Lúc này thế giới cần Olympic Tokyo như một sự kiện của hy vọng. (Nguồn: Getty) |
Trong những ngày qua, Thủ tướng Suga Yoshihide đã tiến hành một loạt cuộc gặp với các khách mời tham dự lễ khai mạc Olympic Tokyo, trong số đó có Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Các nhà lãnh đạo của 15 quốc gia và các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ và những những khách mời quan trọng đã có mặt ở Lễ khai mạc Olympic Tokyo được tổ chức ngày 23/7 tại sân vận động quốc gia Nhật Bản có sức chứa 68.000 chỗ ngồi.
Cuộc “chạy marathon” của Thủ tướng Suga
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Nhật Bản, quy mô “màn biểu diễn” ngoại giao Olympic của Thủ tướng Suga Yoshihide cũng phải thu hẹp như chính lễ khai mạc Olympic Tokyo đã diễn ra.
Đặc trưng của ngoại giao Olympic là các cuộc hội đàm, hội kiến ngắn theo kiểu “chạy marathon” giữa lãnh đạo nước chủ nhà với lãnh đạo mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, với chỉ 15 lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế đến Nhật Bản lần này, ngoại giao Olympic của Thủ tướng Suga có phần kém cạnh hơn so với Thế vận hội London (với 80 lãnh đạo), hay Thế vận hội Rio de Janeiro (40 lãnh đạo).
Theo một quan chức của Bộ ngoại giao Nhật Bản, tính đến cuối năm ngoái, có khoảng 100 lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế lên kế hoạch dự lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo, nhưng con số này đã giảm xuống 50 vào tháng 6 và thực tế là chỉ còn 15.
Bên lề Olympic, Thủ tướng Suga đã tiếp các nhà lãnh đạo nước ngoài tại Cung điện Akasaka. Đây là một nhà khách Chính phủ theo lối kiến trúc tân cổ điển vốn dĩ được xây dựng làm nơi ở của Thái tử Nhật Bản vào năm 1909.
Lịch trình ngoại giao Olympic của Thủ tướng Suga với các khách mời khá bận rộn khi rất nhiều vấn đề được thảo luận tại các cuộc gặp bên lề này.
Ngày 22/7, Thủ tướng Nhật Bản và phu nhân Mariko đã dùng bữa tối với phu nhân của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người dẫn đầu đoàn Olympic Mỹ. Đây là lần đầu tiên Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden đến thăm Nhật Bản kể từ lễ nhậm chức Tổng thống của chồng bà vào tháng 1.
Ngày 24/7, Thủ tướng Suga đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Bên cạnh các vấn đề liên quan đến sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh vì Pháp sẽ là nước chủ nhà Olympic 2024, hai nhà lãnh đạo tập trung vào lĩnh vực hợp tác an ninh song phương như một phần trong nỗ lực hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Ngoài ra, Thủ tướng Nhật Bản cũng đã có các cuộc hội đàm riêng với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene, Phó Tổng thống Nam Sudan Rebecca Nyandeng De Mabior và nhiều quan chức cấp cao khác.
Nỗ lực đáng ngợi ca
Tại các cuộc gặp, các nhà lãnh đạo các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều bày tỏ hoan nghênh quyết định tiến hành Olympic Tokyo trước những thách thức do đại dịch đặt ra, đồng thời ca ngợi những nỗ lực của xứ sở mặt trời mọc trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trước thềm sự kiện.
Trong các phát biểu song phương, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden luôn thể hiện quan điểm ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực đăng cai và tổ chức Olympic của Nhật Bản.
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật tại Washington hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Biden khẳng định: “Mỹ ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Suga để tổ chức một giải đấu an toàn và an ninh”.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định Olympic Tokyo cần được tổ chức bởi lúc này thế giới cần Olympic “như một sự kiện của hy vọng”.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach tại Cung điện Hoàng gia, Nhật hoàng Naruhito nhận định, việc tổ chức thi đấu không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay, kể cả khi áp dụng đầy đủ các biện pháp chống dịch Covid-19.
Nhân dịp này, Nhật hoàng, người bảo trợ danh dự của Olympic và Paralympic, cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với Ủy ban Olympic Quốc tế: "Tôi muốn tri ân tất cả những người đã tham gia điều hành các trận đấu vì những nỗ lực của họ”.
Đáp lại, ông Thomas Bach cam kết với Nhật hoàng sẽ nỗ lực tối đa để ngăn ngừa rủi ro cho người dân nước chủ nhà trong quá trình diễn ra Olympic Tokyo.
Trước thềm lễ khai mạc, chính phủ Nhật Bản đã khẳng định quyết tâm bảo đảm Olympic Tokyo an toàn và an ninh bằng cách thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đồng thời gửi thông điệp tới thế giới rằng Nhật Bản có thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay với nỗ lực và trí tuệ của nhân loại bằng cách xích lại gần nhau vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với thách thức lớn.
Nhật Bản cũng ra quy định đối với đoàn lãnh đạo các nước bao gồm nhiều điều khoản khắt khe như hạn chế số lượng thành viên của đoàn là dưới 12 người, sử dụng phương tiện chuyên dụng để di chuyển, nếu thăm địa phương phải thuê riêng một tàu cao tốc Shinkansen...
Kết quả là nhiều đoàn lãnh đạo nước ngoài không thể đáp ứng được các điều kiện đó, buộc phải hủy kế hoạch đến Nhật Bản.
Mặc dù chịu nhiều áp lực từ đại dịch, sau một lần hoãn vào năm 2020, gánh một “núi” tổn thất về kinh tế, Olympic Tokyo cuối cùng đã khởi tranh với nỗ lực tối đa của nước chủ nhà.
Có thể nói, việc tổ chức Olympic Tokyo thành công là một biểu tượng cho tình đoàn kết, hữu nghị và công bằng, đồng thời lan tỏa tinh thần chiến đấu, niềm hy vọng chiến thắng đại dịch cho các nước trên thế giới.
| Olympic Tokyo 2020: Lịch thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam ngày 27/7, Hoàng Thị Duyên săn huy chương Tại Olympic Tokyo 2020, ngày 27/7, Huy Hoàng (bơi) và Tiến Minh (cầu lông) sẽ ra sân, vận động viên (VĐV) cử tạ Hoàng Thị ... |
| Olympic Tokyo 2020: Thuỳ Linh thua tay vợt số 1 thế giới Tại Olympic Tokyo 2020, Nguyễn Thùy Linh đã có trận đấu rất đáng khen ngợi, khi chơi tự tin trước tay vợt số 1 thế ... |