Áp lực lạm phát của nền kinh tế là rất lớn
Tổng cục Thống kê mới đây công bố báo cáo cho biết, GDP quý II/2022 của Việt Nam ước đạt 7,72% - mức cao nhất trong 10 năm qua, GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42%. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Hiệu Trưởng Trường Công Nghệ và Thiết Kế (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh). (Ảnh: NVCC) |
Tôi không ngạc nhiên về kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý II/2022 và 6 tháng đầu năm 2022. Đây là chỉ số đo lường tốc độ gia tăng GDP của thời điểm hiện tại so với cùng thời điểm của năm 2021 - đó là lúc tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong lịch sử. Do đó, tốc độ tăng trưởng cao là hoàn toàn dễ hiểu.
Tôi cho rằng, không nên quá lạc quan và kỳ vọng quá mức về tăng trưởng kinh tế năm 2022 khi nhìn vào con số tăng trưởng cao trong nửa đầu năm.
Năm 2021, cả nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh bị tê liệt về kinh tế bởi đại dịch Covid-19. Do đó, khi Việt Nam mở cửa trở lại trong những tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh tế đã nhanh chóng nhộn nhịp và tạo ra sự bùng nổ nhu cầu.
Đây là hiệu ứng bình thường của các hoạt động kinh tế - xã hội và điều này không phản ánh điểm sáng của nền kinh tế hay sự xuất hiện của các động lực tăng trưởng mới.
Vì vậy, chúng ta ghi nhận kết quả tăng trưởng cao trong nửa năm qua nhưng đừng vội mừng và chủ quan. Bởi theo tôi, Việt Nam sẽ mất khá lâu để đưa quỹ đạo tăng trưởng kinh tế trở lại với xu hướng như trước đây.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% và 6 tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Ông nhận định thế nào về mức lạm phát này?
Tôi cho rằng, nhìn vào CPI để đánh giá về lạm phát của Việt Nam trong hoàn cảnh hiện này là hoàn toàn không chính xác. Việc đo lường, tính toán CPI phản ánh chưa đúng mặt bằng giá cả đang tăng lên rất mạnh của nền kinh tế.
Trong 11 nhóm hàng hóa được đưa vào rổ hàng hóa tính CPI, thì nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng rất cao (38%). Trong khi đó, giá lương thực thực phẩm trong thời điểm này của năm 2021 đang ở mức rất cao do tình hình giãn cách xã hội khiến nguồn cung lương thực khan hiếm, chi phí vận chuyển đắt đỏ.
Vì vậy, khi lấy giá lương thực, thực phẩm ở thời điểm hiện tại, so sánh với năm 2021 thì sẽ cho ra một tốc độ tăng không đáng kể.
Bên cạnh đó, vì tỷ trọng của lương thực, thực phẩm trong rổ hàng hóa tính CPI quá lớn nên đã lấn át toàn bộ những yếu tố đang hình thành nên xu hướng lạm phát của nền kinh tế, trong đó có giá xăng dầu.
Xăng dầu đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi định giá. Giá xăng tăng tác động đến nhiều mặt hàng khác, bao gồm cả giá sản xuất và giá tiêu dùng. Nhưng trong rổ hàng hóa, xăng dầu nằm trong nhóm giao thông, nhóm này chỉ chiếm hơn 3% và xăng dầu chưa đến 1% trong rổ hàng hóa. Vì vậy, sự gia tăng của giá xăng dầu gần như không được ghi nhận trong sự gia tăng của rổ hàng hóa tính CPI.
Trên thực tế, xăng dầu tác động rất mạnh lên mặt bằng chung của nền kinh tế, trong khi, con số gia tăng trong CPI 2,44% không phản ánh hết sự bùng nổ giá cả như hiện nay. Người dân đang cảm nhận thấy điều này khi trực tiếp tham gia sinh hoạt, chi tiêu hằng ngày.
Như ông vừa chia sẻ, giá xăng dầu tác động rất mạnh lên mặt bằng chung của nền kinh tế. Vậy với đà tăng giá xăng dầu như thời gian vừa qua, ông đánh giá thế nào về áp lực lạm phát những tháng cuối năm 2022? Áp lực lạm phát tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, thưa ông?
Tôi cho rằng, 6 tháng cuối năm 2022, áp lực lạm phát lên nền kinh tế sẽ càng ngày càng lớn. Sự gia tăng trong giá cả được “truyền dẫn” qua nền kinh tế và có độ trễ về mặt thời gian. Đến quý III và quý IV/2022, nền kinh tế mới “ngấm đòn” lạm phát và khi đó các “liều thuốc” chữa lạm phát sẽ rất đắt đỏ.
Những đợt tăng mạnh của giá cả nguyên vật liệu gồm xăng dầu, các yếu tố đầu vào cho sản xuất, giá vận chuyển… sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn trong tương lai và qua kỳ vọng lạm phát của người dân.
Khi người dân cảm nhận thấy sự gia tăng trong giá cả càng ngày càng mạnh, họ sẽ gia tăng chi tiêu mua sắm hàng hóa, bảo vệ nguồn vốn thông qua các kênh trú ẩn an toàn như vàng, USD, bất động sản. Điều này càng đẩy áp lực tăng giá mạnh hơn và làm phức tạp công tác điều hành chính sách tiền tệ.
Sự gia tăng trong giá cả được “truyền dẫn” qua nền kinh tế và có độ trễ về mặt thời gian. Đến quý III và quý IV/2022, nền kinh tế mới “ngấm đòn” lạm phát và khi đó các “liều thuốc” chữa lạm phát sẽ rất đắt đỏ. |
Chính vì vậy, nếu không có những chính sách vĩ mô kịp thời, quyết liệt thì lạm phát kỳ vọng sẽ đẩy áp lực lạm phát thời điểm cuối năm tăng cao hơn nữa.
