Một con bạch tuộc trên đống vỏ sò mà chúng đã ăn tại "làng bạch tuộc". (Nguồn: Bunisness Insider) |
Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một “ngôi làng” có tới hơn 50 con bạch tuộc dưới đáy biển sâu khoảng 17m ở vịnh Jervis phía Nam Sydney, Australia.
Phát hiện này, cùng những nghiên cứu lần đầu tiên về việc bạch tuộc sử dụng màu sắc và cử chỉ làm tín hiệu trong quá trình tương tác với nhau, vừa được công bố trên tạp chí Current Biology (Australia).
“Ngôi làng” của chúng là một khu vực đáy biển khá bằng phẳng, với nhiều hang hốc nhỏ cung cấp nơi ẩn náu cho các con bạch tuộc. Vỏ sò do bạch tuộc ăn lâu ngày đã tích tụ thành lớp dày quanh đó, các nhà nghiên cứu cho biết.
Bạch tuộc thích sống gần nhau và thường xuyên tương tác với các “láng giềng” của chúng, chúng giao tiếp bằng cách luôn thay đổi màu sắc.
Các nhà nghiên cứu đã xem hơn 52 giờ của đoạn phim quay dưới nước, cho thấy lũ bạch tuộc tiếp xúc với nhau 186 lần. Có nhiều lần chúng xô đẩy nhau, thỉnh thoảng còn đánh nhau.
Ông Peter Godfrey-Smith, Giáo sư Khoa học tại Đại học Sydney cho biết: "Chúng tôi đã thấy khi bạch tuộc thay đổi màu sắc, đó là tín hiệu thể hiện mức độ hung dữ của chúng. Màu sắc càng sẫm lại thì hành vi chúng càng hung hăng hơn".
Nhà nghiên cứu David Scheel, một giáo sư tại Đại học Alaska Pacific, cho biết những con bạch tuộc sử dụng màu sắc trên cơ thể và cử chỉ để báo hiệu cho nhau trong quá trình tranh chấp nơi làm tổ.
"Chúng luôn thay đổi các tư thế và các màu sắc trên cơ thể rất nhanh, như đứng thẳng lên thật cao, hoặc ngả sang màu rất thẫm" - ông nói.
Và khi một con bạch tuộc với cơ thể sẫm màu tiếp xúc với một con bạch tuộc sẫm màu khác, nhiều khả năng chúng sẽ đánh nhau, ông cho biết thêm.
Bạch tuộc cũng hay đứng trên những chỗ cao, với những cái vòi giơ lên. Các nhà nghiên cứu cho rằng lũ bạch tuộc tin rằng đứng như vậy làm cho chúng trông to lớn hơn và thu hút những con khác hơn.