PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia. |
Sau hai năm hoạt động lễ hội Xuân phải dừng lại vì Covid-19, ông nhận xét gì về không khí mùa lễ hội năm nay?
Qua các phương tiện thông tin đại chúng và cá nhân trải nghiệm, tôi nhận thấy mùa lễ hội Xuân Quý Mão có sự sôi nổi đặc biệt, sau một thời gian dài phải cách ly và hạn chế đi lại vì dịch bệnh.
Hơn nữa, mùa Xuân luôn là mùa đẹp nhất trong năm. Lúc này nhịp điệu sinh học của muôn vật và con người đều phơi phới niềm tin, suy nghĩ về những cái đã qua và khát vọng về năm mới với nhiều điều tốt lành. Một điều thuận lợi cho công tác tổ chức lễ hội năm nay là thời tiết Xuân rất đẹp, lòng người thì được “cởi trói”.
Các lễ hội Xuân ở ta, dù đã có từ lâu đời, nhưng không bao giờ nhàm chán, vẫn say đắm lòng người và cuốn hút như vậy.
Ông cho rằng sức sống mãnh mẽ ấy là do đâu?
Lễ hội Xuân đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của nước ta, bởi vì nó biểu hiện sinh động nhất, cụ thể nhất tín ngưỡng dân gian Việt Nam, trong đó, có việc tri ân tổ tiên và tưởng nhớ người có công với đất nước cũng như ôn lại những bài học lịch sử, từ đó có những hành xử đúng trong đời sống xã hội.
Lễ hội cũng là hình thức sinh hoạt văn hoá tổng hợp mang tính tập thể cao, cho nên nó được đón nhận của đông đảo công chúng, thoả mãn được nhu cầu sinh hoạt văn hoá trong toàn xã hội.
Tôi cho rằng, sức sống mạnh mẽ của lễ hội biểu hiện ở tính linh thiêng ở trong các nghi thức nghi lễ kết hợp cùng phần hội, đua tài của người tham gia lễ hội.
Đặc biệt, để tín ngưỡng dân gian có thể duy trì lâu bền thì cha ông ta đã sáng tạo những thiết chế tín ngưỡng gồm đền, chùa, miếu theo nguyên tắc nguyên thủy bao giờ cũng là không gian rộng, kiến trúc đẹp và phản ánh nét văn hoá đặc trưng của nước ta với nhiều nét khác biệt với các quốc gia dân tộc khác.
Những năm trước đây, cứ đến mùa lễ hội, câu chuyện ứng xử văn hoá lại nóng trên các diễn đàn truyền thông. Vậy những hình ảnh tiêu cực ấy đã được cải thiện như thế nào gần đây, theo ông?
Chúng ta phải khẳng định về bản chất, lễ hội không có tội gì cả, tất cả hành vi tiêu cực đều là do con người thôi. Về phía cộng đồng chưa hiểu biết thấu đáo, chưa nhận thức rõ bản chất văn hoá của lễ hội và phía quản lý cũng chưa có những giải pháp để vừa duy trì được nét đẹp văn hoá ấy vừa thoả mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá lành mạnh của người dân.
Có thể thấy, các hiện tượng mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, thu tiền vụ lợi… gần đây đã giảm bớt đi nhiều.
Theo tôi, thời gian qua, hai cơ quan là Cục Di sản văn hoá và Cục Văn hoá cơ sở của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thể hiện sự “dấn thân” nhiều hơn và liên tục có những điều chỉnh trong quy tắc ứng xử trong lễ hội.
Đặc biệt, Cục Di sản văn hoá đã đưa một số lễ hội tiêu biểu ở địa phương vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, trong đó có tiêu chí lễ hội ấy phải có giá trị văn hoá sâu sắc và được tổ chức, bảo tồn phát huy tốt.
Tôi cũng biết Cục Di sản văn hoá đang chuẩn bị dự thảo Nghị định về bảo vệ và phát huy văn hoá phi vật thể. Các nỗ lực này đang giúp cho công tác tổ chức lễ hội ngày càng tích cực hơn.
Theo xu hướng điều chỉnh hoạt động của lễ hội, không ít phong tục truyền thống đã bị hạn chế và không tổ chức. Mới đây, nhiều người dân đã tỏ ra tiếc nuối không được cướp phết tại Hội cướp phết Hiền Quang (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ) năm nay, thậm chí còn nói “lễ hội không còn vui”. Ông suy nghĩ gì điều này?
Tôi nghĩ, đối với những phong tục đã lưu truyền lâu đời thì trước hết chúng ta phải trân trọng nó, muốn đổi mới thì cẩn trọng, suy xét. Các phong tục chỉ nên thay đổi dựa trên các căn cứ: nhu cầu cộng đồng, nghiên cứu bản chất của tập tục và tạo được đồng thuận cao trong cộng đồng.
Nếu các tập tục chưa hay thì chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ, chắt lọc, “gạn đục khơi trong” để có thể duy trì và từng bước làm cho nó tốt lên. Theo tôi, làm gì cũng phải “ý Đảng hợp lòng dân” mới tạo thành sức mạnh.
Vậy cần làm gì để cộng đồng hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hoá của truyền thống lễ hội, thưa ông?
Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ, nhưng cũng cần hiểu rằng dù hạn chế bớt những tiêu cực, đời sống thực tế sẽ còn nảy sinh những tiêu cực khác và các biện pháp quản lý cần phải điều chỉnh theo sự biến đổi của thực tiễn.
Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về lễ hội rất quan trọng. Chúng ta phải có một chương trình tuyên truyền thường xuyên, hiệu quả hơn nữa, dàn trải trong cả năm chứ không chỉ rầm rộ vào dịp đầu Xuân, với sự phối hợp của nhiều cơ quan và các bộ ngành.
Thay vì chỉ du Xuân hay lễ cầu, thì cần giúp cho công chúng hiểu được thông điệp văn hoá mà người xưa muốn truyền lại cho thế hệ sau qua các lễ hội. Tuy nhiên, để giá trị văn hoá ấy được sống thì thông điệp cũng phải gắn với thời đại ngày nay.
Chẳng hạn như, Lễ hội Đền Và là thông điệp về sự chung tay góp sức khắc phục thiên tai, chống hạn hán và lụt lội. Lễ hội Gióng biểu dương sức mạnh liên kết cộng đồng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung ca ngợi tình yêu, tinh thần hiếu lễ và thương nghiệp, giúp đất nước phồn vinh cũng gắn với bài học ngày hôm nay, hay mẫu Liễu Hạnh thì giáo dục tình mẫu tử và thông điệp bảo vệ thiên nhiên.
Lễ hội Đền Đồng Cổ lại mang thông điệp về việc làm quan thanh liêm, “trung với nước hiếu với dân” rất phù hợp với chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Một chuyên gia Thụy Sỹ nói với tôi rằng họ chưa gặp ở đâu có hình thức báo hiếu cha ông độc đáo như Lễ hội Tiên Công và sẽ đưa gia đình đến Việt Nam để trải nghiệm.
Bởi vậy, chúng ta cần tận dụng những bài học quý ấy để giáo dục cho thế hệ sau, cũng như không ngừng nâng tầm giá trị văn hoá của lễ hội Việt Nam.