Các gói hỗ trợ cần thiết
Kể từ năm 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tài khóa, đặc biệt là chính sách về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Ông đánh giá thế nào về những chính sách này?
PGS.TS. Nguyễn Anh Phong. (Ảnh: NVCC) |
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, anh sinh xã hội. Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã có các gói hỗ trợ cần thiết như gói hỗ trợ an sinh và gói hỗ trợ doanh nghiệp và người kinh doanh. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về gói an sinh xã hội: Năm 2020 chính phủ đã có các nghị quyết như: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020; Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10 với đối tượng hỗ trợ gồm người lao động mất việc, đối tượng chính sách, người nghèo… Gói này ước tính 62.000 tỷ đồng.
Năm 2021, chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7 bổ sung hỗ trợ cho người bị cách ly, người lao động bị ngừng việc, các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều như hướng dẫn viên du lịch, diễn viên… Ước tính gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
Thứ hai, về chính sách thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp và người kinh doanh: Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4; Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4 hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương, hỗ trợ cho hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiền sử dụng đất và một số loại phí.
Năm 2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4 trong đó có bổ sung đối tượng hỗ trợ so với năm 2020 như: Tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng, miễn, giảm thuế TNDN, GTGT.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành năm 2020 đạt khoảng 129.000 tỷ đồng; tính đến ngày 30/6/2021, tổng số tiền thuế và thu ngân sách thực tế đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành là khoảng 26.700 tỷ đồng.
Như vậy, các gói hỗ trợ mà Chính phủ đã và đang triển khai là hết sức cần thiết, phần nào giúp người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch có được những hỗ trợ kịp thời.
Chính sách đang triển khai còn nhiều bất cập
Hiệu quả của những chính sách tài khóa trên đến đâu, thưa ông?
Như đã nêu ở trên, theo tôi, các chính sách mà Chính phủ đã và đang triển khai là cần thiết. Tuy nhiên, tính hiệu quả của nó đến thời điểm hiện tại cần xem xét lại, nhất là khi tình trạng giãn cách, cách ly kéo dài khiến các gói hỗ trợ trên đã giảm tác dụng.
Trong khi đó, đời sống, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu “ngấm đòn” Covid-19 và vượt qua ngưỡng chịu đựng.
Những hạn chế và bất cập của các gói chính sách có thể nêu vắn tắt như sau:
Đối với các gói an sinh xã hội, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm 2020, thực tế tới nay việc giải ngân và thực thi rất chậm, không đến người cần hỗ trợ kịp thời.
Vế gói 26.000 tỷ đồng bổ sung năm 2021, các quy định đã giảm 1/2 thủ tục, 2/3 thời gian so với gói 62.000 tỷ. Mặc dù vậy nhưng trong thời gian giãn cách kéo dài, việc thực hiện chế độ và xác định đối tượng cũng có những khó khăn. Các khái niệm, quy chuẩn xác minh lao động tự do, lao động mất việc vẫn còn chưa rõ ràng, cụ thể khiến nhiều đối tượng chưa thể nhận hỗ trợ kịp thời.
Nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất kinh doanh, các thủ tục hành chính, báo cáo trở ngại khi tiếp cận các gói hỗ trợ hay khoản vay từ ngân hàng chính sách khi các doanh nghiệp chưa mạnh áp dụng công nghệ vì phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với các gói miễn, giảm thuế, phí: Trong năm 2020, dịch bùng phát nhưng còn ít và chúng ta còn kiểm soát tốt, nên các chính sách giãn nộp thuế, phí phần nào hữu ích. Nhưng sang năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, các chính sách giãn nộp sẽ không còn tác dụng.
Chính phủ cũng đang dự thảo bổ sung các chính sách bên cạnh các chính sách đã triển khai năm 2020 như: Giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III, IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế;
Giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ;
Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020.
Tuy nhiên các chính sách này được đánh giá vẫn còn những hạn chế. Cụ thể như:
Việc chỉ xét giảm dựa trên doanh thu dưới 200 tỷ sẽ gây bất công cho các doanh nghiệp lớn dù doanh thu bị giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch nhưng vẫn trên 200 tỷ sẽ không được hưởng (ví dụ doanh thu giảm từ 1.000 tỷ còn 201 tỷ vẫn > 200 tỷ).
Bên cạnh đó, xét giảm thuế TNDN dựa trên doanh thu, không dựa trên thu nhập, trong khi ảnh hưởng của Covid-19 quá sâu và quá dài có thể làm nhiều doanh nghiệp bị lỗ trong năm tài chính 2021 sẽ không được hưởng gì từ gói chính sách này.
Việc xét giảm dựa doanh thu sẽ có những doanh nghiệp trong ngành ít hoặc không ảnh hưởng của dịch, có doanh thu tăng vẫn được hưởng lợi. Đồng thời, việc giảm thuế GTGT ở mức 30% có thể chưa đủ mạnh và cần cụ thể hóa ngành nghề nào cần miễn giảm.
Giảm 30% thuế TNDN cho doanh nghiệp, nhưng chưa xét giảm thuế thu nhập cá nhân cho hộ kinh doanh, hay thuế TNCN cho những người có thu nhập ở ngưỡng chịu thuế thấp. Đây là những đối tượng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi việc ngừng kinh doanh, chi phí sống gia tăng trong gần 6 tháng.
