Một cư dân ở Monrovia, Liberia, đã cố gắng gia cố ngôi nhà của mình để chống xói mòn do biển. (Nguồn: EPA/Shutterstock) |
Các nước giàu đã giảm số tiền họ cam kết giúp các nước đang phát triển đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, ngay cả khi nhu cầu đó đang tăng lên, LHQ cho biết trong một báo cáo công bố ngày 2/11.
Những hành động chưa thỏa đáng
Theo các tác giả báo cáo, Mỹ công bố mức cắt giảm viện trợ thích ứng khí hậu lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2021. Năm 2021, Mỹ cam kết viện trợ 129 triệu USD cho mục đích thích ứng với biến đổi khí hậu, so với năm 2020 giảm 245 triệu USD, tức là giảm 47%.
Người phát ngôn Nhà Trắng Angelo Fernández Hernández, cho biết rằng báo cáo “không thể hiện bức tranh toàn cảnh về những gì Mỹ đang làm trong việc thích ứng với khí hậu”.
Ông cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đã bảo đảm được khoảng 2 tỷ USD tài trợ thích ứng với khí hậu cho năm tài chính 2022.
Báo cáo cho thấy, trong thập kỷ này, các quốc gia đang phát triển sẽ cần từ 215 tỷ đến 387 tỷ USD hàng năm để chống chọi với những cú sốc về khí hậu, đó là những cơn bão ngày càng tồi tệ, mất mùa và mất khả năng tiếp cận nguồn nước. Con số này lớn hơn tới 18 lần so với tổng số tiền mà các nước giàu cam kết cho việc viện trợ thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2021.
Dữ liệu trên mới được đưa ra vài tuần trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn của Liên hợp quốc diễn ra tại Dubai (COP28). Người ta kỳ vọng, tại hội nghị, viện trợ cho các nước đang phát triển sẽ là mục chương trình nghị sự hàng đầu.
Tại hội nghị thượng đỉnh tương tự hai năm trước ở Glasgow (COP26), các quốc gia đã đồng ý tăng gấp đôi kinh phí thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2025, so với mức của năm 2019. Báo cáo cho biết, ngay cả khi các quốc gia thực hiện tốt cam kết đó, nó cũng chỉ cung cấp được một phần nhỏ trong số tiền bổ sung cần thiết.
Georgia Savvidou, trợ lý nghiên cứu tại Viện Môi trường Stockholm và là một trong những tác giả của báo cáo, cho biết: “Các mục tiêu thực sự cần phải được tăng lên”.
Nhu cầu hỗ trợ thích ứng đã tăng lên. Báo cáo lưu ý rằng, theo các chính sách khí hậu hiện hành trên khắp thế giới, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng ít nhất 2,4 độ C, hay 4,3 độ F, so với mức thời tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này. Con số này vượt xa mức 1,5 độ C mà các nhà khoa học đặt ra làm mục tiêu, vượt quá mức đó thì tác động của sự nóng lên có nguy cơ trở thành thảm họa.
Báo cáo cho biết: “Hành động về khí hậu hiện nay chưa thỏa đáng một cách đáng tiếc”.
Nguyên tắc viện trợ cốt lõi
Theo Paul Watkiss, một tác giả khác của báo cáo, kể từ năm 2016, lần cuối cùng LHQ chuẩn bị phân tích chi tiết, số tiền mà các nước đang phát triển cần để thích ứng với biến đổi khí hậu đã tăng hơn 25%. Việc chi phí ngày càng cao phản ánh sự nóng lên toàn cầu ngày càng tăng, sự hiểu biết tốt hơn về cả tác động của sự nóng lên và các bước mà các quốc gia phải thực hiện để giải quyết những tác động đó.
“Sự bất ổn do khí hậu gây ra ở các quốc gia như Pakistan đe dọa an ninh nước Mỹ”. - Bà Erin Sikorsky, Giám đốc Trung tâm khí hậu và an ninh, Washington, Mỹ |
Báo cáo cho biết trường hợp viện trợ thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên một số nguyên tắc cốt lõi.
Đầu tiên, các quốc gia đang phát triển phải chịu trách nhiệm về một phần nhỏ phát thải khí nhà kính gây ra mực nước biển dâng, làm gia tăng các cơn bão, hạn hán và các cú sốc khí hậu khác. Các quốc gia giàu có như Mỹ, Đức và Anh đã đóng góp một phần không cân xứng vào lượng khí thải đó, điều mà nhiều người cho rằng chính là lý do họ phải có nghĩa vụ giúp giải quyết hậu quả của chúng.
Thứ hai, các nước nghèo thường phải đối mặt với những cú sốc đó nhiều hơn so với các nước giàu. Cơ sở hạ tầng của họ thường kém hiện đại và không được bảo trì tốt. Những nước này có thể ít được tiếp cận với các hệ thống cảnh báo sớm để chuẩn bị cho thảm họa hoặc không tính đến bảo hiểm để xây dựng lại sau đó.
Cuối cùng, tiền chi cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu có thể giảm đáng kể chi phí cho những thiệt hại trong tương lai, một lập luận mà chính quyền Tổng thống Biden đã sử dụng để biện minh cho việc tăng cường các khoản chi kiểu này ở Mỹ. Dự luật cơ sở hạ tầng do Tổng thống Biden ký vào năm 2021 là khoản đầu tư lớn nhất vào khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lịch sử xứ cờ hoa.
Những lợi ích đó có thể còn lớn hơn nếu áp với các nước đang phát triển. Theo báo cáo, 1 tỷ USD chi ra để bảo vệ chống lũ lụt ven biển sẽ giảm thiệt hại 14 tỷ USD. Và đầu tư 16 tỷ USD vào nông nghiệp mỗi năm sẽ cứu được khoảng 78 triệu người khỏi nạn đói kinh niên.
Cần nguồn tài chính đi vào thực tế
Nếu các nước đang phát triển không thể ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu thì hậu quả là chúng cũng có thể gây ảnh hưởng to lớn đến các nước giàu. Những cú sốc liên quan đến khí hậu như mất mùa, bão và các thảm họa khác có thể thúc đẩy tình trạng di cư, ngay cả khi Mỹ và các quốc gia khác cố gắng ngăn chặn điều đó.
Giám đốc điều hành Chương trình môi trường LHQ Inger Andersen cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi năm ngoái: “Bạn sẽ không thể có pháo đài châu Âu. Bạn sẽ không thể có pháo đài nước Mỹ. Nó không hoạt động”.
Những cú sốc về khí hậu cũng có thể góp phần gây ra sự bất ổn và xung đột. Erin Sikorsky, Giám đốc Trung tâm khí hậu và an ninh, một tổ chức nghiên cứu ở Washington, chỉ ra rằng Pakistan, quốc gia với việc phải hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng vào năm ngoái. Quốc gia này đã chứng kiến những cuộc biểu tình ngày càng tồi tệ về giá lương thực và năng lượng kể từ sau những trận lũ lụt đó.
Bà Sikorsky nói: “Sự bất ổn do khí hậu gây ra ở các quốc gia như Pakistan đe dọa an ninh nước Mỹ”.
Báo cáo lưu ý một khía cạnh khác mà sự hỗ trợ từ các quốc gia giàu có đang thiếu hụt: đó là, chỉ 2/3 trong số 21 tỷ USD mà các quốc gia giàu có hứa vào năm 2021 đã thực sự được giải ngân.
"Chúng ta không thể có tác động thực tế trừ khi tài chính thực sự đến được với thực tế”, bà Sikorsky khẳng định.