📞

Phát động Giải thưởng Sao Khuê 2022 - Thúc đẩy tạo dựng các hệ sinh thái số

Hải An 08:36 | 14/01/2022
Ngày 13/1, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA) chính thức phát động Giải thưởng Sao Khuê 2022, một trong những giải thưởng uy tín của ngành phần mềm và CNTT Việt Nam.
Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2021. (Nguồn: VINASA)

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.

Đây cũng là năm đầu thực hiện các chiến lược mới như: Hạ tầng số, Dữ liệu, Công nghiệp công nghệ số, Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục là lực lượng tiên phong trong công cuộc này.

Giải thưởng Sao Khuê 2022 với nhiệm vụ tiên phong “Xung kích chuyển đổi số”, sẽ tiếp tục sứ mệnh lựa chọn, quảng bá, xây dựng thương hiệu các nền tảng số, dịch vụ số, giải pháp số, góp phần nhanh chóng đưa các giải pháp số vào giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, hướng tới tạo dựng những hệ sinh thái số hoàn chỉnh cho tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Theo Ban tổ chức, Giải thưởng Sao Khuê 2022 chính thức nhận hồ sơ từ nay đến hết ngày 13/3/2022, tiếp tục lựa chọn và vinh danh các nền tảng, dịch vụ, giải pháp số trong 6 nhóm: Các sản phẩm, giải pháp số (bình xét theo 21 lĩnh vực ứng dụng chuyên ngành); Các nền tảng chuyển đổi số; Các giải pháp công nghệ tiên phong (AI, IoT, Big Data, Cloud, BlockChain, Robotics, VR, AR, XR, in 3D...); Các sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp số; Các sản phẩm, giải pháp phần mềm mới; Các dịch vụ CNTT (9 lĩnh vực dịch vụ chuyên ngành).

Lịch trình các hoạt động của Giải thưởng Sao Khuê 2022:

Nhận hồ sơ: 13/1–13/3

Vòng Sơ loại hồ sơ: Dự kiến 15/3

Vòng thuyết trình & thẩm định: Dự kiến từ 16-17/3

Vòng Bình chọn Chung tuyển: Dự kiến 19/3

Lễ Công bố và Trao Giải thưởng: Dự kiến ngày 23/4

Giải thưởng Sao Khuê 2022 có sự đồng hành của các bộ, cục, vụ, viện, các tổ chức hiệp hội ngành nghề quan tâm đến ngành phần mềm và dịch vụ CNTT.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA cho biết thêm: “Các nền tảng, dịch vụ, giải pháp số, trong giai đoạn này, không chỉ có nhiệm vụ mang lại doanh thu, lợi nhuận cho các doanh nghiệp công nghệ, mà cao hơn, quan trọng hơn là sứ mệnh giúp các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, và tạo được giá trị mới, lợi thế cạnh tranh.

Giải thưởng Sao Khuê sẽ lựa chọn ra những sản phẩm, dịch vụ xuất sắc, những giá trị tốt, và đồng hành cùng các doanh nghiệp số để nhanh chóng lan tỏa những giá trị này, giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia”.

Giải thưởng Sao Khuê được VINASA tổ chức lần đầu tiên năm 2003 với mục đích lựa chọn, tôn vinh và phổ biến các nền tảng, dịch vụ, giải pháp công nghệ số Việt Nam xuất sắc hàng năm. Qua 18 năm tổ chức, 1.269 nền tảng, dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc đã được vinh danh.

Giải thưởng này đã trở thành một kênh truyền thông, quảng bá, định hướng thị trường hiệu quả chắp cánh cho hàng nghìn thương hiệu thương hiệu phần mềm và đồng hành cùng sự phát triển, lớn mạnh của các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam như: FPT, VNPT, Viettel, MISA, KMS, TMA, Rikkeisoft, FSI, Bravo…

Năm 2021, với nhiều nỗ lực, Việt Nam có sự thay đổi thứ hạng khá đáng kể về chuyển đổi số trong các bảng xếp hạng quốc tế, nằm trong nhóm 5 quốc gia hấp dẫn nhất về dịch vụ công nghệ thông tin.

Việt Nam hiện là một trong số những quốc gia sớm triển khai 5G và thuộc trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu với mức tăng trưởng kinh tế Internet gần 30%, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng từ 30% lên 96%, Việt Nam cũng thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu; an toàn, an ninh mạng xếp thứ 25/194, tăng 25 bậc.