Khi lạm phát tăng quá cao, Ngân hàng Nhà nước buộc phải thắt chặt tiền tệ. Nhưng tôi nhận thấy, lúc này thắt chặt tiền tệ không phải là liều thuốc hữu hiệu để chống lạm phát bởi khi tiền tệ bị thắt chặt thì khả năng tiếp cận vốn của khu vực doanh nghiệp càng hạn chế và các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị thu hẹp lại. Điều này khiến năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ của khu vực doanh nghiệp suy yếu, khiến lạm phát càng nặng nề hơn.
Trên thế giới, đã có nhiều quan điểm cho rằng, các chính phủ thậm chí chấp nhận cho kinh tế suy thoái để khống chế lạm phát triệt để, rồi thúc đẩy khả năng phục hồi sau đó. Sở dĩ như vậy là để tránh khả năng nền kinh tế vừa phải chịu lạm phát cao vừa chịu trạng thái trì trệ cho thiếu hụt các nguồn cung như hiện nay và chi phí sản xuất đắt đỏ (thường gọi là trạng thái đình - lạm).
Đây cũng là điều mà Việt Nam phải đề phòng và có giải pháp kịp thời nếu không muốn trong 6 tháng cuối năm và sau đó phải mất thời gian, phí tổn chính sách đắt đỏ để kéo nền kinh tế ra khỏi những trạng thái tiêu cực.
Người dân đang cảm nhận thấy lạm phát khi trực tiếp tham gia sinh hoạt, chi tiêu hằng ngày. (Nguồn: Vneconomy) |
Đừng quá chú trọng GDP
Vậy với mối lo lạm phát cùng bối cảnh đại dịch vẫn chưa kết thúc hoàn toàn, theo ông, yếu tố nào sẽ dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm 2022?
Ngay từ đầu năm, Chính phủ và các cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô đã tung ra nhiều gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, tiến độ giải ngân các gói kích thích này còn khá chậm chạp.
Bên cạnh đó, đầu tư công được kỳ vọng sẽ mang đến những tác động tích cực, thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế và tạo ra động lực cho tăng trưởng. Nhưng thời gian vừa qua điều này cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tâm lý và các quy trình thực hiện do các vụ điều tra, xử lý liên quan đến thị trường tài chính hoặc lĩnh vực y tế.
Việt Nam nên kìm nén ham muốn tăng trưởng cao để ưu tiên giữ giá cả ổn định, ổn định vĩ mô và hỗ trợ cho cuộc sống người dân cũng như đảm bảo quá trình hồi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. |
Tôi cho rằng, đến thời điểm hiện tại, sự linh hoạt, thích ứng nhanh của khu vực kinh tế tư nhân sẽ tạo ra khả năng phục hồi và thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Nhưng khu vực kinh tế tư nhân lại đang gặp rất nhiều khó khăn về khả năng tiếp cận vốn, nguồn cung nguyên nhiên vật liệu, chuỗi cung ứng, mua sắm trang thiết bị và các yếu tố đầu vào…
Nhiều quan điểm cho rằng, quá trình chuyển đổi số và đầu tư mạnh cho công nghệ sẽ mang đến động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Điều này theo tôi là hoàn toàn đúng về mặt ý tưởng hay lý thuyết, nhưng thực tế chưa thực sự phát huy.
Khi nói về chương trình, hành động của các ngành, địa phương, ai cũng nói đến chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số cụ thể như thế nào, mang đến tác động tích cực gì cho tăng trưởng, cải tiến gì cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể để tạo ra các giá trị vượt trội mới thì còn rất chung chung.
Do đó, còn rất nhiều điều phải làm nếu muốn chuyển đổi số cũng như khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 6-6,5%. Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu này không, thưa ông?
Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6-6,5%, thậm chí cao hơn. Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đều đưa ra những dự báo tương tự như vậy.
Tuy nhiên, tôi vẫn đặt ra câu hỏi rằng, liệu tốc độ tăng trưởng này có ý nghĩa gì khi chúng ta so sánh với mặt bằng quá thấp của năm 2021?
Năm 2022, nhìn vào GDP để đánh giá thành quả nền kinh tế Việt Nam không còn phù hợp.
Theo quan điểm của tôi, trong bối cảnh hậu Covid-19 và cơn bão giá toàn cầu như hiện tại, để đánh giá nền kinh tế, cần nhìn vào nhiều chỉ số hơn như lạm phát, mặt bằng giá cả, ổn định lãi suất - tỷ giá, ổn định thị trường chứng khoán, tỷ lệ thất nghiệp… Tất cả những điều này mới khiến bức tranh kinh tế Việt Nam được đánh giá đầy đủ, phù hợp hơn.
Mỗi năm, nền kinh tế lại được đặt trong những bối cảnh khác nhau, vì vậy, theo tôi, đừng quá chú trọng GDP mà quên đi những vấn đề khác!
Theo quan điểm của tôi, Việt Nam nên kìm nén ham muốn tăng trưởng cao để ưu tiên giữ giá cả ổn định, ổn định vĩ mô và hỗ trợ cho cuộc sống người dân cũng như đảm bảo quá trình hồi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
| Chuyên gia Đức: EVFTA là trợ lực giúp Việt Nam phục hồi kinh tế Cùng với EVFTA, các FTA đang có giúp Việt Nam đa dạng hóa các đối tác thương mại, từ đó, tăng cường khả năng ứng ... |
| TS. Nguyễn Quốc Việt: Kinh tế Việt Nam sẵn sàng cất cánh Trong thời gian còn lại của năm 2022, nhiều “trợ thủ” sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh ... |