Ông Lê Mạnh Hùng. (Nguồn: PVN) |
Chủ trì buổi làm việc với Cụm khí-điện-đạm Cà Mau về kết quả sản xuất kinh doanh Quý I/2023 và các giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2023, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề xây dựng chiến lược dài hạn cho Cụm. Tổng giám đốc giao Ban Kinh tế-Đầu tư phối hợp với các Ban chuyên môn liên quan của Tập đoàn cùng ba đơn vị trong Cụm tập trung các công việc xây dựng cơ sở dữ liệu để đề ra chiến lược tổng thể cho Cụm trong thời gian sớm nhất.
Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu
Bốn tháng đầu năm 2023, các nhà máy trong Cụm khí-điện-đạm Cà Mau của PVN đều vận hành an toàn, ổn định với công suất cao.
Nhìn chung, trong bốn tháng đầu năm, các nhà máy vận hành an toàn, ổn định, công suất cao; các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, chỉ tiêu tài chính của các đơn vị Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Riêng đối với Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí (PVCFC), do giá bán phân bón giảm, giá khí tăng nên chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận chưa đạt kế hoạch dù các chỉ tiêu khác về sản xuất, tiêu thụ, nộp ngân sách đều vượt kế hoạch đề ra.
Tại buổi làm việc giữa Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng với lãnh đạo các đơn vị có nhà máy nằm trong cụm khí-điện-đạm Cà Mau, đại diện các đơn vị cho biết, trong bốn tháng đầu năm, các nhà máy sản xuất đều vận hành an toàn, ổn định, công suất cao. Nhờ vậy, PV GAS, PV Power đều hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, do giá bán phân bón giảm trong khi giá khí nguyên liệu đầu vào lại tăng nên PVCFC chưa đạt chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận kế hoạch dù các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ và nộp ngân sách đều vượt kế hoạch đề ra.
Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2023, các đơn vị tiếp tục tập trung vận hành sản xuất an toàn; đầu tư, kinh doanh và phát triển thị trường. Bên cạnh đó, các đơn vị trong Cụm khí-điện-đạm Cà Mau tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong sản xuất kinh doanh và bảo dưỡng sửa chữa định kỳ, chia sẻ thông tin để tìm kiếm giải pháp phát triển lâu dài.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị trong Cụm khí-điện-đạm Cà Mau kiến nghị lãnh đạo PVN có các đề xuất tháo gỡ vướng mắc liên quan đến nguồn cung khí, giá khí đặc biệt cho khu vực Cà Mau và nhất là chính sách thuế VAT cho sản phẩm phân bón.
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng giao Ban Kinh tế-Đầu tư của PVN phối hợp với các ban chuyên môn liên quan và PV Power, PV GAS, PVCFC tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu để đề ra chiến lược tổng thể và dài hạn cho Cụm khí-điện-đạm Cà Mau trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, trong điều kiện có nhiều biến động, thay đổi của thị trường hiện nay, Tổng giám đốc chỉ đạo các đơn vị trong Cụm phải có sự liên kết trong điều hành.
Đồng thời xác lập nền tảng chung của Cụm thông qua việc xác định cụ thể các danh mục công việc, nguồn lực, nhân lực chuyên môn trong Cụm để có thể chia sẻ, làm chung.
Ngoài ra, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng đã chỉ đạo cụ thể đối với từng đơn vị. Ông nhấn mạnh, dự báo tình hình từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong khó khăn có cơ hội. Do đó, đề nghị các đơn vị tập trung vận hành an toàn, ổn định, tối ưu công suất các nhà máy; thực hiện chuyển đổi số; triển khai các mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa các đơn vị; bám sát diễn biến thị trường... phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu quản trị đã đề ra, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của Tập đoàn.
Với vai trò là Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, sự phát triển của tập đoàn và các đơn vị thành viên; trong đó, có sự trưởng thành, lớn mạnh của các doanh nghiệp trong Cụm dự án khí-điện-đạm Cà Mau có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Cụm khí-điện-đạm Cà Mau. (Nguồn: PVN) |
Mảnh ghép hoàn chỉnh của công nghiệp dầu khí
Cách đây hơn 10 năm, Cụm dự án khí-điện-đạm Cà Mau chính thức hoàn thành và đi vào khai thác, được đánh giá đã làm thay đổi kinh tế-xã hội của cả một khu vực. Việc triển khai tổ hợp khí-điện-đạm góp phần quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm hàng trăm triệu ngoại tệ hàng năm trong việc nhập khẩu phân bón.
