📞

Phát động cuộc thi "Giao thông học đường" dưới hình thức trò chơi trực tuyến

11:56 | 10/01/2019
Sáng nay (10/1) tại Hà Nội, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo về cuộc thi “Giao thông học đường” lần thứ IV năm học 2018 – 2019.

Cuộc thi được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 7/1/2019 đến 5/2019 với 3 vòng thi. Vòng thi cấp trường từ ngày 7/1 đến 29/3. Vòng thi cấp tỉnh từ 15/4 đến 24/4. Vòng chung kết toàn quốc diễn ra vào tháng 5/2019.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) và Kế hoạch năm ATGT 2018 của Ủy ban ATGT Quốc gia với chủ đề “ATGT cho trẻ em”.

Chia sẻ tại lễ phát động, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT khẳng định, Bộ luôn yêu cầu các cuộc thi học đường phải thực chất, không áp lực đối với học sinh, thực sự trang bị thêm kiến thức cho cho học sinh. Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức là một trò chơi trực tuyến, vì thế tạo được hứng khởi cho học sinh.

Mục đích của cuộc thi nhằm góp phần giáo dục kiến thức, kỹ năng, văn hóa ứng xử cho học sinh khi tham gia giao thông, giúp các em tiếp cận với các kiến thức về ATGT một cách gần gũi, tự nhiên theo một hình thức tuyên truyền mới, nhẹ nhàng và hấp dẫn. Đồng thời, tạo điều kiện để các em học sinh tiếp cận bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe môtô hạng A1. Đây là một trong số ít hoạt động được Bộ GD&ĐT cho phép triển khai trong hệ thống nhà trường hiện nay.

Các đại biểu tại lễ phát động. (Ảnh: Phan Thảo)

“Giao thông học đường” được tổ chức dưới hình thức thi trắc nghiệm trên internet và đối tượng dự thi là tất cả học sinh khối THCS và THPT trên phạm vi toàn quốc. Đề thi được chia theo từng cấp học với hình thức thể hiện phong phú. Trong đó có hơn 1.000 câu hỏi về luật giao thông đường bộ, 600 loại câu hỏi về văn hóa giao thông và gần 200 câu hỏi tình huống dạng video 3D...

Qua đó, nhiều tình huống giao thông được mô tả sinh động, giúp người thi dễ hình dung. Nội dung thi phù hợp với pháp luật hiện hành và bám sát bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe hạng A1. Từ đó, cuộc thi mang lại những bài học bổ ích, giúp các em học sinh nhận biết các tình huống giao thông nguy hiểm, có các kỹ năng phòng tránh tai nạn và có văn hóa tham gia giao thông văn minh.

Chia sẻ về thực trạng tai nạn giao thông ở lứa tuổi trẻ em, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, 9 tháng năm 2018 có hơn 800 nạn nhân là trẻ em (0-18 tuổi) bị thương vong do tai nạn giao thông, giảm hơn trước. Qua đó, cho thấy các giải pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục thanh thiếu niên tham gia giao thông đã có hiệu quả. Trong đó có vai trò của cuộc thi giao thông học đường. Bộ GD-ĐT và Ủy ban ATGT quốc gia cam kết sẽ kiềm chế ngày càng hiệu quả hơn việc mất ATGT trong lứa tuổi học sinh.

Theo ban tổ chức, mỗi vòng thi đều có giải thưởng cho các thí sinh xuất sắc. Ở vòng chung kết, 1 giải Đặc biệt trị giá 10.000.000 đồng; 2 giải Nhất, mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng; 3 giải Nhì, mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng; 5 giải Ba, mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng. Có 20 giải tập thể đồng hạng cho 20 tập thể gồm trường, Sở GD&ĐT có kết quả triển khai cuộc thi hiệu quả.

Giao thông học đường là một cuộc thi được tổ chức thường niên, đến nay cuộc thi đã tổ chức qua 3 mùa giải kể từ năm 2014. Lần thứ nhất cuộc thi đã thu hút hơn 200.000 thí sinh trung học phổ thông (THPT) trên toàn quốc tham gia. Lần thứ hai cuộc thi thu hút hơn 600.000 thí sinh là học sinh trung học cơ sở (THCS) và THPT. Lần thứ ba cuộc thi thu hút tới 1.057.995 thí sinh là học sinh THCS và THPT trên toàn quốc tham gia, tăng gấp 5 lần so với mùa đầu ra mắt.