Lá thư do Thủ tướng Anh Theresa May ký vào tối ngày 28/3 chính thức thông báo rằng, nước Anh đã kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, khởi động quá trình đàm phán kéo dài 2 năm giữa Anh và EU để đi tới các điều khoản tách khỏi liên minh của Anh và thiết lập quan hệ trong tương lai giữa hai bên. Dự kiến quy trình này sẽ hoàn tất vào ngày 29/3/2019.
Kết quả đàm phán sẽ định hình tương lai của nước Anh, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với GDP 2.600 tỷ USD cũng như quyết định việc London liệu sẽ có thể tiếp tục là một trong hai trung tâm tài chính toàn cầu hàng đầu. Trong vòng 48 tiếng, ông Tusk sẽ gửi đến 27 thành viên EU dự thảo nguyên tắc đàm phán.
Đại sứ Anh Tim Barrow trao thư thông báo về Brexit cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ở Brussels. (Nguồn: Reuters) |
Cùng lúc đó tại London, Thủ tướng May có bài phát biểu trước Hạ viện, xác nhận quá trình rời EU. "Đây là một thời khắc lịch sử mà từ đây chúng ta không thể quay trở lại. Giờ đây chúng ta sẽ tự quyết định và đề ra luật lệ của mình” - bà May nói.
Như vậy, đúng như ý nguyện của đa số người dân Anh, Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU. “Chúng ta sẽ nắm lấy cơ hội này để xây dựng một nước Anh mạnh mẽ hơn, công bằng hơn, một đất nước mà con cháu chúng ta tự hào gọi là quê hương", Thủ tướng Anh phát biểu.
Theo đúng nội dung Điều 50 Hiệp ước Lisbon, nếu vào khoảng tháng 3/2019, Anh và EU vẫn không thống nhất được thỏa thuận về các quyền lợi và nghĩa vụ hậu Brexit, thì nước Anh vẫn sẽ tự động hết tư cách thành viên EU, không còn quyền lợi và nghĩa vụ EU nào nữa.
Kịch bản này được cho là có nhiều rắc rối và bất định lớn về kinh tế, vì khi không còn tư cách thành viên EU và không có thỏa thuận riêng nào với EU, nước Anh sẽ quay trở lại làm một thành viên WTO với các quy định thương mại, thuế tương ứng kèm theo. Đó có thể là một cú "hạ cánh cứng" sau khi Anh ra khỏi EU.
Hiện tại, giới doanh nghiệp và người dân trông đợi vào một kịch bản ít “sốc” hơn, đó là Anh và EU đạt được thỏa thuận Brexit, tạo điều kiện cho Anh ra khỏi EU với một cú "hạ cánh mềm".