📞

Phát hiện gây sốc: Quái vật hồ Loch Ness có thể là có thật!

Trung Hiếu 11:36 | 28/07/2022
“Quái vật hồ Loch Ness” có thể là có thật, các chuyên gia Vương quốc Anh nói sau khi phát hiện hóa thạch loài Xà đầu long (Plesiosaur) dưới đáy sông cổ đại ở châu Phi.
Hình ảnh mô phỏng về quái vật hồ Loch Ness. (Nguồn: Indiatimes)

Có một số bí ẩn trên hành tinh này vẫn chưa được giải đáp, bao gồm “người tuyết Yeti” sống trên dãy Himalaya, những khối đá Stonehenge hay sự tồn tại của “Quái vật hồ Loch Ness”.

Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học Anh, Quái vật hồ Loch Ness có thể đã thực sự tồn tại. Nhận định này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu tìm thấy hóa thạch của loài Plesiosaurs (còn gọi là Xà đầu long - một loài bò sát biển cổ dài sống ở thời đại khủng long) trong hệ thống sông 100 triệu năm tuổi ở nơi ngày nay là sa mạc Sahara thuộc Morocco.

Các nhà khoa học từ Đại học Bath, Đại học Portsmouth của Anh và Đại học Hassan II ở Morocco đã cùng tham gia vào cuộc nghiên cứu.

Quái vật hồ Loch Ness là một phần của các truyền thuyết dân gian Scotland nói về một loài bò sát có đầu nhỏ và cổ dài - tất cả các đặc điểm đều giống với loài khủng long Plesiosaurs. Tuy nhiên, các lập luận trước đây được đưa ra rằng những sinh vật này không thể sống ở hồ Loch Ness vì chúng không thể sống ở nước ngọt.

Tuy nhiên, những phát hiện mới cho thấy rằng, trên thực tế loài Plesiosaurs đã thích nghi được với nước ngọt và thậm chí có thể dành cả cuộc đời của chúng sống trong môi trường nước ngọt, tương tự như loài cá heo sông ngày nay.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện được hóa thạch xương và răng của một con Plesiosaurs trưởng thành dài ba mét, và xương chi trước của một con non dài 1,5 mét. Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng sống cùng với rùa, cá, cá sấu, ếch và những loài khủng long thủy sinh khổng lồ như Spinosaurus.

Ông David Martill, đồng tác giả của cuộc nghiên cứu, nói: “Điều làm tôi ngạc nhiên là dòng sông cổ đại ở Morocco có rất nhiều loài ăn thịt sống cùng nhau. Đây không phải là nơi an toàn để bơi lội!”.

Những chiếc răng của hóa thạch khủng long Plesiosaur bị mòn đáng kể tương tự như những chiếc răng được tìm thấy của khủng long Spinosaurus, cho thấy rằng chúng đã ăn cùng một loại cá bọc thép ở con sông này, thay vì chỉ thỉnh thoảng ghé thăm nơi đây.

Tiến sĩ Nick Longrich, từ Trung tâm Tiến hóa Milner của Đại học Bath, đồng tác giả của cuộc nghiên cứu, nói thêm: “Chúng tôi chưa thực sự biết lý do tại sao Plesiosaurs lại sống ở nước ngọt. Từ trước đến nay, các nhà cổ sinh vật học luôn gọi chúng là “loài bò sát biển”, nhưng chắc gì chúng đã phải sống ở biển? Rất nhiều loài động vật ở biển đã tiến vào sống ở vùng nước ngọt”.

(theo Indiatimes.com)