📞

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh: Thanh niên cần rèn luyện hai kỹ năng để bước vào xã hội số

Duy Uyên 09:13 | 26/03/2024
Những nhà lập trình dù có cố gắng đưa những biểu tượng, biểu cảm thông qua tin nhắn nhưng có lẽ cũng không đủ để chúng ta cảm nhận như trong một cuộc trò chuyện trực tiếp. Vì vậy, thế hệ thanh niên cần chủ động, niềm nở đối thoại với nhau nhiều hơn.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Nguồn: Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trao đổi với phóng viên TG&VN như vậy nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024).

Ông đánh giá thế nào về mức độ tác động của công cuộc chuyển đổi số tới thanh niên hiện nay?

Xã hội đang bước vào công cuộc chuyển đổi số và công cuộc này đang là một phần quan trọng trong chủ trương, đường lối của Đảng cũng như trong việc triển khai công tác của các cơ quan, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Chuyển đổi số đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và thanh niên cũng không thể đứng ngoài công cuộc thay đổi của đất nước.

Không chỉ đơn thuần là việc sử dụng công nghệ, người trẻ ngày nay đáp ứng được yêu cầu về số hóa thông qua thay đổi trong tư duy, trong cách làm việc. Xã hội thay đổi thì con người hiện đại cũng phải thay đổi theo, đồng thời, sự phát triển của cá nhân phải theo kịp được sự phát triển của xã hội.

Theo nhìn nhận của tôi, hầu hết thanh niên đều đã tiếp cận, thích ứng được với những đổi mới trong đời sống, trong học tập và sinh hoạt hàng ngày mà cải cách số mang lại.

Trong bối cảnh đó, thanh niên có gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ xã hội trực tiếp không, thưa ông?

Các mối quan hệ xã hội thông qua giao tiếp trực tiếp đang bị hạn chế là do sự phát triển của công nghệ truyền thông. Công nghệ truyền thông khiến cho giao tiếp gián tiếp phát triển. Đơn cử như việc thay vì gặp nhau thì mọi người sẽ nhắn tin, gọi điện...

Theo tôi, thanh niên hiện nay đang gặp khó khăn trong việc giao tiếp trực tiếp. Trong cuộc sống, dù cách giao tiếp trong xã hội có thay đổi thì vẫn nên giữ những chuẩn mực tối thiểu.

Công nghệ cũng tác động vào đời sống xã hội, đặc biệt là đời sống thanh niên. Nhiều người lầm tưởng rằng, công nghệ có thể thay thế các hoạt động giao tiếp truyền thống nhưng thực chất là không thể. Chúng ta vẫn cần những cuộc gặp mặt giữa bạn bè, người yêu, hay cuộc trò chuyện giữa bố mẹ và con cái trong bữa cơm tối…

Làm thế nào để thanh niên có thể nhận thức rõ được vị trí, vai trò của mình công cuộc chuyển đổi số?

Tôi cho rằng, thanh niên phải luôn ý thức được mình là lực lượng lao động chủ yếu, là lực lượng đi đầu, tiên phong trong thay đổi tư duy. Cần tích cực học tập, nâng cao tri thức, ứng dụng những tiến bộ của khoa học - kĩ thuật vào cuộc sống.

Việc học tập và áp dụng kiến ​​thức mới là "chìa khóa" để thanh niên có thể thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Bằng cách này, họ không chỉ là người tiên phong trong việc thay đổi tư duy mà còn là người đóng góp tích cực vào sự phát triển của quốc gia và thế giới.

Thanh niên cần trau dồi kỹ năng quan sát và đọc - hiểu các vấn đề lịch sử, sự kiện. Hình ảnh thanh niên Đoàn khối các cơ quan Trung ương vào Lăng viếng Bác. (Ảnh: Diệu Linh)

Ông đánh giá thế nào về những điểm mạnh và điểm yếu của thanh niên trong giai đoạn xã hội bước vào cải cách số?

