Giữa Mỹ-Trung Quốc hiện nay có phải là một cuộc "chiến tranh lạnh mới" ? (Nguồn: FPI/TTXVN) |
Một trong những điều bất ngờ nhất về chính trị thế giới và quan hệ quốc tế thời gian vừa qua là mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc sa vào tình trạng rơi tự do. Đúng như các nguyên lý vật lý, trong sự rơi tự do này, càng rơi sâu thì vận tốc càng cao. Hai câu hỏi được đặt ra nhiều bây giờ không còn là vì sao và tại sao nữa mà là đến khi nào thì vật rơi tự do mới tiếp đáy và sau khi tiếp đáy rồi thì mối quan hệ song phương này sẽ như thế nào.
Căn bản và rõ nét, Bài bản và hệ thống
Cũng trong thời gian vừa qua, mỗi khi bàn thảo ồn ào về những diễn biến thời sự nhất của mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc, mốt thời thượng là đề cấp đến cái gọi là "chiến tranh lạnh mới" giữa hai nước này, với hàm ý cho rằng thực trạng hiện tại và tương lai của mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc có thể sẽ giống như quan hệ giữa Mỹ và Phương Tây, chủ yếu Mỹ, với Liên Xô trong nửa cuối của thế kỷ trước. Và cũng có không ít người trên thế giới sử dụng mô hình kịch bản suy thoái và tăng trưởng kinh tế thế giới theo 3 chữ cái V, U và L để tiên liệu về triển vọng của mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Tựu trung lại, sự lưu tâm nhiều nhất xem ra được tập trung vào việc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi về mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc rồi đây sẽ như thế nào.
Trước hết, có 3 điều rất đáng được chú ý đến ở đây.
Thứ nhất, sau khi lên cầm quyền ở Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt cuộc xung khắc thương mại với Trung Quốc nhưng Mỹ không hẳn đối đầu toàn diện với Trung Quốc và ông Trump luôn giữ dư địa để lùi là duy trì mối quan hệ cá nhân với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Phải đến từ đầu năm nay, phía Mỹ mới làm cho mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc lâm vào tình trạng rơi tự do và những phát biểu của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo trong những ngày vừa qua cho thấy chính giới Mỹ không còn nhìn nhận ông Tập Cận Bình như trước nữa. Nói theo cách khác, phía Mỹ đã có những điều chỉnh chính sách rất cơ bản và rõ nét đối với Trung Quốc.
Thứ hai, những động thái của Mỹ đối với Trung Quốc trong thời gian vừa qua không rời rạc và chắp vá mà bài bản và hệ thống. Ông Trump và cộng sự tuy chưa cho thấy là đã định hình ra và kiên định theo đuổi một chiến lược nhất quán lâu dài đối với Trung Quốc nhưng thể hiện sợi chỉ đỏ xuyên suốt là không còn để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm và đều có thể làm được đối với Mỹ.
Mỗi bên hiện có ý thức hệ khác nhau nhưng lại dựa trên bản chất như nhau là lợi ích quốc gia và đặt cả thế giới bên ngoài dưới lợi ích quốc gia ấy. |
Những gì phía Mỹ đã làm với Trung Quốc trong thời gian vừa qua vì thế là khúc dạo đầu của quá trình Mỹ định hướng lại quan điểm chính sách đối với Trung Quốc và định hình lại toàn bộ mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc.
Thứ ba, cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ mà ông Trump muốn được tái đắc cử là tác nhân rất quan trọng và góp phần quyết định. Ông Trump cạnh tranh với đối thủ chính trị chính của mình trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ là cựu Phó Tổng thống Joe Biden thuộc phe Đảng Dân chủ giành sự công nhận của cử tri Mỹ về ai cứng rắn hơn ai đối với Trung Quốc.
Trong bối cảnh tình hình chính trị xã hội nội bộ ở Mỹ, ai càng rắn đối với Trung Quốc càng dễ được cử tri Mỹ xác nhận là hết lòng hết sức vì lợi ích của nước Mỹ và dân Mỹ. Ông Trump càng cần sự xác nhận này vì đã khởi xướng nên khẩu hiệu và phương châm " Nước Mỹ trước hết".
Từ đó có thể thấy phía Mỹ để cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên tồi tệ như chưa từng thấy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau năm 1979 có mục tiêu phục vụ cho cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông Trump và mục tiêu chuẩn bị tiền đề và dư luận ở trong cũng như ngoài nước Mỹ cho một thời kỳ quan hệ song phương khác biệt với những thời kỳ quan hệ trước đấy cả về bản chất lẫn hình thức biểu hiện.
Có hay không “chiến tranh lạnh mới”?
Xung khắc thương mại là sự khởi đầu của mối bất hoà công khai giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Trump nhưng bây giờ lại là vấn đề dễ được hai bên giải quyết, nếu họ muốn, hơn rất nhiều so với những mối bất hoà khác về Hong Kong, Đài Loan hay Biển Đông - tức là toàn những chuyện Trung Quốc sẽ không thoả hiệp chỉ vì để cải thiện quan hệ với Mỹ.
Cho nên mối quan hệ song phương này sẽ còn tiếp tục rơi tự do và phải sau ngày bầu cử tổng thống ở Mỹ mới có thể biết được nó đã chạm đáy hay chưa và nếu đã chạm đáy rồi thì sẽ dần hồi phục theo kịch bản chữ cái nào.
Dù thế nào thì Mỹ và Trung Quốc vẫn là đối tác rất quan trọng của nhau. Hai bên tuỳ thuộc lẫn nhau ở mức độ rất cao nên tách biệt nhau ra chỉ lợi bất cập hại cho cả hai bên nên không bên nào sẽ dám làm việc ấy trong tương lai.
Cũng vì thế mà dẫu rồi đây còn xung khắc và bất hoà với nhau đến đâu thì giữa hai đối tác này cũng sẽ không có tình trạng "chiến tranh lạnh" như giữa Mỹ và Liên Xô khi xưa. Không phải câu hỏi "ai thắng ai" đặc trưng cho cuộc chiến tranh lạnh thủa trước mà câu hỏi "ai hơn ai" bây giờ được hai bên đặt ra bởi bên này bây giờ không thể thắng bên kia nhưng lại có thể chứng tỏ hơn bên kia.
Trong những ngày này, thiên hạ có thể nhận thấy nhiều từ phía Mỹ sự nhấn mạnh nhân tố ý thức hệ trong xung khắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả trên phương diện này cũng có sự khác biệt so với thời chiến tranh lạnh khi xưa. Đúng là mỗi bên hiện có ý thức hệ khác nhau nhưng lại dựa trên bản chất như nhau là lợi ích quốc gia và đặt cả thế giới bên ngoài dưới lợi ích quốc gia ấy.