Trung Quốc có nhiều thành phố trong diện ô nhiễm nhất thế giới. |
Tháng Hai vừa qua, một bộ phim tài liệu đề cập tình trạng ô nhiễm không khí đã khiến dư luận Trung Quốc "dậy sóng". Bộ phim mang tên Dưới mái vòm (Under the dome) được thực hiện bởi cựu phóng viên truyền hình Trung Quốc Sài Tĩnh. Nhà báo này đã xây dựng bộ phim sau khi phát hiện đứa con của mình có một khối u trong phổi từ khi mới sinh...
Trong phim, Sài Tĩnh đã phỏng vấn một bé gái sáu tuổi ở Sơn Tây, khu vực mà tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức nguy hiểm. Em nói: Em chưa bao giờ nhìn thấy sao trên bầu trời hay những đám mây trắng trên nền trời xanh.
Câu trả lời đó có lẽ là minh chứng sinh động cho tình trạng các thành phố lớn và khu công nghiệp luôn bị bao bọc bởi lớp bụi dày đặc...
Trước khi đưa ra con số thống kê hơn 3,2 triệu người chết sớm mỗi năm do ô nhiễm môi trường, các nhà nghiên cứu của WHO đã tập trung vào tác hại của các hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micromet bởi chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi, làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch và ung thư phổi. Các đám bụi này được sản sinh từ những nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá, từ khí thải ôtô và các nhà máy công nghiệp khác. Ở các nước đang phát triển, không khí cũng bị ô nhiễm do người dân đun nấu bằng than, củi và các lò sưởi đốt củi...
Hiện người dân ở nhiều nước đang sống chung với bầu không khí chứa 10 microgram bụi trong mỗi lít không khí, mức tối đa cho phép bởi WHO. Riêng tại Ấn Độ và Trung Quốc, con số này thậm chí vượt quá mười lần giới hạn trên. Đó là lý do châu Á chiếm 72% trong số 3,2 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới. Con số tử vong tại châu lục này sẽ tiếp tục tăng nếu các nước không có động thái hiệu quả và kịp thời nhằm cứu vãn môi trường. Đặc biệt, tại Ấn Độ và Trung Quốc, tỷ lệ tử vong sẽ tăng thêm 21%-23% mỗi năm.
Những thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Maputo (Mozambique) - Thành phố này gần như không có hệ thống vệ sinh môi trường và xử lý chất thải, dẫn đến tình trạng rác thải xuất hiện ở mọi nơi và nước bẩn chảy thẳng ra sông hoặc biển.
Baghdad (Iraq) là một trong những thành phố nguy hiểm nhất thế giới. Ngoài những vụ đánh bom, người dân nơi đây phải sinh sống trong môi trường độc hại và sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Điều này làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh tả.
Với hơn 20 triệu dân, thành phố Mumbai và New Delhi (Ấn Độ) là những thành phố đông dân và bị ô nhiễm nặng nhất. Rác thải chồng chất ở khắp mọi nơi sinh ra các loại khí độc gây tổn thương nặng cho phổi và dẫn đến tử vong nếu hít thở khí này thường xuyên.
Dhaka (Bangladesh) là thành phố thuộc một trong những nước nghèo nhất thế giới, với khoảng tám triệu dân đang phải sống chung với rác thải. Nguồn nước ở đây rất ô nhiễm do không đầu tư phủ xanh thành phố và lạm dụng các loại thuốc trừ sâu trong trồng trọt.
Karachi - trung tâm kinh tế của Pakistan - là nơi có bầu không khí ô nhiễm nhất. 35% dân số tại đây bị mắc một trong các bệnh về tim, phổi, da hoặc mắt. Các loại xe có động cơ đã cũ và không được bảo dưỡng thường xuyên là nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn nghiêm trọng mà người dân thành phố này phải gánh chịu.
Thành phố Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) có khoảng 11 triệu người sinh sống, nổi tiếng với lễ hội Băng Đăng hàng năm. Tuy nhiên, vào năm 2013, mọi sinh hoạt trong thành phố này đã hoàn toàn bị tê liệt bởi khói bụi gây ngạt khiến tầm nhìn giảm xuống còn 10m. Chỉ số đo lường mật độ hạt bụi phân tử với đường kính 2,5 micromet của thành phố này đạt mức 1000 microgram/lít, gấp 100 lần giới hạn cho phép bởi WHO.
Ngoài Cáp Nhĩ Tân, các thành phố khác ở Trung Quốc như Đường Sơn và Trường Xuân cũng đã rơi vào tình trạng tương tự. Từ vài năm nay, Bắc Kinh đã và đang nằm trong những thành phố chìm trong khói mù độc hại bởi khí thải từ nhà máy, xe cộ và các công trình xây dựng.
Thuỷ Tiên (tổng hợp)