Phân bón Cà Mau – mắt xích cuối của cụm dự án cũng đã trưởng thành theo năm tháng, vững vàng vị thế dẫn đầu của ngành phân bón Việt Nam kể từ ngày thành lập (9/3/2011).
PetroVietnam, Cụm dự án khí-điện-đạm Cà Mau nói chung và Nhà máy Đạm Cà Mau nói riêng trở thành công trình quan trọng quốc gia với quy mô lớn và ý nghĩa chiến lược; đồng thời, giải quyết “cơn khát” phân bón của thị trường Tây Nam Bộ bằng cách tận dụng hiệu quả nguồn khí thiên nhiên, tạo động lực thúc đẩy kinh tế vùng.
Sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, sử dụng Cụm dự án khí-điện-đạm Cà Mau đã thu hút và phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, xây lắp, cung ứng nguyên vật liệu; đồng thời tạo việc làm trực tiếp cho hàng nghìn lao động.
Thực hiện mục tiêu chiến lược sử dụng nguồn khí vùng Tây Nam Bộ để sản xuất điện và đạm phục vụ nhu cầu cả nước và tạo ra sức bật quan trọng giúp tỉnh cực Nam Tổ quốc phát triển công nghiệp, ngày 31/7/2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 957/QĐ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư Dự án đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau, Quyết định 1333/QĐ-TTg ngày 8/10/2001 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện Cà Mau, Quyết định 1218/QĐ- TTg ngày 10/9/2001 phê duyệt Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau.
Đến ngày 26/6/2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 776/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung Khu công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau. Đây chính thức là năm khởi đầu, khai sinh Cụm khí-điện-đạm Cà Mau.
Cụm dự án khí-điện-đạm Cà Mau là công trình trọng điểm của quốc gia do PetroVietnam làm chủ đầu tư với tổng dự toán gần 1,9 tỷ USD, đã tạo thành một khu công nghiệp phức hợp to lớn hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, làm thay đổi diện mạo của một khu vực tỉnh Cà Mau đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cụm dự án được đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, trên diện tích hơn 200 ha, bao gồm các dự án: đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau; nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2; nhà máy Đạm Cà Mau-mảnh ghép cuối cùng của Cụm, có quy mô lớn nhất, phức tạp nhất. Cùng với đó là các công trình công nghiệp quan trọng khác như: cơ sở hạ tầng phụ trợ; khu dân sinh phục vụ tái định cư; khu đô thị mới cho cán bộ nhân viên trong khu công nghiệp. Cụm cũng là dự án đầu tư lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Mục tiêu lớn nhất của Cụm khí-điện-đạm Cà Mau là tạo ra sức bật mạnh mẽ để thay đổi cơ cấu kinh tế Cà Mau, phát triển công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế cả vùng Tây Nam Bộ. Sau khi các công trình đi vào hoạt động, những sản phẩm của khí-điện-đạm đều thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau và các tỉnh lân cận; tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp khác sử dụng nguồn khí áp thấp sản xuất các sản phẩm hóa học nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Có thể nói, sự ra đời của Cụm khí-điện-đạm Cà Mau là mảnh ghép cần thiết cho bức tranh công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, là sự thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Cà Mau và Đồng bằng sông Cửu Long.
| PVN ghi nhận doanh thu gần 40 tỷ USD, báo lãi kỷ lục 3,5 tỷ USD, nhiều kỷ lục mới được xác lập Tại hội nghị tổng kết ngày 10/1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN cho biết, ... |
| PetroVietnam tối ưu nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh 2023 Việc tận dụng hiệu quả kinh tế chia sẻ, tập trung khai thác và mở rộng thị trường trên cùng một hệ sinh thái sẽ ... |
| PetroVietnam nỗ lực tìm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, 'chắt chiu' cơ hội, tận dụng dư địa để tăng trưởng Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, PetroVietnam (PVN) tiếp tục bám sát tình hình vĩ mô, thị trường, điều hành SXKD hợp lý, ... |
| Phát triển ngành dầu khí Việt Nam: Từ Nghị quyết đến thực tiễn PetroVietnam và các đơn vị thành viên đang tích cực, chủ động xây dựng chiến lược, cũng như kế hoạch hành động cho công cuộc ... |
| PetroVietnam hồi sinh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ khó khăn chồng chất và hoài nghi Phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định "Chúng ta ... |