Phát biểu chiều 17/4, Thủ tướng Abe nêu rõ: "Nhật Bản và Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc thực thi chiến dịch gây sức ép tối đa với Bình Nhưỡng khi hối thúc thành công phía Triều Tiên bắt đầu tìm kiếm đối thoại với chúng tôi. Công bằng mà nói cách tiếp cận của chúng tôi chứng tỏ đã thành công và đúng đắn".
Nhà lãnh đạo Nhật Bản hiện đang ở Florida (Mỹ), nơi ông đã gặp Tổng thống nước chủ nhà để thảo luận những bước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng như những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Trước đó, tại cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Tổng thống Mỹ đã chúc hai miền Triều Tiên kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài nhiều thập kỷ, đồng thời bất ngờ tiết lộ rằng cuộc thảo luận về vấn đề này đang diễn ra giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. (Nguồn: AP) |
Ngày 18/4, các chuyên gia nhận định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai ủng hộ hai miền Triều Tiên thảo luận về khả năng tuyên bố chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 được cho là sẽ thúc đẩy đà nỗ lực thiết lập nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau ở tòa nhà phía Nam làng đình chiến Panmunjom vào ngày 27/4 tới. Dư luận cho rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về giải trừ vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, thiết lập nền hòa bình lâu dài tại đây và cải thiện mối quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có sự khẳng định chắc chắn nào về việc liệu hai bên có thảo luận khả năng tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên hay không khi lãnh đạo hai nước gặp nhau.
Cùng ngày, văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã khẳng định rằng hai ông Moon and Kim có khả năng sẽ thảo luận cách thức thay thế hiệp định đình chiến hiện nay bằng một hiệp định hòa bình.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh kể khi từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 ngừng lại bằng một hiệp định đình chiến, chứ không phải là một hiệp định hòa bình.
Việc tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh này được xem là bước khởi đầu giúp nền hòa bình có cơ cở vững chắc trên Bán đảo Triều Tiên và là chất xúc tác để củng cố sự tin tưởng và bầu không khí hòa bình.
Các chuyên gia nhìn chung đều nhất trí rằng một tuyên bố như vậy về lâu dài sẽ giảm căng thẳng và có khả năng khởi động một tiến trình thực sự hướng tới một hiệp định hòa bình.