📞

Nữ tiến sĩ tâm huyết với việc gìn giữ tiếng Việt cho con em kiều bào

Nguyễn Minh 13:25 | 08/06/2022
TS. Trần Hồng Vân tại Đại học Charles Sturt (Australia) đã đề xuất một số biện pháp thiết thực để hỗ trợ hiệu quả việc giảng dạy tiếng Việt cho con em kiều bào, góp phần củng cố sự gắn kết giữa các thế hệ, gìn giữ văn hóa truyền thống và hướng về quê hương đất nước.

Với hơn 300.000 người, cộng đồng người Việt hiện chiếm hơn 1,2% dân số Australia, trong khi tiếng Việt là một trong 4 ngôn ngữ được nói nhiều nhất ngoài tiếng Anh ở quốc gia này.

Tuy nhiên, cũng như các ngôn ngữ của các cộng đồng nhập cư khác, việc sử dụng tiếng Việt ở Australia có xu hướng mai một dần từ thế hệ thứ hai trở đi...

Dạy và học là chưa đủ

Tại các khu vực đông người Việt sinh sống, các gia đình thường xuyên nói tiếng mẹ đẻ với các con và ra ngoài cũng có nhiều người dùng nên các cháu nhỏ nói tiếng Việt tương đối tốt.

Trong khi đó, tại các nơi khác, các cháu nhỏ chủ yếu dùng tiếng Anh nên hầu hết gặp khó khăn trong giao tiếp hằng ngày bằng tiếng Việt với ông bà sống trong cùng nhà hay với họ hàng ở trong nước.

TS. Trần Hồng Vân hiện đang công tác tại Đại học Charles Sturf. (Nguồn: TTXVN)

Chính phủ Australia đã có nhiều hình thức hỗ trợ giúp cộng đồng người Việt Nam duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ, bao gồm hệ thống các trường dạy tiếng Việt cộng đồng, với thời gian dạy và học thường là một tuần một buổi.

Theo TS. Trần Hồng Vân, thời gian dạy và học tiếng Việt như vậy là chưa đủ, do để học tốt một ngôn ngữ, cho dù là tiếng mẹ đẻ hay một ngôn ngữ thứ hai, luôn cần môi trường thực hành hằng ngày.

Mặt khác, dự án nghiên cứu Vietspeech (do Đại học Charles Sturt thực hiện với sự tài trợ của Hội đồng nghiên cứu Australia) về năng lực ngôn ngữ của trẻ em Việt Nam tại Australia cho thấy, vai trò rất quan trọng của cha mẹ trong việc dạy tiếng Việt cho các con.

Theo đó, sự quan tâm của cha mẹ đối với việc duy trì tiếng Việt, ngôn ngữ Việt và văn hóa Việt là yếu tố chính trong việc quyết định năng lực tiếng Việt của thế hệ tương lai sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Tuy nhiên, TS. Trần Hồng Vân nhận xét, trong nhiều gia đình người Việt ở Australia, cha mẹ quá bận rộn với công việc hằng ngày nên không có thời gian dạy tiếng Việt cho các con. Nhiều phụ huynh vẫn đặt ưu tiên dạy tiếng Anh do các con vẫn phải học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa bằng tiếng Anh, nên càng lớn các cháu càng ít ưu tiên học tiếng Việt.

Một vấn đề nữa là nhiều cha mẹ sống ở nước ngoài mặc dù rất muốn nhưng không biết cách dạy tiếng Việt cho các con như thế nào, không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào để dạy.

Chính vì vậy, tiếp theo dự án nghiên cứu trên, các chuyên gia ngôn ngữ trường Đại học Charles Sturt đã xuất bản cuốn cẩm nang có tựa đề Trẻ em đa ngữ (Vietspeech Multilingual Children) cung cấp thông tin cần thiết cho việc dạy và học tiếng Việt trong các gia đình.

Chương trình "Cùng giữ tiếng Việt"

TS. Trần Hồng Vân chia sẻ, sau khi tham gia thực hiện dự án Vietspeech, bà rất trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để nâng cao nhận thức và lan tỏa mong muốn giữ tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ người Việt tại Australia.

Từ suy nghĩ này, bà đã quyết định phụ trách chương trình “Cùng giữ tiếng Việt” được phát hằng tuần trên đài SBS tiếng Việt từ tháng 10/2021.

Chương trình được thiết kế nhằm cung cấp cho các gia đình người Việt ở Australia và cả các nước khác thông tin về phương pháp dạy tiếng Việt cho các con cũng như lợi ích của việc học.

Cho đến nay, chương trình đã thực hiện được hơn 30 buổi phát sóng, giới thiệu về tấm gương của các cháu thế hệ thứ hai ở Australia nói tiếng Việt tốt, tham gia các hoạt động giúp ích cộng đồng và gắn kết với quê hương Việt Nam.

Ngoài ra, "Cùng giữ tiếng Việt" cũng lồng ghép nội dung về vẻ đẹp, sự đặc sắc của tiếng Việt, để người nghe biết và thêm yêu ngôn ngữ này.

Trong thời gian tới, chương trình dự kiến sẽ tổ chức một cuộc thi hùng biện bằng tiếng Việt cho các cháu nhỏ tại Australia. Mỗi bài hùng biện không quá 3 phút về các chủ đề như cuộc sống tại Australia sẽ được phát sóng để khán giả nghe và bình chọn.

Chương trình sẽ trao giải thưởng cho các cháu có bài hùng biện hay nhất để khuyến khích, động viên mọi người tham gia.

Đánh giá về tài liệu học và dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài, TS. Trần Hồng Vân cho biết, hiện có rất nhiều sách dạy tiếng Việt ở Australia cũng như nhiều nước khác nhưng chưa có sự phân biệt giữa sách dạy tiếng Việt cho trẻ em ở trong nước và ngoài nước. Việc chọn loại sách nào cho phù hợp với trình độ tiếng Việt của các em đang sinh sống ở nước ngoài cũng là một bài toán khó đối với giáo viên và phụ huynh.

Theo bà, ở trong nước, chính phủ đã có nhiều dự án biên soạn tài liệu dạy tiếng Việt cho cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một chính sách có ý nghĩa rất tích cực, đem lại nguồn động viên cho các gia đình kiều bào. Bà con rất mong được cung cấp miễn phí các tài liệu này để có thêm lựa chọn cho phù hợp với việc dạy và học tiếng Việt cho các con.

Bên cạnh đó, TS. Trần Hồng Vân đề xuất, chính phủ cũng cần xem xét, xây dựng chương trình tập trung vào việc giúp các gia đình dạy tiếng Việt cho các con ở nhà.

Bà cho rằng, cha mẹ có vai trò then chốt trong hoạt động này nhưng không phải ai cũng là giáo viên ngoại ngữ hay nhà giáo dục nên rất cần tài liệu cũng như phương pháp dạy tiếng Việt hiệu quả.

(theo TTXVN)