📞

Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN: Sẵn sàng cho năm 2020

09:00 | 23/01/2020
TGVN. Với Đại sứ Trần Đức Bình và các cán bộ của Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, năm 2020 chắc chắn là một năm vất vả, đầy thách thức nhưng họ đã sẵn sàng với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban các Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR 1/2020) trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, ngày 9/1.

Năm 2019 đánh dấu 10 năm hoạt động của Uỷ ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR). Xin Đại sứ chia sẻ về nhiệm vụ, vai trò và đóng góp của CPR trong xây dựng Cộng đồng ASEAN?

Như các bạn biết, Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ tháng 12/2008. Ngay sau đó, CPR được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2009 với các chức năng và nhiệm vụ khá rộng được quy định trong Hiến chương ASEAN, như giám sát thực thi các quyết định của Cấp cao ASEAN, thực hiện các Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN, giúp các Bộ trưởng điều phối các vấn đề liên ngành, liên trụ cột, chuẩn bị nội dung cho các Hội nghị Cấp cao và cấp Bộ trưởng, thúc đẩy quan hệ và hợp tác cụ thể giữa ASEAN với đối tác, thông qua và giám sát việc triển khai chương trình, dự án hợp tác của ASEAN với đối tác. Bên cạnh đó, CPR cũng hợp tác, hỗ trợ và giám sát hoạt động của Ban Thư ký ASEAN.

Qua 10 năm, CPR đã trưởng thành và có đủ năng lực để có thể đảm đương các chức năng và các nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng Cộng đồng ASEAN. Có thể khẳng định việc thành lập CPR đã góp phần quan trọng cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và nâng cao vị thế của ASEAN, tăng cường đối thoại và hợp tác giữa ASEAN và các đối tác.

Với vai trò quan trọng đó, CPR chắc hẳn có đặc thù riêng trong công tác vận hành, thưa Đại sứ?

Một điều hết sức thú vị là với việc vận hành CPR tại Jakarta, đến nay tất cả 10 nước đối tác quan trọng gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Nga, và Hoa Kỳ đều đã thành lập Phái đoàn riêng bên cạnh ASEAN và cử Đại sứ riêng về ASEAN thường trú tại Jakarta, ngoài Đại sứ quán và Đại sứ song phương. Vừa qua, Vương quốc Anh là nước thứ hai sau Na Uy đã lập Phái đoàn và cử Đại sứ thường trú đặc trách về ASEAN, mặc dù chưa có quy chế quan hệ đối tác với ASEAN.

CPR đã tận dụng và phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) với các Đại sứ các nước đối tác trên nhằm định hướng cho các dự án và hoạt động hợp tác và sự hỗ trợ của các đối tác dành cho ASEAN, soạn thảo các văn kiện để thông qua tại các Hội nghị Bộ trưởng và Cấp cao, bảo đảm phù hợp các mục tiêu và ưu tiên của Cộng đồng ASEAN.

Là thành viên của CPR, Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã có sự tham gia như thế nào trong năm qua?

Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã tham gia tích cực và hợp tác với các nước trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Cụ thể trong năm 2019, Phái đoàn đã tham gia và thúc đẩy xây dựng quy trình nhằm tăng cường phối hợp trong các vấn đề liên trụ cột của Cộng đồng ASEAN, triển khai các ưu tiên của Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025), hỗ trợ và triển khai thành công chuyến khảo sát thực tế tới Timor Leste để đánh giá năng lực và sự chuẩn bị của Timor Leste cho việc gia nhập ASEAN, xây dựng Tuyên bố Tầm nhìn chung Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Hàn Quốc…

Ngoài ra, trong vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Phái đoàn Việt Nam đã chủ trì soạn thảo Tuyên bố Cấp cao ASEAN-Nhật Bản về Kết nối thông qua tại Cấp cao ASEAN-Nhật Bản tháng 11/2019, và tích cực phối hợp thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Hợp tác Kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản (TCA) tháng 5/2019, triển khai được ngay một số dự án đào tạo về an ninh mạng, hải quan… và tiếp tục đưa vào kế hoạch triển khai tiếp 3-4 dự án trong năm 2020.

Năm 2020, Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Bối cảnh mới đi kèm thách thức mới?

So với 10 năm trước, Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 có những thuận lợi nhất định. Chưa bao giờ triển vọng và cơ hội có được từ liên kết và hội nhập khu vực của ASEAN lớn như hiện nay, góp phần duy trì phát triển, thúc đẩy liên kết và hướng tới một cộng đồng ASEAN thịnh vượng.

