L. cho biết cháu rất hiếu động, hay chơi trò móc quần, áo đang mặc trên người vào cành cây để treo lủng lẳng. Cơ quan công an nghi ngờ cháu V.P.L. “học theo” trò chơi treo cổ nguy hiểm này từ các clip độc hại trên mạng xã hội. Cộng đồng mạng dậy sóng khi trên Youtube xuất hiện nhiều Video mang tên thử thách Momo (momo challenge) có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát. Theo đó, khi trẻ em xem video trên kênh này có thể liên lạc với momo – một phụ nữ có hình dáng quái dị với đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi. Nhân vật này đã điều khiển trẻ em thực hiện những thử thách đáng sợ, kết thúc bằng việc tự sát. Qua những sự việc trên, các bậc phụ huynh nên chú ý đến con trẻ nhiều hơn, khi trẻ có biểu hiện hay chơi các trò lạ cần phải hỏi nguồn gốc từ đâu để kịp thời kiểm soát. (Thông tin từ Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Đồng Nai) |
| Nghĩ về trường hợp tiếp viên hàng không Vietnam Airlines gây nhiễm Covid-19 TGVN. Những lời nặng nề về bạn tiếp viên hàng không Vietnam Airlines những ngày gần đây khiến cổ họng tôi cảm thấy đắng ngắt… |
| GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Thầy mẫu mực về đạo đức mới mong học trò sống tử tế TGVN. Tự hào vì nhiều thế hệ trong gia đình làm nghề dạy học, GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, nghề giáo không giúp ... |
| ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Cần thử nghiệm sách giáo khoa theo nguyên tắc khoa học, đủ độ an toàn mới đưa ra đại trà TGVN. Chia sẻ với báo TG&VN, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, chúng ta cần cẩn trọng khi đưa sách giáo khoa (SGK) vào sử ... |