📞

OCOP Quảng Ninh hướng tới xuất khẩu

12:00 | 15/10/2017
Doanh số bán hàng Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) của các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất của tỉnh Quảng Ninh trong ba năm đạt trên 672 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với mục tiêu đề ra (200 tỷ đồng) nhờ gia tăng quy mô sản xuất và xúc tiến thương mại tốt.

Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2013, sau hơn ba năm, Quảng Ninh đã có 210 sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm đã được đầu tư nâng cao chất lượng và hoàn thiện về mẫu mã, chuẩn hoá về bao bì. Giai đoạn 2 (2017-2020), Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển Chương trình theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, đưa sản phẩm trở thành thương hiệu mạnh trên phạm vi cả nước và quốc tế.

Ấn tượng Tuần kết nối OCOP

Tính từ đầu năm đến nay, toàn Tỉnh đã tổ chức 20 hội chợ, phiên chợ, bao gồm: Hội chợ thương mại, hội chợ OCOP Quảng Ninh, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn... Các chương trình xúc tiến thương mại đã trở thành khâu quan trọng, góp phần tích cực trong việc quảng bá sản phẩm OCOP, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, thiết lập các kênh phân phối, đại lý...

Gian hàng của tỉnh Quảng Ninh tại Hội chợ Quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2017. (Nguồn: Qnitrade)

Vừa mới đây, lần đầu tiên, Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP 2017 được tổ chức. Chỉ sau ba ngày sự kiện, đã có khoảng hơn 12.000 lượt người tới mua sắm, tổng doanh thu bán hàng đạt trên 1 tỷ đồng. Dù rất mới, nhưng sự kiện đã nhanh chóng trở thành một hoạt động thiết thực, kết nối các nhà sản xuất OCOP với các kênh tiêu thụ sản phẩm, định hướng phát triển hoạt động sản xuất hàng hóa, cung ứng ra thị trường, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm OCOP Quảng Ninh và nông sản nói chung.

Đáng chú ý, sự kiện ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Sở Công thương Quảng Ninh và Tập đoàn Central Group Việt Nam sẽ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại hệ thống BigC trên cả nước, đánh dấu thêm một cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận đến các hệ thống phân phối lớn. Theo kế hoạch, Tuần kết nối sẽ diễn ra liên tục vào tuần cuối các tháng 9, 10, 11 năm nay.

Ngoài ra phải kể đến hoạt động đã được Quảng Ninh tổ chức thường niên từ năm 2012, đó là Hội chợ OCOP Quảng Ninh. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, khẳng định vai trò cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, hội chợ thực sự là cơ hội để các doanh nghiệp cọ sát, đánh giá, nhìn nhận sản phẩm, từ đó, xây dựng các kế hoạch nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng chủng loại.

Chỉ tính riêng Hội chợ OCOP Quảng Ninh lần thứ V năm 2017, sau năm ngày diễn ra, Hội chợ đã thu hút hơn 54.000 lượt người đến mua sắm (tăng bình quân tính theo ngày là 15% so với Hội chợ lần thứ IV). Tổng doanh thu đạt 6,8 tỷ đồng (tăng bình quân tính theo ngày là 45% so với Hội chợ lần thứ IV). Trong đó, doanh thu các gian hàng trong Tỉnh đạt gần 3,9 tỷ đồng (tăng 28% so với Hội chợ OCOP lần thứ IV).

Song song với các sự kiện trên, Tỉnh cũng tích cực hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất tham gia triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài nước, như: Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam, Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Thương mại Du lịch Quốc tế Việt - Trung tại TP. Nam Ninh (Trung Quốc), Hội chợ Quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2017…

Từ các Hội chợ này, các địa phương của Tỉnh đã ký kết được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đặc sản của mình với các hệ thống siêu thị, phân phối tại nhiều vùng miền cả nước, từng bước hướng tới xuất khẩu sang các nước láng giềng trong thời gian tới. Gần đây nhất, Tỉnh đã đứng ra kết nối giữa đơn vị sản xuất và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để đưa bảy sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Đặc sản Việt Nam (https://badasa.com.vn). Trước đó, Tỉnh cũng đã có 11 sản phẩm OCOP được quảng bá, giới thiệu, bày bán  trên chợ điện tử uy tín này.

OCOP đi vào chiều sâu

Giai đoạn 2 (2017-2020), chương trình OCOP Quảng Ninh sẽ phát triển 130 sản phẩm đã có từ giai đoạn trước và 120 sản phẩm mới. Trong đó, ít nhất 31 sản phẩm cấp huyện sẽ được lựa chọn để tập trung đầu tư đạt tiêu chí sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Dự kiến, có 12/31 sản phẩm đạt từ 4-5 sao sản phẩm cấp tỉnh và 6/12 sản phẩm cấp tỉnh đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, vấn đề nâng cao chất lượng, đảm bảo quy chuẩn, tính chuyên nghiệp của sản phẩm được đặc biệt coi trọng, nhất là các sản phẩm có lợi thế của Tỉnh. Trong đó, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá theo tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đạt chuẩn. Nguồn kinh phí thực hiện được huy động từ cộng đồng chiếm khoảng 76%.

Trên cơ sở đó, ngay từ khi bắt tay thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2, các địa phương đều đã xác định các sản phẩm chủ lực để vừa củng cố sản phẩm đã có, vừa phát triển sản phẩm có lợi thế của địa phương mang tính chuyên nghiệp, theo hướng đạt thương hiệu cấp tỉnh và quốc gia.