📞

Ông Vũ Văn Lê - Người gom góp cổ vật Việt trên đất Mỹ

Trọng Vũ 15:34 | 29/05/2020
TGVN. Sau ba năm miệt mài sưu tầm, bộ sưu tập cổ vật và văn hóa Việt Nam trải dài lịch sử 4.000 năm của ông Vũ Văn Lê - một người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại bang Houston (Texas, Mỹ) đã lên hơn 5.000 món đồ quý giá.
Ông Vũ Văn Lê và gia đình dành trọn cho niềm đam mê sưu tầm cổ vật và văn hóa Việt Nam.

Báo Wall Street Journal năm 1985 từng viết về một doanh nhân tiêu biểu người Mỹ gốc Việt thành công đi lên từ hai bàn tay trắng. Đó chính là ông Vũ Văn Lê đã sang Mỹ định cư từ năm 1975 và cũng là cố vấn sáng lập Nhóm Nghiên cứu Dầu khí Houston.

Đến nay, khi đã về hưu, ông Lê và gia đình dành trọn cho niềm đam mê sưu tầm cổ vật và văn hóa Việt Nam. Có lẽ, không nơi nào trên Trái đất này, các cổ vật Việt Nam lại được một cá nhân gom góp đầy đủ như vậy, đặc biệt trên tinh thần sưu tập và bảo tồn thực sự chứ không phải nhằm mục đích thương mại.

Hành trình từ con tem Việt

Vũ Văn Lê kể hành trình sưu tập của ông bắt đầu bằng bộ tem Việt Nam được cháu gái biếu tặng – bộ tem này đã được gom góp từ Na Uy trong suốt đời học trò của người cháu. Đây cũng là thời điểm, ông Lê phát hiện rằng từ lúc sinh ra ở Hà Nội tới nay, trong 75 năm của cuộc đời, ông đã chứng kiến Việt Nam trải qua nhiều thể chế chính trị khác biệt. Từ thời Nhà Nguyễn, thuộc địa Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Cộng hoà Lâm thời miền Nam, Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…, những di tích Việt Nam của mọi thời lần lượt xuất hiện qua những con tem được xếp đặt theo biên niên, mang dấu ấn của nhiều ước vọng. Với ông, chúng là những chứng tích hữu ích cho công việc đánh giá lịch sử sau này.

Nhận thức được ý nghĩa ấy, ông Lê cùng gia đình bắt tay gom góp đồ sành gốm và những vật phẩm nghệ thuật ở miền Nam trước năm 1975. Công việc này không hề dễ dàng, bởi chưa đầy nửa thế kỷ, gốm Biên Hoà, phẩm vật sơn dầu xưa ở miền Nam đã trở thành hiếm hoi, kể cả ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhờ cần mẫn gom góp từng mảnh, từng miếng, cũng như may mắn, ông đã gom được một số lớn, cả trăm món gốm Biên Hoà do lính Mỹ đem về từ xưa với khá nhiều phẩm vật sơn mài của Thành Lễ từ Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Bỉ...

Với kinh nghiệm tích lũy, sự cần mẫn sưu tầm và tham gia đấu giá trên hệ thống mạng Invaluable nối kết các sàn đấu giá quốc tế, gia đình ông đã gom được từ khắp thế giới một số trống đồng, nhiều vật dụng cổ sơ đời Đông Sơn, đồ đất nung thời Hán Việt, gốm Hoa nâu, Hoa lam, men rạn từ các đời Lý-Trần-Lê tới thời Trịnh Nguyễn phân tranh và đặc biệt nhất là hàng trăm món gốm cổ Chu Đậu vớt lên từ đáy biển Hội An - những di vật của tổ tiên được biển cả bảo tồn từ hơn trăm năm trước. Về Ký cổ men xanh lam (Bleu de Hue) hay Gốm Ký Kiểu, ông gom được khá nhiều cổ vật xanh lam Việt Nam, đặt làm từ Trung Quốc riêng cho thị trường Việt thế kỷ XVIII, XIX… của các thời Lê-Trịnh, triều đình nhà Nguyễn.

Một số cổ vật mà ông Lê và gia đình sưu tập. (Ảnh: NVCC)

Đặc biệt, ông còn may mắn thâu góp được những vật phẩm quý hiếm của tiền nhân như chiếc chén vua Lê Thái Tổ ban cho Nguyễn gia tộc, cây đàn tì sứ của vua nhà Thanh tặng cho vua Gia Long, bát chén của Tôn Nhân Phủ, con châu chấu ngọc vua Thiệu Trị đeo để cầu xin dẹp nạn dịch châu chấu, các chén bát sâm thang của vua Minh Mạng, khay đèn thuốc phiện của vua Khải Định và Bảo Đại, chiếc độc bình Yoshida của Nhật Hoàng tặng vua Bảo Đại, cặp Lân ngọc đen gác vườn thượng uyển của vua Thiệu Trị... Đa số những quý vật này được ông mua đấu giá ở GWS từ kho tàng thuộc gia đình hoàng tộc đang sống ở California và đấu giá ở Paris, Genève.

Không chỉ vậy, ông còn có thêm bộ sưu tập tranh cũng độc đáo không kém với các tác phẩm độc bản của các danh họa Việt bao gồm Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Lê Bá Đảng, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tư Nghiêm…

Sưu tập để hiến tặng

Khẳng định mê say cổ ngoạn chỉ là lý do phụ, ông Vũ Văn Lê cho biết chính yếu của việc sưu tập này là sự cố gắng gom góp lại các vật dụng xưa cũ của tổ tiên với hy vọng sẽ ghép lại được một hình tượng văn hoá Việt Nam trải dài trong 4.000 năm lịch sử hiện hữu trên dải đất mảnh mai hình chữ S.

Ông tin tưởng sẽ thực hiện được chuyện này nhờ Internet ngày nay đã nối kết thế giới, nhờ quan hệ Việt Mỹ phát triển vượt bậc trong hơn hai mươi năm qua và nhờ sự nồng nhiệt khao khát tìm về nguồn của các thế hệ trẻ Việt Nam trong và ngoài nước.

Theo ông, mỗi thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên ở Mỹ đều thiệt thòi vì chiến tranh và loạn lạc đã cướp đi rất nhiều di sản văn hóa của đất nước. Họ đều mong muốn hiểu rõ gốc tích đích thực của dòng giống Việt, để từ đó tìm ra một đường đi xán lạn cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam trong tương lai.

Bởi vậy, gia đình ông sẽ vẫn tích cực theo đuổi công việc này, kể cả sẽ mời mọc thêm những bạn bè thân thiết có cùng một lý tưởng để bộ sưu tập càng phong phú thêm.

“Năm 2014, khi về Việt Nam, tôi đã nhận thấy đó là một trong những thời điểm hạnh phúc nhất của đời mình. Chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu dù được sinh ra ở đâu và mang quốc tịch gì thì vẫn mang trong mình dòng máu Việt. Một ngày nào đó toàn bộ bộ sưu tập này sẽ được trở về Việt Nam, sẽ là tặng phẩm cho một đại học, hay một viện nghiên cứu tại Việt Nam để thế hệ trẻ Việt Nam thưởng lãm, hoặc sẽ được lưu lại ở một viện bảo tàng tư nhân tại Mỹ cho thế hệ trẻ trong và ngoài nước hiểu được lịch sử tổ tiên, ông cha ta”, ông Lê chia sẻ.