Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.(Ảnh minh họa) |
Chiến dịch bao gồm các quảng cáo truyền hình, các chiến dịch nhắn tin SMS và một website chuyên biệt, do Chương trình Phòng chống Tác hại thuốc lá, Bộ Y Tế (VINACOSH) và Trung ương Đoàn TNCS HCM thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí từ Quỹ Lá phổi Thế giới (WLF).
Theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam, việc hút thuốc bị cấm ở các cơ sở y tế, trường học, nhà trẻ, nơi vui chơi giải trí dành cho trẻ em và tất cả những địa điểm công cộng trong nhà khác như nhà hàng, công sở và các phương tiện giao thông công cộng.
Chiến dịch bao gồm 2 quảng cáo đồ họa trên truyền hình, mang tựa đề “Khói thuốc lá đang tàn phá cơ thể bạn” và “Khói thuốc lá đang hủy hoại sức khỏe con của bạn”, minh họa cho tác hại nghiêm trọng của thuốc lá và việc hút thuốc thụ động tới sức khỏe người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ em. Đặc biệt, quảng cáo “Khói thuốc lá đang hủy hoại sức khỏe con của bạn” cho thấy trẻ sơ sinh và trẻ em tiếp xúc với khói thuốc sẽ có nguy cơ gặp phải các bệnh viêm hô hấp, nhiễm trùng tai, hen suyễn và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh cao hơn.
Các quảng cáo như trên đã được kiểm định nghiêm ngặt ở Việt Nam và nhiều nước khác như Australia, Lebanon, Ba Lan, Ukraine. Kết quả cho thấy, các quảng cáo này có tác dụng thuyết phục người hút thuốc nỗ lực từ bỏ thuốc lá. Trong chiến dịch này, các quảng cáo còn đưa ra thông tin về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá vừa chính thức có hiệu lực và vận động người xem đăng ký ủng hộ Luật bằng các truy cập vn0khoithuoc.com hoặc soạn tin theo cú pháp KKT gửi 6089. Ngoài ra một chiến dịch nhắn tin SMS cũng được phát động nhằm khuyến khích giới trẻ ủng hộ Luật.
Ông Peter Baldini, Chủ tịch điều hành Quỹ Lá phổi thế giới nhận định: “Nghiên cứu cho thấy khi người dân hiểu được nguyên nhân ban hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, họ sẽ dễ dàng ủng hộ và tuân thủ các điều luật hơn. Các chiến dịch bằng hình ảnh như thế này sẽ giúp người dân nhận thức rõ hơn về những nguy hại thực tế và cụ thể của việc hút thuốc thụ động đối với cả người hút thuốc, người không hút thuốc và trẻ em. Cụ thể, hệ hô hấp của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với những tổn hại do hút thuốc thụ động gây ra. Chúng tôi tin rằng chiến dịch này sẽ giúp Luật mới có hiệu lực được tuân thủ tốt hơn, qua đó cứu được thêm nhiều sinh mạng.”
Khảo sát toàn cầu về việc hút thuốc lá ở người lớn - Global Adult Tobacco Survey (GATS) cho thấy, ở Việt Nam, có khoảng 15 triệu người trưởng thành hút thuốc (47,4% nam và 1,4% nữ). 55,9% số người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc, và 73,1% số người trưởng thành bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nhà. Môi năm ở Viêt Nam có khoảng 40 ngàn người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Theo Biểu đồ Thuốc lá (The Tobacco Atlas), giới trẻ có tỉ lệ hút thuốc thấp hơn, 5,9% sinh viên nam và 1,2% sinh viên nữ tuổi từ 13-15 được xác định là đang hút thuốc. Một phần đáng báo động của giới trẻ (hơn 58%) bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nhà và thuốc lá làm thâm hụt 78 triệu USD chi phí trực tiếp tại Việt Nam.
Sử dụng thuốc lá đứng hàng đầu trong số các nguyên nhân gây tử vong có thể ngăn chặn được trên thế giới hiện nay, với hơn năm triệu ca tử vong mỗi năm-1/10 số trường hợp tử vong có thể ngăn chặn được trên toàn thế giới. Nghiên cứu cho thấy rằng các chiến dịch truyền thông đại chúng là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để khuyến khích mọi người ngừng hút thuốc. Đây là một trong các chiến lược MPOWER (W = Warn) của Tổ chức Y tế thế giới để giảm lượng tiêu thụ thuốc lá.
Kim Giang