Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu của Phiên họp cấp cao Khóa 52 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Nguồn: VGP) |
Thưa Ngài Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền,
Thưa Ngài Cao ủy Nhân quyền,
Thưa các Quý vị đại biểu,
Tôi xin chúc mừng Ngài Václav Bálek [1] được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền và tin tưởng dưới sự điều hành của Ngài, Khóa họp sẽ thành công tốt đẹp.
75 năm trôi qua kể từ khi Tuyên ngôn Nhân quyền Liên hợp quốc[2] ra đời, nhân loại đã tiến những bước dài trong hiện thực hoá những khát vọng về quyền con người. Nhiều điều ước quốc tế về quyền con người, cùng Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên[3], đã được thông qua, tạo khuôn khổ vững chắc để cộng đồng quốc tế tăng cường nhận thức, thống nhất hành động.
Dù vậy, chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng và thiếu công bằng đang phủ bóng lên đời sống của hàng triệu người dân. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, mất an ninh lương thực và an ninh nguồn nước trở nên gay gắt hơn. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã kéo lùi những thành quả về bảo đảm quyền con người. Người dân ở nhiều nơi, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương, phải đối mặt với nhiều hệ lụy khắc nghiệt và bất công.
Tôi xin bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đến Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trước những mất mát to lớn trong thảm họa động đất vừa qua. Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã khẩn trương hỗ trợ tài chính, nhân lực và vật lực, giúp những người dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Việt Nam cảm ơn các nước đã tín nhiệm bầu chúng tôi làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2035. Đây là vinh dự lớn, đồng thời chúng tôi cũng ý thức sâu sắc về trách nhiệm nặng nề trước sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế.
Hành trang của Việt Nam đến với Hội đồng Nhân quyền là lịch sử hào hùng của dân tộc, những thành tựu đáng tự hào trong đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, là chủ trương luôn đặt con người ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển, cùng với quyết tâm gánh vác các trọng trách quốc tế trên cơ sở đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 và bất ổn kinh tế thế giới, GDP năm 2022 của Việt Nam tăng hơn 8,02%. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt hơn 92% dân số. Việt Nam nằm trong nhóm các nước đứng đầu khu vực và thế giới về phụ nữ tham chính với tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội trên 30%. Dù đang là nước có thu nhập trung bình thấp, song Việt Nam nằm trong Nhóm các nước có Chỉ số Phát triển Con người (HDI) cao, tăng 5 bậc trong giai đoạn 2015-2021[4]. Đây chính là cơ sở và động lực để Việt Nam chăm lo hơn nữa mọi mặt đời sống Nhân dân, hiện thực hóa khát vọng trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.
Là thành viên của nhiều cơ chế đa phương quan trọng, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, sẵn sàng làm cầu nối để giảm khác biệt, gia tăng hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền với phương châm “Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.
Đoàn Việt Nam chuẩn bị tham dự khai mạc Phiên họp cấp cao khóa 52 Hội đồng Nhân quyền LHQ. |
Trên tinh thần đó, tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ sau:
Thứ nhất, chúng ta đều có chung khát vọng về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân. Mỗi quốc gia, từng khu vực có thể có cách tiếp cận khác nhau do những đặc thù riêng về lịch sử, hệ thống chính trị, văn hóa, kinh tế-xã hội. Vì vậy, cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù đó để cùng tìm ra mẫu số chung, thay vì chính trị hóa, áp đặt, can thiệp.
Thứ hai, không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết những vấn đề toàn cầu ngày nay. Đối thoại và hợp tác trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc chính là phương cách tốt nhất để tìm kiếm tiếng nói chung, xác định ưu tiên, chia sẻ nguồn lực, cùng hiện thực hóa những mục tiêu đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các cam kết liên quan đến đối phó với biến đổi khí hậu, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Thứ ba, quyền con người mang tính phổ quát và có mối liên hệ mật thiết qua lại, tạo nên chỉnh thể thống nhất, đòi hỏi cần có cách tiếp cận tổng thể. Cần chú trọng bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền thiết thân, cơ bản nhất như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền được tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm, chống phân biệt đối xử, thúc đẩy công bằng xã hội.
Thứ tư, Hội đồng Nhân quyền cần khẳng định vai trò trung tâm trong thúc đẩy đối thoại trên tinh thần xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia, trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Một Hội đồng Nhân quyền hoạt động hiệu quả, tích cực, khách quan, hòa hợp trong đa dạng, không chính trị hóa, không chia rẽ sẽ là hạt nhân kết nối cộng đồng quốc tế.
Với ý nghĩa đó, Việt Nam đề xuất Hội đồng Nhân quyền xem xét thông qua văn kiện khẳng định giá trị và cam kết của tất cả chúng ta đối với Tuyên ngôn Nhân quyền, Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên. Đây sẽ là hành động thiết thực của Hội đồng Nhân quyền để kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna[5].
Với ý thức và quyết tâm cao của một thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho công việc của Hội đồng Nhân quyền, vì một tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại.
Xin trân trọng cảm ơn.
[1] Ông Václav Bálek, người Cộng hòa Czech được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền năm 2023.
[2] Tuyên ngôn Nhân quyền được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 10/12/1948 tại Paris, Pháp. Đây là văn kiện đầu tiên khẳng định giá trị phổ quát của quyền con người và trách nhiệm của tất cả các quốc gia trong bảo đảm cho mọi người dân được thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản, tạo cơ sở cho sự ra đời của các điều ước quốc tế về quyền con người sau này.
[3] Năm 2023 kỷ niệm 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna (văn kiện được các nước thành viên Liên hợp quốc đồng thuận thông qua năm 1993 tại Vienna, Áo). Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên khẳng định tính phổ cập của các quyền con người đối với tất cả mọi người, sự tương hỗ giữa các quyền con người với nhau, mối quan hệ giữa quyền con người với dân chủ và phát triển, đồng thời kêu gọi các nước phối hợp thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
[4] Theo Báo cáo phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) giai đoạn 2021-2022, Việt Nam xếp thứ 115/191. Từ năm 2019, Việt Nam chuyển từ Nhóm có chỉ số HDI trung bình lên Nhóm có chỉ số HDI cao.
[5] Bộ Ngoại giao đang thúc đẩy tham vấn với các nước về nội dung này.
| Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ tham dự Phiên họp cấp cao khoá 52 Hội đồng Nhân quyền LHQ và thăm chính thức Tây Ban Nha Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao. |
| Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Ngày 15/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác liên ngành về việc ... |
| An sinh xã hội cho nhóm dễ bị tổn thương: Bước đi vững chắc Bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp xã hội là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính ... |
| Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai: Việt Nam tích cực với ‘sứ mệnh’ vì quyền con người Trước thềm Khóa họp 52 của Hội đồng nhân quyền, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam ... |
| Nhận diện các vấn đề nhân quyền của ASEAN năm 2023 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đứng trước những biến chuyển sâu sắc của thế giới trong thế kỷ này. Các ... |