Việc lái xe sau khi uống rượu bia từ lâu đã là vấn nạn giao thông ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, các nhà lập pháp hiểu ra rằng việc đưa ra các chế tài và hình phạt khắt khe dành cho hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn là cực kỳ cần thiết để răn đe người dân, tránh các tai nạn thảm khốc xảy ra. Dưới đây là một số ví dụ:
Anh: Vương quốc Anh là một trong những quốc gia cho phép tài xế lái xe được giới hạn nồng độ cồn đã hấp thụ. Lượng cồn cho phép chỉ là 0,35mg/l khí thở, nghĩa là một ly rượu nhỏ thôi cũng đủ để các tài xế vướng phải vòng lao lý. Theo luật pháp của Anh, lái xe bị bắt với nồng độ cồn vượt quá mức quy định có thể bị phạt tù từ 1 - 3 tháng, nộp phạt số tiền tối thiểu 2.500 bảng, và thậm chí lên tới 25.000 bảng Anh (hơn 750 triệu đồng), cùng nguy cơ tịch thu bằng có thời hạn.
Australia: Quy định về nồng độ cồn được phép khi lái xe sẽ khác biệt theo từng tiểu bang. Nhưng đa số các bang đều coi việc lái xe sau khi uống rượu là phạm pháp, và kèm theo các mức phạt dựa trên giới hạn nồng độ cồn ở mức 0,23mg/l khí thở.
Lấy ví dụ ở Melbourne. Tài xế chỉ cần có cồn trong người cũng phải nhận án phạt khoảng 700 AUD (hơn 11 triệu đồng), kèm 1 tháng tước giấy phép lái xe. Mức phạt sẽ tăng lên tùy theo mức độ vi phạm, trong đó tối đa là 4.200 đô Úc (hơn 676 triệu đồng), tước bằng 6 tháng kèm theo 6 tháng tù giam.
Nhật Bản: Với nồng độ cồn từ 0,15 mg/l khí thở (tương đương với 1 ly bia), người điều khiển xe bị quy vào lỗi “lái xe trong điều kiện không tỉnh táo”, bị phạt tù lên tới 3 năm và 500.000 Yên (khoảng 104 triệu đồng). Khi cảnh sát giao thông phát hiện tài xế “lái xe trong tình trạng say rượu”, người vi phạm có thể bị phạt tới 5 năm tù và 1 triệu Yên (khoảng 200 triệu đồng). Đây được coi là khung hình phạt vào loại nghiêm khắc nhất thế giới
Singapore: Cũng như Nhật Bản, Singapore cũng có hình phạt tù, phạt tiền và lao động công ích đối với hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam.
Ở Singapore, việc xử phạt sẽ dựa vào từng vụ việc. Các mức phạt sẽ được quy định dựa trên 2 yếu tố là sự nguy hiểm của hành vi và nồng độ cồn của lái xe. Những lỗi nặng nhất sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích.
Trung Quốc: Pháp luật hiện hành của Trung Quốc cũng không cho phép tài xế sử dụng rượu bia, bất kể nồng độ là bao nhiêu. Tiêu chuẩn nồng độ tại Trung Quốc là 0,38mg/l khí thở. Trong đó, những trường hợp ghi nhận có cồn có thể bị phạt từ 1000 - 2000 NDT (khoảng 3 - 6 triệu đồng), tước bằng lái xe trong 6 tháng. Trong trường hợp vi phạm nặng hơn, án tù có thể lên tới 3 năm, kèm theo việc cấm lái xe trong 5 năm kế tiếp.