Census of Marine Life là dự án quốc tế nhằm thống kê tất cả động vật trong các đại dương. Chương trình bắt đầu từ năm 2000 và sẽ kết thúc vào năm 2010 với sự tham gia của hơn 2.000 nhà khoa học từ hơn 80 nước. Trong bản báo cáo mới nhất được công bố hôm 21/11, các nhà khoa học tuyên bố họ thống kê được 17.650 loài sống ở độ sâu từ 200 m trở lên - nơi ánh sáng không thể lọt tới.
Nhà hải dương học Robert S. Carney của Đại học Louisiana (Mỹ) cho biết, cuộc sống bên dưới đại dương phức tạp và sống động hơn nhiều so với suy nghĩ của con người. Ông nói rằng vài nghìn loài sinh vật biển sống trong những tầng nước tối đen. Chúng ăn những dạng vật chất đang trong quá trình phân hủy và lắng xuống đáy - trong đó có cả xương cá voi. Dầu mỏ và khí metan cũng là nguồn năng lượng của động vật dưới đáy.
Kể từ khi dự án Census of Marine Life bắt đầu, các nhà khoa học tìm thấy khoảng 5.600 loài sinh vật mới. Họ hy vọng con số đó sẽ tăng thêm vài nghìn khi dự án kết thúc vào tháng 10/2010.
Loài bạch tuộc có hai bộ vây giống tai voi mới được phát hiện. Chúng dùng cặp vây để bơi. Chiều dài thân của loài bạch tuộc này có thể lên tới 2 m. (Ảnh: Daily Mail) |
Các nhà khoa học khẳng định vẫn còn hơn một triệu loài sinh vật chưa được phát hiện và họ sẽ thông báo thực tế này trước công chúng. Các nhà sinh vật thống kê được 1,5 triệu loài thực vật và động vật trên cạn. Còn ở dưới biển có 5.722 loài sống ở độ sâu từ 1.000 km trở lên.
Giun ăn dầu mỏ (Neocyema) được tìm thấy ở Đại Tây Dương. (Ảnh: Daily Mail) |
"Đáy biển là môi trường mà con người khám phá ít nhất trên trái đất. Cách đây chưa lâu giới khoa học vẫn cho rằng đáy đại dương chẳng khác gì sa mạc, tức là không có nhiều sinh vật. Nhưng chúng tôi cảm thấy bất ngờ khi tìm thấy gần 20.000 dạng sống trong một khu vực từng bị cho là chẳng có gì", Jesse Ausubel, một chuyên gia của Quỹ Alfred P. Sloan, phát biểu. Quỹ Alfred P. Sloan tài trợ cho dự án Census of Marine Life.
Theo VNE