Đây là hệ thống hang động hiếm gặp bao gồm hàng chục hang động và miệng núi lửa được cho là cách đây hàng triệu năm.(Ảnh: VNE) |
Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu di sản công viên địa chất thuộc tỉnh Đăk Nông từ năm 2007 của nhóm các nhà khoa học thuộc Bảo tàng địa chất Việt Nam (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản) và các nhà khoa học Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, việc phát hiện ra hệ thống hang động núi lửa này đã gây nhiều bất ngờ cho không chỉ các nhà khoa học trong nước mà cả các nhà khoa học quốc tế.
Hang dài 25 km từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Serepok đến khu vực thác Dray Sáp. Đây là hệ thống hang động hiếm gặp bao gồm hàng chục hang động và miệng núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham, được cho là cách đây hàng triệu năm. Hang động nằm trong rừng sâu, chưa ghi nhận dấu vết của con người nhưng có nhiều loài vật sinh sống.
“Hiện tại, đoàn đã khảo sát được 3 hang động (ký hiệu: C7, C3, A1). Trong đó, hang động C7 là hang núi lửa dạng ống và có chiều dài được cho là lớn nhất Đông Nam Á – 1066,5m”, ông Thuấn cho biết.
Về giá trị của hệ thống hang động núi lửa Đắk Nông, TS Hiroshi Tachihara Chủ tịch danh dự hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản cho biết, đây được coi là hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài 25 km. Trong hang có nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như: Các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm. Qua đó cho thấy, hệ thống hang động Đắk Nông mang nhiều giá trị về mặt nghiên cứu và du lịch nếu ta có hướng thác hợp lý…
Dự kiến, sau lễ công bố, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Nhật Bản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sẽ huy động thêm các nhà đầu tư, tài trợ cho quá trình nghiên cứu tiếp theo. Sau khi hoạt động nghiên cứu kết thúc, sẽ tiến hành công bố với thế giới, xúc tiến thành lập công viên địa chất toàn cầu.
Ly Ly