Năm 2013, Quảng Ninh phê duyệt triển khai chương trình OCOP với mục tiêu: Phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm có lợi thế địa phương; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất”; tăng thu nhập cho nhân dân. Triển khai chương trình, giai đoạn 2013-2016, từ tỉnh đến các địa phương đã chủ động thành lập Ban Điều hành OCOP, triển khai các dự án phát triển sản xuất, tổ chức hội thi đánh giá và phân hạng sản phẩm...
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tham quan một gian hàng OCOP. (Nguồn: BQN) |
Sau 3 năm, nhãn hiệu OCOP Quảng Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ trong phạm vi quốc gia. Chương trình đã thu hút 20 đơn vị tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm. Các tổ chức kinh tế phát triển nhanh về quy mô, số lượng với 52 đơn vị, tổ chức kinh tế mới được thành lập. Toàn tỉnh có 200 sản phẩm với bao bì, nhãn mác, kiểu dáng chuyên nghiệp. Chương trình đã khẳng định một nét riêng có của Quảng Ninh, là hướng đi đúng đắn góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015.
Giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh lên kế hoạch thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đưa Đề án trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh; khai thác thế mạnh của nông nghiệp Quảng Ninh là thủy sản và lâm sản, dược liệu; quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu uy tín trong cả nước và quốc tế.