📞

"Phán quyết của Tòa Trọng tài là cuối cùng và ràng buộc về pháp lý!"

09:51 | 13/07/2016
Tuyên bố trên được Người Phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đưa ra ngày 12/7.
Người Phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest. (Nguồn: AP)

Phát biểu với các phóng viên, Người Phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố: Phán quyết của Tòa trọng tài - được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Tòa trọng tài), rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử đối với các vùng biển ở Biển Đông cần được coi là cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý.

Ngoài ra, ông Josh Earnest cũng kêu gọi các bên không leo thang căng thẳng sau phán quyết.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ kêu gọi tất cả các bên không sử dụng điều này (phán quyết của tòa) như một cơ hội để thực hiện các hành động làm leo thang hay khiêu khích”, ông Josh Earnest nhấn mạnh.

Cùng ngày, ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, bà Hillary Clinton đã hoan nghênh phán quyết của Tòa trọng tài, đồng thời nhấn mạnh vùng biển này có ý nghĩa “then chốt” đối với nền kinh tế Mỹ.

Trong một tuyên bố, vị cựu Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ: “Mỹ có lợi ích lớn và lâu dài ở Biển Đông cũng như đối với hoạt động thương mại không bị ngăn cản. Do vậy, hoạt động thương mại tự do tại khu vực Biển Đông có ý nghĩa then chốt với nền kinh tế Mỹ. Điều quan trọng là tất cả các bên phải tuân thủ phán quyết trên và tiếp tục theo đuổi các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp”.

Đồng quan điểm này, cố vấn của ứng cử viên tranh cử Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết, ông Trump cũng hối thúc tất cả các bên tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Phillipines.

Trước đó, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết ủng hộ Phillipines trong vụ kiện này, qua đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với những vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”.

(theo AP)