Ngoài ra, gói miễn tiền chậm nộp làm mất nguồn thu nhưng là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp bị lỗ, tuy nhiên, điều kiện lỗ liên tục 3 năm 2018-2019-2020 là thiếu khách quan, vì năm 2018 là năm chưa ảnh hưởng dịch, năm 2019 chỉ ảnh hưởng quý IV.
Dưới ảnh hưởng rất nghiêm trọng của đại dịch, Chính phủ cần thiết kê thêm các gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Hình ảnh TP. Hồ Chí Minh trong ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, ngày 23/8. |
Vậy theo ông, doanh nghiệp và người dân có cần thêm những chính sách mới? Những chính sách tài khóa mới nên chú trọng những điểm nào?
Trước hết, về các gói an sinh 62.000 tỷ năm 2020 hay 26.000 tỷ năm 2021, cần nhanh chóng triển khai đến tay người dân, người cần hỗ trợ. Cần thiết giảm thiểu ngay các thủ tục hành chính gây khó khăn trong tiếp cận.
Một điển hình tại khu phố tôi đang sống, phường yêu cầu kê khai và phải có giấy photo hộ khẩu, chứng minh thư, tuy nhiên, cơ sở photo đóng cửa, người dân không thể ra đường.
Hay công đoàn có chính sách hỗ trợ cho người lao động trong công ty nhưng yêu cầu photo toàn bộ chứng từ đóng phí công đoàn 12 tháng gần nhất. Doanh nghiệp đóng cửa hoặc bộ phận hành chính đang bị cách ly, phong tỏa thì không thể “sao lục” chứng từ cả năm trong khi đóng phí bằng chuyển khoản, đơn vị chỉ cần kiểm tra tài khoản đã biết...
Nói như vậy để thấy rằng, chính sách đang triển khai nhiều bất cập, phiền toái dẫn đến chậm trễ.
Về tình hình trong năm 2021, dưới ảnh hưởng rất nghiêm trọng của đại dịch, thiết nghĩ, Chính phủ cần thiết kê thêm các gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Theo tôi, để có thể phục hồi kinh tế, ổn định đời sống và thu nhập cho người dân và hoạt động của các doanh nghiệp, Chính phủ cần sớm xem xét bổ sung các chính sách tài khóa cần thiết như:
Thứ nhất, thống kê các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp ít hoặc thậm chí là có cơ hội tăng trưởng kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh như tôi đã đề cập ở trên để xem xét. Việc giãn thuế là cần nhưng cần bổ sung việc miễn, giảm thuế.
Thứ hai, bổ sung các chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Thứ ba, chính sách giảm thuế TNDN của các đối tượng có lẽ chưa phù hợp cho phần lớn cơ sở kinh doanh (kể cả doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh) vì phần lớn họ bị lỗ (thậm chí nhiều doanh nghiệp đóng cửa, phá sản) do vậy họ không được hưởng lợi từ chính sách này.
Đối với nhóm này, Chính phủ và Bộ Tài chính nên cân nhắc sử dụng thêm các gói hỗ trợ khác như: Cho vay ưu đãi, miễn, giảm thuế 1-2 năm sau khi kinh doanh có lãi…
Thứ tư, có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ đến kịch bản sau dịch hay khi miễn dịch cộng đồng, doanh nghiệp phục hồi sản xuất thì vấn đề giải quyết công ăn việc làm trở lại là rất cấp bách.
Do vậy, Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính cần tiếp tục xem xét đề xuất các chính sách miễn, giảm thuế GTGT, thuế TNDN, tiền thuê đất cho nhóm đối tượng tạm gọi là “thâm dụng lao động” để họ có nguồn lực phục hồi sản xuất, giải quyết công ăn việc làm trở lại.
Đẩy nhanh tiêm vaccine và "sống chung" với dịch
Ông dự đoán thế nào về khả năng thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế của Chính phủ trong năm nay?
Để đảm bảo mục tiêu kép, có hiệu quả, theo tôi cần:
Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 và nới lỏng giãn cách, nối lại hoạt động sản xuất kinh doanh và nhanh chóng bình thường hóa. Chuyển tư tưởng chống dịch sang “sống chung” với dịch, theo ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu gần đây.
Thứ hai, xúc tiến ngay các gói hỗ trợ cả về chính sách tài khóa, lẫn chính sách tiền tệ một cách nhanh chóng, kịp thời, có như vậy mới ổn định đời sống, phục hồi kinh tế, giải quyết công ăn việc làm trong quý IV/2021.
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, theo ông, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2021 sẽ thế nào?
Quốc hội đưa ra con số tăng trưởng kinh tế đạt 6%, thâm hụt ngân sách ở mức 5,2%, tỷ lệ nợ công so GDP là 46%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, tác động từ giãn cách đã ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của người dân, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Do vậy, theo tôi, nếu các gói hỗ trợ chính sách được thực hiện rốt ráo trong quý IV/2021, kèm theo nới lỏng giãn cách (chuyển từ Chỉ thị 16+ xuống Chỉ thị 15 và tiến tới bình thường hóa) tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt khoảng 4% là khả thi (Tổ chức Tiền tệ quốc tế -IMF ước tính tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 4,8%).
Xin cảm ơn ông!