📞

Ở Australia, viết truyện sử Việt Nam

18:43 | 29/01/2016
Nhận thấy những câu chuyện bên lề lịch sử Việt Nam cũng hấp dẫn và kỳ bí chẳng kém gì phim cổ trang Trung Quốc, Lê Ngọc Linh tự nhủ phải viết ra những tác phẩm sử dụng tư liệu lịch sử Việt Nam. Thế là Tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý” ra đời...

Ước mơ nâng tầm lịch sử

Theo học ngành Hướng dẫn viên quốc tế của Viện Đại học Mở Hà Nội, Lê Ngọc Linh đã được các thầy cô truyền thụ rất nhiều kiến thức về lịch sử và địa lý Việt Nam. Chính điều đó đã làm sâu sắc thêm tình yêu văn hoá Việt Nam trong cô gái gốc Hà thành này.

Sau khi tốt nghiệp năm 2010, Linh theo gia đình sang Australia định cư. Ở nơi đất khách quê người, cô càng cảm thấy sự cần thiết của việc nâng tầm ảnh hưởng của lịch sử dân tộc tới thế hệ trẻ và không có phương pháp nào hiệu quả hơn là thông qua tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc…

Sau một thời gian dài nghiên cứu lịch sử và sáng tác, tháng 1/2016, Ngọc Linh và họa sĩ Bùi Hải Bình (San) đã giới thiệu tập Một của tiểu thuyết Thành Kỳ Ý ngay tại quê hương mình - Hà Nội.

Tác giả Lê Ngọc Linh.

Lấy bối cảnh nước Đại Việt thế kỷ XV, triều đại Lê Sơ, Thành Kỳ Ý gồm ba tập, xoay quanh câu chuyện về cuộc đời đầy biến động của những đứa trẻ được sinh ra mang số mệnh đặc biệt, gắn với những cuộc tranh đoạt ngôi Thiên tử của nước Đại Việt. Thời gian được đề cập trong truyện kéo dài bốn đời vua, trong đó có vụ án Lệ Chi viên khiến hơn 400 người thuộc ba đời gia tộc đại công thần Nguyễn Trãi hàm oan.

Lý giải về tên gọi "lạ tai" của bộ truyện, nữ tác giả 8x này cho biết, đó là một cụm từ được trích từ sách Đại Học (một trong bộ Tứ thư của Trung Quốc). "Thành Kỳ Ý" có nghĩa là "thành thật với lòng mình", ám chỉ những người vì cuộc chiến vương quyền mà tự lừa dối bản thân, đánh mất đi chính mình.

"Sáng tác một câu chuyện dựa trên chính sử quả thực không phải là điều dễ dàng, nhất là việc cân bằng giữa yếu tố sáng tạo và sự thật. Với tôi, cái tên Thành Kỳ Ý cũng giống như một sự tự nhắc nhở bản thân rằng hãy luôn sáng tạo dựa trên sự tôn trọng lịch sử, dù có bay cao đến đâu cũng vẫn phải đáp xuống và đáp chính xác", Linh chia sẻ.

Đấu tranh vì cái đúng

Chia sẻ về quá trình sáng tác Thành Kỳ Ý, Ngọc Linh kể lại một sự cố "trời ơi đất hỡi" mà cô gặp phải. Trong tác phẩm, nhà văn này đã gọi vua Lê Thái Tông bằng niên hiệu Đại Bảo. Cách gọi ấy còn khá xa lạ ở Việt Nam bởi mọi người vẫn quen gọi vua bằng miếu hiệu là Thái Tông. Tuy nhiên, theo quy định thời phong kiến thì miếu hiệu chỉ được sử dụng khi vua đã băng hà. Trong lần biên tập cuối cùng, một nhà nghiên cứu do nhà xuất bản mời đến đã tham vấn cô bỏ cách gọi này đi.

Biết mình không sai nhưng thói quen của số đông khó mà thay đổi. Linh đã gửi thư cho các nhà nghiên cứu khác để xin ý kiến nhưng không nhận được hồi âm. Thấy vậy, cô tiếp tục dẫn chứng các tác phẩm văn học có yếu tố lịch sử của Trung Quốc và lục tung các văn án cổ để chứng minh. Cuối cùng, phía nhà xuất bản đồng ý giữ nguyên cách gọi vua...

Tập một của cuốn tiểu thuyết Thành Kỳ Ý.

Đối với Ngọc Linh, đó là quãng thời gian mà cô cảm thấy rất mệt mỏi để đấu tranh, bảo vệ cho đứa con tinh thần. Cô nhớ lại: "Khi ấy tôi mới nhận ra, viết truyện có yếu tố lịch sử vô cùng nan giải. Để xuất bản đã khó, tác giả đứng vững trước những định kiến của độc giả lại càng khó hơn".

Sóng gió ngày ra mắt

Ngay sau khi ra mắt, tập Một của tiểu thuyết đã gây ra "sóng gió" trên các diễn đàn văn học, lịch sử của Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng tạo hình của các nhân vật trong truyện rất giống tranh minh họa của tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc và như vậy là không chân thực về mặt lịch sử.

Trả lời về vấn đề này, Ngọc Linh thừa nhận cô và họa sĩ Hải Bình đều có chủ đích sáng tạo về mặt thẩm mỹ cho các nhân vật, làm cho họ mang tính cách, khí chất và những đặc điểm mà đối tượng độc giả trẻ yêu thích. Song, những trang phục trong tạo hình nhân vật của Thành Kỳ Ý đều được cả hai tham khảo ở cuốn Ngàn năm áo mũ của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức và từ các bức tượng cổ. Vì thế, những bộ trang phục này có tính chuẩn xác rất cao, đáng tin cậy chứ không hề tùy tiện.

"Chúng ta đừng nên bắt ông cha cứ mãi cởi trần đóng khố, người Việt từ thời thượng cổ đã có gu thẩm mỹ rất cao, luôn chủ động tiếp thu cái hay, cái đẹp từ nước khác và cải biến nó trở nên phù hợp với đặc điểm khí hậu và sinh hoạt trong nước", Linh cho hay.

Theo tác giả, việc có những tranh cãi khi tác phẩm ra mắt có thể coi là một thành công của dự án bởi nó khiến mọi người cùng quan tâm về một cách tiếp cận lịch sử khác. Cô khẳng định: "Dù tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết, tức là tác giả có quyền hư cấu câu chuyện, nhưng tôi tin rằng, sự thành tâm trong nghiên cứu lịch sử và thái độ tôn trọng sự thực của tôi sẽ được độc giả nhận ra và trân trọng".