Ảnh chụp màn hình trang Web của ICIJ, với vụ Panama Papers nổi bật ở trang nhất. |
Từ ngày 3/4, giới truyền thông thế giới đã truyền đi các thông tin rò rỉ từ Công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama. Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) - tổ chức công bố những rò rỉ trên cho biết, số liệu kéo dài suốt 4 thập kỷ (từ 1977 đến 2015) đã cho thấy hoạt động thành lập các công ty “ma” ở nước ngoài để tạo vỏ bọc, giúp các nhân vật có tiền và quyền che giấu tài sản nhằm trốn thuế và rửa tiền. Các tài liệu cho thấy sự dàn xếp tài chính liên quan đến hơn chục cựu và đương kim lãnh đạo nhiều quốc gia, 128 lãnh đạo chính trị và quan chức cao cấp, 29 trong số 500 người giàu nhất thế giới. ICIJ gọi những tài liệu gây chấn động này là “Panama Papers”.
“Bom” tài chính
Theo Reuters, Panama Papers do một nguồn nặc danh chuyển cho tờ nhật báo Đức Suddeusche Zeitung từ hơn một năm trước mà không đòi hỏi bất cứ thù lao nào. ICIJ cùng với sự hợp tác của 107 tờ báo và 400 phóng viên tại gần 80 quốc gia đã nhanh chóng vào cuộc. Họ đã bỏ ra nhiều tháng để lọc ra được thông tin về 214.000 công ty vỏ bọc, làm hé lộ một mạng lưới "công ty ma" khổng lồ trên thế giới. “Những tài liệu này đã bóc mẽ hoạt động trốn thuế ở quy mô lớn chưa từng thấy, làm sáng tỏ cách các dòng tiền bẩn lưu thông trong hệ thống tài chính toàn cầu và dung dưỡng tội phạm trong hàng thập kỷ”, ICIJ nhận xét.
Có thể coi, vụ Panama Papers như một quả “bom tài chính” nổ giữa trung tâm tinh hoa của thế giới. Như Gerard Ryle - người đứng đầu ICIJ nhận định, quả bom này là một đòn giáng mạnh vào hoạt động trốn thuế trên toàn thế giới. Nó góp phần làm hé lộ cách các công ty trốn thuế, rửa tiền, các vụ hối lộ, tham nhũng, vi phạm lệnh cấm vận quốc tế và tội phạm doanh nghiệp.
Sau đây, các vụ điều tra tội phạm tài chính sẽ được triển khai ở hàng chục nước. Có thể nhiều vụ việc động trời khác sẽ bị phát giác khi những trang tài liệu này được kiểm tra một cách kỹ lưỡng hơn.
“Thiên đường trốn thuế”
Công ty luật Mossack Fonseca ra đời năm 1977 vào thời điểm Panama muốn khai thác vị trí địa lý thuận lợi nằm giữa Bắc và Nam Mỹ để xây dựng một trung tâm tài chính đủ sức cạnh tranh với các trung tâm tài chính của châu Âu và châu Á. Chính quyền Panama khi đó ban bố chính sách bảo vệ bí mật ngân hàng tuyệt đối và không đánh thuế đối với các nguồn tài chính từ nước ngoài.
Luật lệ và chính sách ưu đãi này đã khiến Panama nhanh chóng trở thành một trong những “thiên đường tài chính” được ưa chuộng nhất trên thế giới. Các công ty nước ngoài thành lập ở đây nhưng có hoạt động kinh doanh ở nước khác sẽ được miễn mọi loại thuế doanh nghiệp. Hơn nữa, thủ tục đăng ký và thành lập doanh nghiệp cũng vô cùng mau lẹ và thuận tiện.
Tính bảo mật cao cũng là một điểm hấp dẫn nữa của Panama. Tên các chủ sở hữu của công ty nước ngoài thành lập ở đây sẽ không phải công khai. Các ngân hàng Panama bị cấm chia sẻ thông tin về các tài khoản nước ngoài hoặc chủ tài khoản. Nước này cũng không ký kết các hiệp định thuế và trao đổi thông tin với các nước khác, giúp củng cố tính bảo mật của các khách hàng gửi tiền hoặc thành lập công ty ở đây.
Các công ty luật của Panama được xem như "dầu bôi trơn" cho cỗ máy trốn thuế ở quốc gia này. Đã có “người chống lưng”, các công ty luật cung cấp dịch vụ thành lập công ty cho nhà đầu tư nước ngoài với thủ tục nhanh gọn và điều kiện hết sức ưu đãi. Vì thế, hàng nghìn công ty luật, tài chính và ngân hàng đã biến quốc gia này thành trung tâm trốn thuế và thành lập công ty vỏ bọc cho các nhà giàu đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Phát triển trong môi trường thuận lợi đó, Mossack Fonseca đã trở thành một trong những hãng luật lớn nhất và cũng bí mật nhất thế giới. Với hơn 40 văn phòng đại diện và 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, công ty luật này là nhà cung cấp dịch vụ pháp lý kinh tế lớn thứ tư thế giới, với hơn 300.000 khách hàng, trong đó có rất nhiều chính trị gia, tỷ phú, ngôi sao thể thao và điện ảnh, trùm buôn ma túy và cả giới “xã hội đen”.
