📞

PGS. TS Trần Thành Nam: Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng giống như một 'hương ước' để lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Nguyệt Anh 10:38 | 29/06/2021
'Nếu xem Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng giống như hương ước, đầu tiên cần truyền thông để cộng đồng hiểu thấu những giá trị cốt lõi của hành vi ứng xử'.
PGS. TS Trần Thành Nam nhận định, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là những quy ước điều lệ của một cộng đồng sống trên cùng một không gian tự đặt ra và cam kết với nhau.

Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó nhấn mạnh cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép...

Báo TG&VN đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử này?

Chúng ta đã có Luật An ninh mạng, tạo ra một hành lang pháp lý ở kiến trúc thượng tầng, điều chỉnh hành vi ứng xử nói chung trên mạng xã hội ở khía cạnh Luật pháp. Sự ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành mới đây giống như một thể chế cơ sở hạ tầng từ dưới lên, điều chỉnh hành vi ứng xử của cộng đồng ở khía cạnh văn hóa, đạo đức, dùng áp lực nhóm để điều tiết hành vi.

Bộ Quy tắc này cũng giống như một hương ước - là những quy ước điều lệ của một cộng đồng sống trên cùng một không gian tự đặt ra và cam kết với nhau. Trên thực tế, tính đến quý I/2021, cộng đồng người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam đã lên đến gần 70 triệu tài khoản, chiếm gần 70% dân số.

Do đó, Bộ Quy tắc ra đời rất kịp thời, đúng thời điểm sẽ giúp điều chỉnh hành vi ứng xử của những người tham gia mạng xã hội, giúp cộng đồng ý thức về hành vi đúng, sai trên không gian mạng, đồng thời, đặt ra yêu cầu mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về những hành vi ứng xử, thông tin hình ảnh mà họ chia sẻ trên các mạng xã hội nói chung.

Để Bộ Quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực, có thể “lọc thải” sự phản cảm trên thế giới ảo thì trách nhiệm của các bên liên quan thế nào, theo ông?

Tôi nghĩ, điều quan trọng để Bộ Quy tắc ứng xử này đi vào cuộc sống thì công tác truyền thông phải được coi như là trách nhiệm của các tổ chức xã hội, các nhà trường, thậm chí là từng gia đình.

Nếu xem Bộ Quy tắc cũng giống như hương ước, đầu tiên cần truyền thông để cộng đồng hiểu thấu những giá trị cốt lõi của hành vi ứng xử trên mạng, gồm tôn trọng và tuân thủ pháp luật, an toàn và bảo mật thông tin, lành mạnh để lấy cái đẹp dẹp cái xấu, trách nhiệm với các thông tin chia sẻ.

Sau đó, họ phải được quyền tham gia góp ý cho những hành vi nên và không nên. Cụ thể hóa cho phù hợp với từng đối tượng, từng bối cảnh văn hóa và cập nhật với những xu hướng diễn biến phức tạp trên mạng xã hội.

Mặc dù đối tượng sử dụng mạng xã hội thường là những người trẻ nhưng để làm sạch, làm văn minh môi trường mạng thì cần nâng cao nhận thức kỹ năng, năng lực số không chỉ cho thế hệ trẻ mà cần tập trung vào những người trưởng thành, vốn không sinh ra trong thời đại số và kỹ năng còn đang dừng ở mức “người tị nạn kỹ thuật số”.

Làm thế nào để từ Bộ Quy tắc ứng xử khung mà Bộ TT&TT ban hành sẽ trở thành các chỉ báo hành vi cụ thể nhưng rất dễ hiểu với trẻ em và gắn bó với thực tiễn cuộc sống. Cho đến khi mọi người trên cộng đồng mạng xã hội đều hiểu, đều thấy sự hiện diện các ý kiến của mình trong bộ quy tắc, đều thấy bản thân có một phần trách nhiệm… thì lúc đó Bộ Quy tắc đã được hòa vào với cuộc sống thành công.

Các bộ, ngành cần có kế hoạch triển khai các nghiên cứu đánh giá xem mức độ tiếp nhận về nhận thức, mức độ chuyển hóa thái độ và hành vi cũng như kỹ năng số của cộng đồng sau khi ban hành Bộ Quy tắc ứng xử sẽ có những cải tiến ra sao.

