Sản phẩm miến dong Bình Liêu được bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2023. (Nguồn: BQN) |
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Quảng Ninh tập trung chỉ đạo thực hiện ngày càng sâu rộng và được xác định là chương trình kinh tế quan trọng trong khu vực nông thôn.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh có 569 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích.
Tận dụng tốt nguồn nông sản dồi dào
Quảng Ninh sở hữu vùng sản xuất nông sản khá dồi dào, với 14 vùng trồng cây ăn quả cho sản lượng khoảng 4.500 tấn/năm. Sản lượng khai thác thủy sản trung bình hằng năm đạt trên 145.000 tấn.
Tỉnh cũng đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt... Và sở hữu 3 cơ sở đóng gói hoa quả tươi; 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Với nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào, Quảng Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất...
Tận dụng lợi thế này, tỉnh luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.
Song song với đó, để sản phẩm OCOP ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng, Quảng Ninh thường xuyên tổ chức các Hội chợ OCOP cấp tỉnh, lồng ghép quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP vào các chương trình triển lãm, xúc tiến thương mại.
Riêng trong giai đoạn 2017-2022, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh tổ chức 16 lượt Hội chợ OCOP cấp tỉnh, đã thu hút trên 1 triệu lượt khách tham quan, mua sắm; tổ chức 28 tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tại khu tập trung đông dân cư thuộc 13 địa phương trong tỉnh, khu du lịch Hạ Long, siêu thị GO! Hạ Long. Riêng năm 2022, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Quảng Ninh tổ chức 3 Hội chợ OCOP trên địa bàn tỉnh, quy mô trung bình trên 450 gian hàng.
Trong đó, điểm nhấn tại các hội chợ là có khu vực thương mại điện tử và giải pháp số, giới thiệu quảng bá sàn thương mại điện tử Voso, Postmart, Lazada, Tiki… giúp đẩy mạnh việc bán hàng trên môi trường mạng.
Đặc biệt, hằng năm Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức rà soát, đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề ra các biện pháp phù hợp thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Riêng giai đoạn 2020-2022, đã tiến hành tổ chức tổng rà soát toàn bộ các sản phẩm đã đăng ký tham gia OCOP. Qua đó, kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đạt sao đối với 23 sản phẩm OCOP; đưa 121 sản phẩm ra khỏi chương trình OCOP do không còn sản xuất, không đảm bảo tiêu chuẩn và không có tiềm năng phát triển để đánh giá phân hạng.
Các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra hàng trăm lượt sản phẩm của các cơ sở sản xuất tại 13 địa phương; thực hiện tốt công tác kiểm tra, thẩm định đối với các sản phẩm đăng ký mới ở các địa phương trong tỉnh làm cơ sở để ra quyết định chấp thuận cho sản phẩm tham gia chu trình OCOP.
Quảng Ninh thường xuyên tổ chức các Hội chợ OCOP cấp tỉnh, lồng ghép quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP vào các chương trình triển lãm, xúc tiến thương mại. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Nỗ lực đưa OCOP ra thị trường nước ngoài
Chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn, giúp phát huy mạnh tiềm năng lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương, tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư nông thôn, tham gia tích cực vào chương trình giảm nghèo của tỉnh.
Theo thống kê của Văn phòng điều phối NTM tỉnh, giai đoạn 2016-2022, tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đạt 17.045 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, với 110.822 khách hàng còn dư nợ, chiếm 81,9% nguồn lực vốn xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Riêng vốn tín dụng của các tổ chức OCOP chiếm trên 30% tổng vốn tín dụng, khoảng 5.133 tỷ đồng. Doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất thuộc chương trình OCOP đến hết năm 2022 tăng 5-7 lần so với năm 2016; doanh thu đến hết năm 2022 đạt trên 1.530 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 310 tỷ đồng. Đồng thời, tạo việc làm cho 3.600 lao động, mức thu nhập bình quân 5-9 triệu đồng/người/tháng.
Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao hiệu quả của các dự án sản xuất kinh doanh, dần hạn chế tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nâng cao tính chủ động của các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất trong quá trình mở rộng, phát triển sản xuất tại cơ sở.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục coi trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...
Tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.
Để phát triển thị trường trong nước, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh thúc đẩy tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước; hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng của nông nghiệp tại các tỉnh thành có tiềm năng.
Bên cạnh đó, kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn; tổ chức các hoạt động kết nối nông sản, OCOP vào đơn vị phân phối, hệ thống bán lẻ hiện đại, bếp ăn tập thể.
Đối với thị trường nước ngoài, Quảng Ninh sẽ tổ chức các hoạt động kết nối xuất khẩu, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá... tại các địa phương biên giới nhằm duy trì, mở rộng xuất khẩu tại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc và thị trường Đông Bắc Á.
Ngoài ra, tỉnh sẽ từng bước hoàn thiện các danh mục sản phẩm hoặc nhóm các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu, quy định của các nước nhập khẩu về xúc tiến, quảng bá và đưa các mặt hàng OCOP vào các thị trường mục tiêu.