📞

Nước giàu và nghịch lý “càng già, càng nghèo”

09:00 | 27/08/2017
Những tưởng nghịch lý này chỉ có ở những nước nghèo thì trên thực tế lại đang diễn ra ngay tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. 

Vật lộn mưu sinh

Khi những cơn gió lạnh thấu xương thổi qua những con phố ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), dưới thời tiết giá lạnh dưới 0 độ C, bà Kim (81 tuổi) vẫn miệt mài với công việc hàng ngày của mình trong một con hẻm nhỏ. Bà nhặt từng mảnh chai lọ hay những đồ phế thải vứt đi trong những thùng rác công cộng của các tòa nhà gần đó. Sau một ngày làm việc cật lực, trung bình bà Kim kiếm được 10.000 Won (khoảng 12 USD). Số tiền quá ít ỏi đối với nhiều người nhưng ít ra cũng đủ để bà trang trải cho cuộc sống hàng ngày ở một trong những thành phố đắt đỏ bậc nhất châu Á như Seoul.

Hình ảnh những người lớn tuổi phải chật vật kiếm sống hàng ngày không còn hiếm gặp trên các đường phố ở Đức. (Nguồn: Euro News)

Điều đáng buồn là những trường hợp như bà Kim lại không hề hiếm gặp tại Hàn Quốc. Theo cuộc điều tra năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Hàn Quốc, gần một nửa số người già trên 65 tuổi ở nước này sống trong cảnh nghèo đói. Nhiều người thậm chí phải vật lộn với cảnh sống cô độc và phiền muộn tuổi già.

Không chỉ riêng tại Hàn Quốc, tình trạng người già bị bỏ quên, sống dưới mức khèo khổ cũng đang khá phổ biến ở một số quốc gia châu Âu phát triển, mà điển hình là Đức – quốc gia giàu nhất châu lục này.

Xếp hàng vào xem một Triển lãm về sự thịnh vượng của nước Đức tại Hamburg nhưng ông Hebert Rupert (76 tuổi) cho biết, đây là sự thịnh vượng mà ông không hề được hưởng lợi. Vốn tự hào là nền kinh tế lớn mạnh nhất châu Âu, nhưng ở Đức tồn tại một nghịch lý chưa có lời giải là ngày càng có nhiều người về hưu sống dưới mức nghèo khổ.

“Tôi từng là một thợ hàn giỏi tại Nhà máy đóng tàu Hamburg với mức lương tương đối cao. Điều mà tôi không thể ngờ tới là khi về hưu, tôi phải dùng gần nửa số lương hưu mà mình có để trả tiền nhà và các chi phí sinh hoạt hàng tháng. Thỉnh thoảng, tôi nghĩ mọi thứ thật tệ hại. Nhưng sau đó, tôi tự an ủi rằng có những người khác còn khổ hơn mình”, ông Hebert Rupert tâm sự.

Theo Cục Thống kê Liên bang Đức, nếu như một thập kỷ trước, chỉ khoảng 10% người hưu trí là người nghèo thì nay, con số này là trên 15% - mức tăng nhanh nhất trong số nhiều nước châu Âu giàu có khác.

Bài toán đau đầu

Ông Yang Seung-jo, người đứng đầu Ủy ban Y tế và Phúc lợi Quốc hội Hàn Quốc lý giải, với tình trạng suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao như hiện nay, tình trạng nghèo đói ở những người lớn tuổi tại nước này sẽ khó có thể được cải thiện trong “một sớm một chiều”.

“Trước đây, chúng tôi có thể yêu cầu các gia đình quan tâm và chăm sóc những người già trong gia đình mình. Nhưng bây giờ, rất nhiều người ở đội tuổi 30 - 40 thậm chí còn không thể tự nuôi sống bản thân, do vậy, họ không thể lo được cho bố mẹ, ông bà mình”, ông Yang cho hay.

Còn theo Giáo sư Lee Ho-sun thuộc Đại học Soongsil Cyber, chuyên gia nghiên cứu về phúc lợi người cao tuổi Hàn Quốc, Chính phủ cần nhìn nhận phúc lợi xã hội “không đơn thuần là một lời hứa mà là một nghĩa vụ” và người già cần được chăm sóc không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần.

“Thật nghiệt ngã khi những người lớn tuổi lại là thế hệ bị quên lãng. Chính những người đã đổ mồ hôi và nước mắt để làm nên sự phồn vinh của đất nước lại đang phải sống nghèo khổ khi về già”, Giáo sư Lee bức xúc.

Nghiên cứu mới đây của Tổ chức Bertelsmann cho thấy, diễn biến ảm đạm trên thị trường việc làm của Đức, điều kiện làm việc bấp bênh trong khu vực có mức lương thấp đang làm gia tăng nguy cơ ngày càng nhiều người già ở Đức rơi vào cảnh đói nghèo sau khi nghỉ hưu.

Ông Aart De Geus, người sáng lập Tổ chức Bertelsmann cho hay, mặc dù đã có nhiều cải cách kinh tế và xã hội được thực thi nhưng dường như những người lớn tuổi Đức đã không thể theo kịp tốc độ phát triển khắc nghiệt của nền kinh tế hiện đại.

“Chính phủ cần cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương và phúc lợi hưu trí. Để có được một hệ thống phúc lợi hưu trí vững mạnh, Chính phủ cần xây dựng dựa trên những thay đổi trên thị trường lao động”, ông Aart De Geus đề xuất.

Hiện các nhà chức trách ở Đức đang thảo luận khả năng tăng lương hưu trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều người về hưu vẫn hoài nghi về lời hứa này khi thời điểm bầu cử không còn xa nữa. 

(tổng hợp)