Trả lời phỏng vấn tuần báo Le Point ngày 30/8, Tổng thống Macron nhấn mạnh, Pháp là nền kinh tế lớn duy nhất trong Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa giải quyết được vấn nạn thất nghiệp trong hơn 3 thập kỷ qua. Do đó, đây sẽ cuộc cải tổ sâu rộng, đầy tham vọng và hiệu quả nhằm giải quyết triệt để vấn đề, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp của nước này.
Tổng thống Pháp Macron phát biểu tại điện Elysee, Paris ngày 29/8. (Nguồn: Reuters) |
Bên cạnh đó, Tổng thống Macron cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 5,94 USD/tháng trong khoản trợ cấp nhà cho những gia đình có thu nhập thấp, đồng thời cam kết thực hiện "một cuộc cách mạng giáo dục".
Theo kế hoạch, trong ngày 31/8, Thủ tướng Edouard Philippe sẽ công bố dự luật cải cách luật lao động, tập trung vào 3 nội dung chính: đảm bảo sự hài hòa giữa các "thỏa thuận ở phạm vi doanh nghiệp và thỏa thuận ở phạm vi ngành nghề", "đơn giản hóa và tăng cường đối thoại kinh tế và xã hội giữa chủ doanh nghiệp và người lao động", "đảm bảo mối quan hệ trong công việc" giữa các tác nhân nói trên.
Dự luật còn bao gồm các quy định cụ thể về điều kiện lao động tại cơ sở tư nhân cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng lao động trong việc sa thải và tuyển dụng nhân công, cùng những quy định về các mức trần bồi thường trong trường hợp chủ lao động sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng. Tuy nhiên, dự luật này đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp.
Những người phản đối cho rằng dự luật mới quá ưu ái giới chủ và đe dọa các quyền cơ bản của người lao động, theo đó các chủ doanh nghiệp có thêm nhiều lý do để biện minh cho việc sa thải người lao động, trong khi quyền lợi của người lao động bị thu hẹp và họ luôn sống trong tình trạng bấp bênh.
Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT) đã kêu gọi tiến hành biểu tình trên cả nước vào ngày 12/9. Trong khi đó, lãnh đạo các nước trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đặc biệt là Đức, lại hoan nghênh biện pháp này, cho rằng việc cải cách lao động sẽ giúp Pháp tăng cường kinh tế, xã hội.