Nhỏ Bình thường Lớn

Nước Nga trước thông điệp liên bang của Tổng thống Vladimir Putin: Căng ngoài, khó trong

Trước nhiều thách thức, Nga sẽ làm gì để vượt qua sóng gió? Câu trả lời có thể nằm trong Thông điệp liên bang của Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/4 tới.

12h giờ (16h giờ Việt Nam) ngày 21/4 tại triển lãm trung tâm Manezh ở thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đọc Thông điệp liên bang trước Quốc hội.

Buổi lễ dự kiến có sự góp mặt của 450 phóng viên báo chí trong và ngoài nước và được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình lớn của Nga như Rossiya-1, Rossiya-24 và Channel-1.

Con số đông đảo phóng viên theo dõi thể hiện sự quan tâm đặc biệt của truyền thông quốc tế với sự kiện lần này, nhất là trong bối cảnh xứ bạch dương đứng trước nhiều thách thức trong và ngoài nước chưa từng có.

(04.20) Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp quốc gia tại thủ đô Moscow ngày 15/1/2020. (Nguồn: AP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp liên bang lần trước tại thủ đô Moscow ngày 15/1/2020. (Nguồn: AP)

Khó trong

Ở trong nước, bất chấp quá trình sản xuất và phát triển vaccine được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực, tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cướp đi hàng nghìn sinh mạng của người dân Nga và khiến triển vọng phục hồi kinh tế của xứ bạch dương tiếp tục ảm đạm.

Tính đến 18h ngày 18/4, Nga ghi nhận 8.632 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 lên 4,7 triệu người, trong đó thủ đô Moscow chiếm hơn 1/4.

Số ca tử vong vài ngày qua vì Covid-19 là 389 ca, nâng tổng số người thiệt mạng vì đại dịch Covid-19 lên 105.582 người.

Dù Nga là quốc gia đầu tiên công bố, phê chuẩn vaccine Covid-19 Sputnik V vào tháng 8/2020, song tiến trình sản xuất và tiêm chủng tại đây là khá chậm.

Tính đến tuần qua, chỉ 9 triệu người, tương đương 6% dân số, được tiêm vaccine, đứng thứ 65 về mật độ tiêm chủng vaccine toàn dân.

Năng lực sản xuất hạn chế, đặc thù địa lý, tâm lý e ngại của người dân cùng quy trình tiêm chủng chưa hiệu quả khiến vaccine trở thành vấn đề đau đầu của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.

Về triển vọng kinh tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2021 có thể đạt 3,8%, trong khi con số của Ngân hàng Thế giới (WB) là 3,3%.

Giám đốc Điều hành IMF tại Nga Aleksei Mozhin nhận định nền kinh tế Nga có thể tăng trưởng nhanh hơn so với thời điểm trước đại dịch diễn ra. Tuy nhiên, triển vọng này có được đáp ứng hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào tình hình đại dịch Covid-19 và tiêm chủng tại Nga thời gian tới.

Năng lực sản xuất hạn chế, đặc thù địa lý, tâm lý e ngại của người dân cùng quy trình tiêm chủng chưa hiệu quả khiến vaccine trở thành vấn đề đau đầu của chính quyền Tổng thống Putin.

Căng ngoài

Về đối ngoại, Nga đang rơi vào tình thế không mấy dễ chịu. Căng thẳng Nga-Ukraine xung quanh việc Moscow điều động 150.000 binh sỹ và lượng lớn khí tài quân sự tới sát biên giới, gần khu vực Crimea đang nóng hơn bao giờ hết và có thể bùng phát thành xung đột bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, phương Tây tiếp tục gia tăng áp lực về chính trị và kinh tế đối với Nga.

Mới đây, lấy lý do Nga đứng sau các cuộc tấn công mạng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triển khai hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, nhắm vào các khoản nợ của Nga, ngăn thể chế tài chính của Mỹ mua trái phiếu từ Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, Quỹ Thịnh vượng quốc gia Liên bang Nga và Bộ Tài chính Liên bang Nga.

Gói trừng phạt mới này cũng nhắm vào 6 công ty Nga bị cáo buộc là gắn với các hoạt động tấn công mạng của Nga, đồng thời tiến hành trục xuất 10 quan chức tại Đại sứ quán Nga ở Mỹ bị nghi là sĩ quan tình báo.

Đồng thời, Mỹ gây áp lực hòng nhằm làm gián đoạn dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Đức.

Trong khi đó, Brussels tiếp tục lên tiếng chỉ trích Moscow, yêu cầu trả tự do chính trị gia đối lập Alexei Navalny, đồng thời áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế.

Đáng ngại hơn, làn sóng trục xuất các nhà ngoại giao Nga đang được một số quốc gia thành viên EU hưởng ứng, mới đây nhất là Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Czech, khiến quan hệ Nga-EU rơi vào tình trạng báo động.

Sự hiện diện của quân đội Nga tại một số điểm nóng tại Trung Đông-châu Phi, đặc biệt là Syria, có thể góp phần mở rộng ảnh hưởng của Moscow tại đây, song cũng buộc chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin duy trì thái độ thận trọng, tránh sa lầy vào các xung đột không có hồi kết.

Trong bối cảnh đó, Thông điệp liên bang sắp tới có thể là dịp để Tổng thống Vladimir Putin vạch rõ tầm nhìn về nước Nga thời gian tới, thể hiện lập trường và quan điểm trong các vấn đề này.

Trước đó, ông Putin cho biết sẽ nhấn mạnh vào giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội trong nước thời hậu Covid-19, đồng thời điều chỉnh, cải thiện quan hệ với các quốc gia.

Ông chủ Điện Kremlin khẳng định: “Chúng ta cần thừa nhận thẳng thắn và thực tế vào những điều chúng ta chưa làm được, khi mà các nỗ lực chưa được đền đáp và khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ.

Nhìn vào bức tranh ấy, chúng ta cần thay đổi những hành động chưa mang lại hiệu quả và tìm kiếm giải pháp tốt hơn. Đó là điều mà người dân Nga kỳ vọng ở chúng ta”.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Putin sẽ đáp lại kỳ vọng đó thế nào thời gian tới vẫn là câu trả lời còn bỏ ngỏ.

TIN LIÊN QUAN
Đại sứ Mỹ tại Moscow chuẩn bị về nước tham vấn theo 'lời khuyên' của Nga?
Mỹ tố Nga 'leo thang vô cớ' ở Biển Đen, phát cảnh báo nguy cơ giao tranh xuyên biên giới Nga-Ukraine
Cảnh báo tình trạng thảm họa, Nga quyết rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế hợp tác cùng Mỹ, EU
Bạo lực học đường: Đừng 'chống theo phong trào'
Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021: Trung Quốc nói thế giới 'cần công lý, không phải bá quyền'; Hàn Quốc kêu gọi hợp tác đa phương