Theo Panama Papers, tính từ năm 1977, Mossack Fonseca đã hợp tác chặt chẽ với hơn 500 ngân hàng lớn và chi nhánh, trong đó có cả các tên tuổi như HSBC, UBS và Société Générale, để dựng lên hơn 214.000 công ty, tạo nên một mạng lưới tài chính dày đặc và bí ẩn.
Không thể không đặt “dấu hỏi”
Nói về vụ việc, trên AFP, người đứng đầu Mossack Fonseca - Giám đốc Ramon Fonseca thừa nhận cơ sở dữ liệu của hãng đã bị tin tặc xâm nhập, nhưng ông này khẳng định Công ty và các khách hàng của ông không làm gì sai. Thậm chí người phát ngôn của Mossack Fonseca - Carlos Sousa khẳng định: "Đây không phải lần đầu tiên trong 40 năm hoạt động, chúng tôi bị cáo buộc sai phạm. Chúng tôi tự hào về công việc mình đang làm".
Tranh biếm họa về vụ Panama Papers. (Nguồn: 9gag.com) |
Tất nhiên, về lý thuyết, việc có tài khoản ở nước ngoài, hoặc có tên trong Panama Papers không có nghĩa là phạm pháp. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy những người này đã trốn thuế hay rửa tiền. Nhiều doanh nhân thường xuyên chuyển tiền của họ ra nước ngoài, vì sợ có thể bị tấn công bởi các băng nhóm tội phạm hoặc các chính sách siết chặt kinh tế. Việc giữ tiền ở một số nước như Thụy Sỹ giúp họ yên tâm hơn, do chính sách an ninh an toàn hơn tại các quốc gia này.
Tuy nhiên, việc dính đến các công ty hoạt động ở “thiên đường thuế” hay thông tin về tài sản kếch xù của gia đình những người có quyền và nổi tiếng cũng đủ khiến dư luận nghi ngờ, bởi giới hạn mong manh giữa đúng luật và lách luật. Mục đích chung của những người có rất nhiều tiền là cất giấu, khiến không ít người nghi ngờ đó là những khoản tiền tham nhũng, buôn bán vũ khí, ma túy, hoặc trốn thuế... Trong vụ việc này, nguồn gốc của số tiền đó ra sao thì chưa được nói rõ, phải chờ đến khi các nhà chức trách vào cuộc.
Nhưng trong một số trường hợp, tài liệu rò rỉ cho thấy bằng chứng về khả năng rửa tiền. Có trường hợp mua tài sản với giá chỉ 1 USD, nhưng sau đó đã bán lại với giá 113 triệu USD.
Ngoài ra, theo các tài liệu được ICIJ tiết lộ và phân tích, Mossack Fonseca đã thực hiện rất nhiều giao dịch chuyển tiền của những người có tên tuổi ra nước ngoài, thông qua các công ty tư nhân ở nước ngoài. Họ chuyển tiền tới các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được hưởng ưu đãi về thuế hoặc không cần phải tính thuế trên giấy tờ giao dịch. Tại những “thiên đường tài chính” này, luật kinh tế bảo vệ số tiền đó không bị hoặc không thể điều tra nguồn gốc.
Các công ty tư nhân này thực chất chỉ là các vỏ bọc, vì chúng không hoạt động kinh doanh mà chỉ được thành lập để quản lý tiền và che đậy thân phận thật sự của những người đứng phía sau số tiền đó. Các khách hàng sẽ chuyển tiền vào những công này và sau đó có thể tự do sử dụng mà không cần phải lo lắng gì. Thuế ở các “thiên đường tài chính” cũng rất thấp, hoặc rất dễ trốn thuế, nhờ vậy các khách hàng sẽ bỏ túi được những khoản tiền khổng lồ so với việc thực hiện giao dịch tại các quốc gia khác.
ICIJ cho rằng, có thể các giao dịch của Mossack Fonseca hợp pháp. Nhưng cấu trúc mạng lưới quá phức tạp của nó sẽ tạo ra môi trường để hành vi phạm pháp dễ dàng bị che giấu. Ngoài ra, Mossack Fonseca từng chi kha khá để gỡ bỏ các thông tin trên Internet cho rằng họ trốn thuế và rửa tiền. Tuy nhiên, ở một số nước, công ty này đã bị đưa vào “tầm ngắm”. Tại Brazil, họ là một trong những cái tên trong scandal hối lộ lớn liên quan tới Hãng dầu quốc gia Petrobras. Họ cũng bị theo dõi tại bang Nevada (Mỹ), khi một tòa án kết luận công ty này đã cố tình che giấu vai trò lãnh đạo trong một chi nhánh ở đây.
Sau thông tin Panama Papers, giới chức Ấn Độ, Bỉ, Pháp, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia đã tuyên bố sẽ điều tra khách hàng của hãng này là công dân nước mình. Thủ tướng Iceland đã phải từ chức do tác động của vụ này. Theo trang web của Mossack Fonseca, hiện tại các hoạt động chính của họ thường ở những “thiên đường trốn thuế” như Thụy Sỹ, vùng lãnh thổ Virgin Islands thuộc Anh, Panama, Bahamas... Tất nhiên, không phải tất cả các hoạt động của Mossack Fonseca là phạm pháp, hay các khách hàng của họ đều đáng nghi ngờ.
Thêm nữa, không ai có thể chắc chắn rằng, thời gian tới đây, không còn có những vụ Panama Papers nào khác.