📞

Phát động Giải báo chí 'Giảm ô nhiễm nhựa đại dương' lần thứ hai

PV. 07:09 | 21/07/2022
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa phát động Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” năm 2022.

Với chủ đề “Hành động vì đại dương không rác thải nhựa”, Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” lần thứ hai là cơ hội để có thể phổ biến và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo UNDP Việt Nam, hằng năm, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, tương đương cứ mỗi phút lại có một xe tải chở đầy rác đổ ra biển. (Nguồn: AFP)

UNDP Việt Nam cho rằng giải báo chí là dịp để ghi nhận cũng như phát huy vai trò của báo chí trong công tác truyền thông nhằm góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Bởi lẽ, báo chí không chỉ có vai trò dẫn dắt mà còn định hướng ý thức cho người dân.

Đây cũng là cơ hội để phổ biến và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, sự kiện kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương cũng như việc quản lý rác thải nhựa, qua đó để người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn những tác động tiêu cực của việc quản lý chất thải không đúng cách với môi trường và sức khỏe con người

Theo ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ô nhiễm nhựa đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách, đe dọa hệ sinh thái, sức khỏe con người. Mỗi năm Việt Nam thải ra 3,7 tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ có 10-15% rác thải nhựa được tái chế. Tương lai, đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cá.

Trong nỗ lực chung nhằm ngăn chặn ô nhiễm nhựa đại dương, Nhà nước tổ chức nhiều giải pháp thông qua các dự án, chương trình cụ thể. Trong đó, truyền thông có vai trò rất quan trọng

Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” 2022 nhận tác phẩm báo chí dự thi bằng tiếng Việt được đăng và phát trên các báo trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 30/9/2022. Tác phẩm được đăng và phát nhiều kỳ, ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm được đăng, phát trong khoảng thời gian nêu trên.

Các tác giả có tác phẩm liên quan đến nội dung giảm ô nhiễm nhựa đại dương, có thể gửi tham dự giải thông qua email giaibaochigonn@gmail.com; qua website www.giaibaochi.giamracnhua.vn; hoặc gửi trực tiếp tới Báo điện tử VTC News tại tầng 12A, tòa nhà VTC Online, 18 Tam Trinh, thành phố Hà Nội.

Hạn cuối cùng nhận tác phẩm ngày 30/9/2022. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 2 giải nhì, mỗi giải trị giá 15 triệu đồng; 3 giải ba, mỗi giá trị giá 10 triệu đồng; 5 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 2 giải phụ, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Thời gian xét chọn và chấm giải từ ngày 1/10 đến 20/10/2022. Lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 25/10/2022.

Theo UNDP Việt Nam, hằng năm, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, tương đương cứ mỗi phút lại có một xe tải chở đầy rác đổ ra biển.

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong số những nước thải lượng lớn rác nhựa ra đại dương. Các nguồn thải rác đến từ đất liền được xem là nguồn thải chính và ở quy mô rộng hơn các nguồn thải ngoài đại dương. Thực tế, có đến 80% rác thải nhựa xuất phát từ đất liền, từ những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người, 20% còn lại xuất phát từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển.

Ngoài ra, các sản phẩm làm từ nhựa cũng đã và đang trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác; còn lại đang được chuyển vào các bãi rác lộ thiên, thậm chí là thải trực tiếp ra môi trường.

Nghiêm trọng hơn, chỉ có khoảng 20% rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp ở các bãi hợp vệ sinh. Đa phần các bãi rác tại Việt Nam đều đã quá tải, các lò đốt có công nghệ đơn giản, cũ và lạc hậu, chưa kiểm soát được chất lượng không khí, thậm chí là bị hỏng do rác không được phân loại trước khi xử lý.