Sau 5 năm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể trên ba trụ cột, Cộng đồng ASEAN đã có những phát triển vượt bậc, tiếp tục gắn kết chặt chẽ. ASEAN tiếp tục khẳng địnhvị thế, uy tín là một tổ chức khu vực vững mạnh, liên kết sâu rộng, và có vai trò quan trọng trung tâm trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Thực tế, ASEAN đã đem lại cho các nước thành viên và nước đối tác lợi ích quan trọng từ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, không gian hợp tác và liên kết kinh tế mở rộng... Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam kế thừa và phát huy trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời là thuận lợi khi xây dựng sự đồng thuận, triển khai sáng kiến, hoặc thúc đẩy ưu tiên.

Với Việt Nam, năm 2020 đánh dấu 25 năm Việt Nam tham gia và đồng hành cùng gia đình ASEAN. Trong suốt gần 25 năm qua, Việt Nam luôn là một quốc gia thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm, và có nhiều đóng góp quan trọng đối cho sự phát triển và lớn mạnh của Cộng đồng ASEAN. Chúng ta cũng luôn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất trong thực hiện các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN. Việt Nam tích cực đi đầu trong hội nhập kinh tế khu vực và tham gia thúc đẩy xây dựng/triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác. Năm 2020 sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục có đóng góp quan trọng cho hợp tác, liên kết khu vực và phát triển Cộng đồng ASEAN thông qua ưu tiên và sáng kiến thiết thực.

Tuy nhiên, đan xen cùng cơ hội, ASEAN đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức xuất phát từ những chuyển biến nhanh chóng và khó lường của tình hình khu vực và thế giới, cạnh tranh giữa các nước lớn, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. ASEAN cũng nhận thức được việc cần tiếp tục tăng cường năng lực thể chế, cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, tăng cường phối hợp giữa các trụ cột và lĩnh vực nhằm giúp ASEAN có đủ năng lực để ứng phó với các thách thức từ bên trong và bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và giữ vai trò trung tâm là nhân tố chủ đạo trong ổn định và phát triển ở khu vực. Với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, năm bản lề quan trọng đối với ASEAN, Việt Nam cần phát huy vai trò dẫn dắt và điều phối, xây dựng một ASEAN đoàn kết, phát huy sức mạnh chung của các nước thành viên, đứng vững trước các tác động của tình hình, đóng góp xây dựng một Cộng đồng ASEAN hài hòa, tự cường, sáng tạo, gắn kết, bản sắc, trách nhiệm và có khả năng thích ứng cao, đặt nền tảng cho những bước phát triển tiếp theo của Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.

Theo Đại sứ Trần Đức Bình, năm 2020 chắc chắn là một năm vất vả, đầy thách thức, nhưng cũng rất vinh dự đối với từng cá nhân và tập thể Phái đoàn.

Công tác chuẩn bị của Phái đoàn ta được triển khai như thế nào để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ và đóng góp thực chất vào sự phát triển của Cộng đồng ASEAN, cũng như thành công của năm Chủ tịch ASEAN 2020?

Theo đó, thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, ngoài nhiệm vụ chủ trì các cuộc họp định kỳ cấp Đại sứ như CPR, ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, Uỷ ban Điều phối Kết nối ASEAN… để triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN phải thực hiện tham vấn, chia sẻ và phối hợp lập trường để bảo đảm đạt được đồng thuận trong rất nhiều vấn đề với Phái đoàn các nước thành viên ASEAN và Phái đoàn các nước đối tác tại Jakarta, Ban Thư ký ASEAN bảo đảm phù hợp với hợp tác của ASEAN và nhất là các ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Riêng trong năm 2020, tại Jakarta, Phái đoàn sẽ ưu tiên thúc đẩy việc hoàn tất các văn kiện quan trọng như Tuyên bố tầm nhìn chung Cấp cao ASEAN-New Zealand phục vụ Cấp cao ASEAN-New Zealand vào tháng 4/2020, các Chương trình Hành động giai đoạn 2021-2025 cho hợp tác giữa ASEAN và các đối tác như Canada Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Liên hợp quốc để trình các Bộ trưởng Ngoại giao thông qua vào tháng 8/2020 tại Hà Nội, cũng như nhiều văn kiện cho các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1, ASEAN+3 và EAS vào dịp tháng 11/2020. Đây là các văn kiện quan trọng định hướng cho các hoạt động hợp tác giữa ASEAN và các đối tác nhằm mục tiêu hỗ trợ cho xây dựng Cộng đồng.

Là một cơ quan đại diện chỉ có 6 cán bộ ngoại giao, năm 2020 chắc chắn là một năm vất vả, đầy thách thức, nhưng cũng rất vinh dự đối với từng cá nhân và tập thể Phái đoàn. Công tác chuẩn bị cho năm Chủ tịch 2020 của Phái đoàn đã sẵn sàng, từ khâu tổ chức, phân công công tác, lập kế hoạch triển khai, đến thiết lập cơ chế phối hợp, thông tin, báo cáo. Tập thể Phái đoàn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp cho thành công năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

(thực hiện)