Đồng thời, các đơn vị cũng cần tìm hiểu những yếu tố nào thúc đẩy cũng như cản trở việc thực hiện Bộ Quy tắc này để từ đó có những điều chỉnh cải tiến chính sách, loại bỏ những điều khoản không phù hợp, bổ sung chỉnh sửa các điều khoản mới để theo kịp hơi thở cuộc sống trên mạng xã hội.

Báo chí, truyền thông và các nhà cung cấp nền tảng mạng phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình ra sao trong việc tham gia giáo dục để nâng cao năng lực số cho người dân?

Báo chí - truyền thông và các nhà cung cấp nền tảng mạng đóng vai trò rất quan trọng, tạo ra những viên gạch đầu tiên trong việc nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng cho cộng đồng qua các sản phẩm truyền thông tương tác từ các tài liệu infographic, kho dữ liệu video clip hướng dẫn kỹ năng hay các bài viết khoa học, phân tích, dự báo xu hướng.

Có thể nói, báo chí và truyền thông thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về năng lực công dân số.

Các năng lực cơ bản cần hình thành để tham gia thế giới số như duy trì sự cân bằng trong cuộc sống thực và thế giới ảo; cách xây dựng hình ảnh bản thân trên mạng phù hợp; phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vấn đề bảo mật; giao tiếp và tương tác an toàn trên mạng, nhận diện và xử lý các sự cố và bắt nạt trực tuyến; đánh giá tin tức mạng và năng lực thông tin truyền thông cá nhân.

Mặc dù đối tượng sử dụng mạng xã hội thường là những người trẻ nhưng để "làm sạch", làm văn minh môi trường mạng thì cần nâng cao nhận thức kỹ năng, năng lực số không chỉ cho thế hệ trẻ mà cần tập trung vào những người trưởng thành, vốn không sinh ra trong thời đại số và kỹ năng còn đang dừng ở mức “người tị nạn kỹ thuật số”.

Bộ Quy tắc ứng xử sẽ tạo nên diện mạo mới cho cộng đồng mạng xã hội tại Việt Nam nhưng cần những hướng dẫn cụ thể hơn để có hệ quy chiếu cho những phát ngôn trên mạng?

Như tôi đã nói, Bộ Quy tắc ứng xử được ban hành giống như một bộ quy tắc ứng xử khung làm nền tảng để các tổ chức cụ thể hóa nó thành các chỉ báo hành vi phù hợp với những hoạt động đặc thù của đơn vị mình.

Ví dụ, các cơ sở kinh doanh sẽ phải có thêm các quy định phát ngôn tôn trọng các thương hiệu; những người quảng cáo dịch vụ sản phẩm phải tuân thủ quy định quảng bá theo đúng năng lực bản thân và đúng chức năng sản phẩm.

Ông kỳ vọng ra sao về Bộ Quy tắc ứng xử trong việc tạo ra một môi trường mạng lành mạnh hơn, đặc biệt là cho trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên không gian mạng?

Thời gian qua, không chỉ Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng được ban hành, Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025".

Sự kết hợp này kỳ vọng mang đến những làn gió mới trong việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư. Đồng thời, quy định mới này cũng sẽ giúp ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em.

Bộ Quy tắc đặc biệt chú trọng đến việc trang bị năng lực số phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng, qua đó, duy trì một môi trường mạng lành mạnh, tạo điều kiện cho việc học tập, giải trí, kết nối sáng tạo.

Để thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử và xây dựng một mạng xã hội "sạch", chúng ta đồng thời phải dạy để nâng cao năng lực thông tin và truyền thông cho thế hệ trẻ và cộng đồng.

Ví dụ, để thực hiện quy tắc tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội thì phải dạy cho trẻ các chức năng báo cáo thông tin xấu, độc hại đến đội ngũ quản lý trang mạng. Dạy các em biết tạo ra mật khẩu mạnh, giúp các em biết được điều gì nên chia sẻ và điều gì riêng tư.

Để thực hiện quy tắc chia sẻ thông tin chính thống, đáng tin cậy thì phải dạy cho các em biết cách thẩm định và đánh giá thông tin thu được, hướng dẫn sử dụng các công cụ công nghệ để phát hiện tin giả.

Xin cảm ơn PGS.TS!

(thực hiện)