Điểm mạnh của thanh niên ngày nay là họ tiếp cận nhanh và có vốn hiểu biết cũng như kiến thức nền tảng rất tốt. Những công nghệ mới của nước ngoài du nhập vào Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn đã được những người trẻ nắm bắt và vận dụng.

Thế giới đã công nhận Việt Nam là một quốc gia có lực lượng lao động trẻ dồi dào. Những máy móc, trang thiết bị hiện đại nếu không có con người cũng không thể phát huy được vai trò.

Điểm mạnh của thanh niên còn nằm ở yếu tố tiên phong, đi đầu. Họ nhanh nhạy trước thời cuộc và biết cách sử dụng những tri thức tân tiến, hiện đại, cùng với đó là sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Còn về điểm yếu, đôi khi những người trẻ hay tự mãn và kiêu ngạo. Họ dễ tự hài lòng với những gì mình đã có mà thiếu đi sự nỗ lực rèn luyện. Sự kiêu ngạo khiến cho nhiều người trượt ngã khi họ ở đỉnh cao.

Thiếu đi sự khiêm tốn và học hỏi là một rào cản rất lớn ở thanh niên, tuy nhiên, nếu được trau dồi trong một môi trường tốt thì những điểm yếu này có thể được hạn chế.

Ngoài ra, có những bộ phận không nhỏ những thanh niên hiện nay còn lười nhác, đi theo xu thế hưởng thụ mà không chịu cống hiến. Họ sống không có lý tưởng, chỉ hướng đến cái tôi cá nhân mà không nghĩ rộng ra vì cộng đồng.

Vậy thanh niên cần trau dồi những kỹ năng gì để có thể bắt kịp với xã hội số hiện tại?

Theo tôi, có hai kỹ năng nổi bật người trẻ cần phải học hỏi.

Thứ nhất, là kỹ năng quan sát và đọc - hiểu các vấn đề lịch sử, sự kiện. Những người không hiểu tường tận vấn đề thường có cái nhìn phiến diện và có những đánh giá không được khách quan về sự việc, hiện tượng.

Thứ hai, là kỹ năng giao tiếp. Cần chủ động, niềm nở đối thoại với nhau nhiều hơn. Nhiều người trẻ còn ngại đối thoại. Ví như trong cả một hội trường lớn, khi diễn giả dành thời gian đặt câu hỏi thì không ai trả lời nhưng họ lại có thể nhắn tin với nhau để đặt câu hỏi hay trả lời câu hỏi khác.

Tôi rất khuyến khích và khích lệ thanh niên rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Cần phải rèn luyện sự tự tin khi đứng trước một đám đông, luyện để không sợ sai, luyện để dám bày tỏ ý kiến của mình.

Khi tôi đi tư vấn cho các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ quyền trẻ em, họ đều khuyến khích trẻ em giao tiếp trực tiếp vì chỉ có như vậy mới bộc lộ hết được suy nghĩ và truyền đạt câu chuyện một cách đầy đủ nhất có thể.

Những nhà lập trình dù có cố gắng đưa những biểu tượng, biểu cảm thông qua tin nhắn nhưng có lẽ không đủ để chúng ta cảm nhận như trong một cuộc trò chuyện trực tiếp. Giao tiếp bằng văn bản sẽ thiếu đi yếu tố cảm nhận so với khi mặt đối mặt với nhau.

Xã hội số vẫn cần các kỹ năng giao tiếp trực tiếp. Xã hội số làm cho con người ta bắt nhịp nhanh hơn, giúp thông tin đến với mọi người nhanh hơn, nhưng đôi khi trong khâu xử lý và phản hồi dễ có sai lệch. Sai lệch bởi vì những phản ứng tức thời nhanh chóng khiến cho người ta không đủ thời gian để phân tích đúng - sai, hay - dở, tốt - xấu. Ngoài ra là những kiến thức của người nhận thông tin còn chưa được trau dồi đầy đủ.

Xin cảm ơn ông!