📞

Phát huy quyền và lợi ích của công dân số

Huyền Trâm 13:30 | 30/05/2023
Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân, định danh điện tử, chuyển đổi số là một trong những nỗ lực nhằm phát huy các quyền và lợi ích của người dân.
Hệ thống định danh và xác thực điện tử góp phần đem lại các tiện ích cho công dân trong chuyển đổi số. (Ảnh minh hoạ)

Hoà chung với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chủ đạo của các quốc gia trên thế giới hiện nay đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Với khát vọng lớn, tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tận dụng tối đa những thời cơ, thuận lợi do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số quốc gia.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Năm 2021, thành công lớn trong xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, kinh tế số, xã hội số chính là hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD), mang lại hiệu quả to lớn, tạo sự đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, góp phần cải cách triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến công dân.

Sau 3 năm đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào sử dụng, giá trị đem lại đối với công tác cải cách thủ tục hành chính và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số ngày càng rõ nét.

Thứ nhất, việc đồng bộ dữ liệu từ trung ương đến địa phương giúp cho việc quản lý cư trú hoàn toàn trên hệ thống điện tử, giúp cắt giảm các loại giấy tờ về quản lý cư trú, giảm các bước trong thủ tục đăng ký cư trú của công dân. Bên cạnh đó, công dân có thể đăng ký làm thẻ CCCD tại nơi đăng ký tạm trú mà không cần về nơi đăng ký thường trú để thực hiện.

Thứ hai, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành (tính đến nay đã kết nối, chia sẻ với 13 đơn vị bộ ngành; 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN) và 63 tỉnh thành địa phương), góp phần giảm chi phí hành chính cho người dân hàng trăm tỷ VND hàng năm.

Với quy mô dân số hiện tại được ghi nhận trên hệ thống đã đạt 104 triệu dân, thì tính đến 12/5/2023, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xử lý 935.148.051 nhu cầu chứng minh về nhân thân để phục vụ việc làm sạch dữ liệu đã được lưu trữ, dữ liệu phát sinh mới trong các giao dịch hành chính công của người dân với các cơ quan hành chính, sự nghiệp của các đơn vị bộ ngành, địa phương; thay thế việc người dân phải xuất trình và nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ về nhân thân, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đồng thời, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng cung cấp các thông tin cơ bản về người dân một cách chính xác, nhất quán. Việc khai thác thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia giúp công dân giảm thời gian chuẩn bị đơn, tờ khai; công dân không phải xuất trình, nộp bản sao, bản sao có chứng thực giấy tờ công dân.

Thứ ba, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục đích là một cơ sở dữ liệu dùng chung, cung cấp thông tin công dân cho các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.

Dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chia sẻ, khai thác và cập nhật thông tin về dân cư, từ đó hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội từ trung ương tới địa phương.

Dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ Công an đã xây dựng thành công hệ thống định danh và xác thực điện tử làm nền tảng cho việc thiết lập và cung cấp thành công dịch vụ công trực tuyến và phát triển thương mại điện tử. (Nguồn: Dân trí)

Ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Nhằm thúc đẩy công cuộc số hóa của quốc gia, phát triển và ứng dụng các thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào giải quyết thủ tục hành chính, các giao dịch điện tử được chính xác, nhanh chóng, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia đã ký, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Qua một năm triển khai thực hiện, Đề án 06 và đã đạt được kết quả rất quan trọng, tạo nhiều chuyển biến đột phá trong chuyển đổi số quốc gia và được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Có thể điểm lại một số điểm nhấn quan trọng, cụ thể như ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và CCCD gắn chip để Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%); Phân cấp triển khai đăng ký xe máy về hơn 2000 cấp xã, tổ chức cấp hộ chiếu online; sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT trong khám chữa bệnh (đến nay đã có 12.427 đạt 96,99% cơ sở y tế trên toàn quốc sử dụng), thay thế thẻ ATM trong giao dịch ngân hàng;…

Theo Bộ Công an, đến nay đã có trên 80 triệu thẻ CCCD gắn chíp điện tử được cấp. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử, góp phần cải cách hành chính phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hoạt động nghiệp vụ khác…

Dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu CCCD, Bộ Công an đã xây dựng thành công hệ thống định danh và xác thực điện tử làm nền tảng cho việc thiết lập và cung cấp thành công dịch vụ công trực tuyến và phát triển thương mại điện tử. Đây là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của kinh tế – xã hội trên môi trường mạng, thay vì việc sử dụng chứng minh thứ nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu,…

Định danh điện tử được xác định là yếu tố quan trọng để thực hiện các giao dịch điện tử, hướng tới sự phát triển của chính phủ số, hoàn thành chủ chương chính phủ điện tử của Việt Nam. Hệ thống định danh và xác thực điện tử góp phần đem lại các tiện ích cho công dân và các thành phần xã hội khác, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong chuyển đổi số.

Đối với công dân, đây là công cụ để người dân có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử đảm bảo tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả như thực hiện các giao dịch với phương pháp truyền thống (giấy tờ tùy thân, gặp mặt trực tiếp,…).

Thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử, công dân có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo giúp các giao dịch được an toàn.

Đồng thời, việc tích hợp các loại giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử giúp công dân giảm thiểu các giấy tờ tùy thân, chỉ cần sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia là có thể đảm bảo các thông tin về giấy tờ đã được tích hợp đầy đủ hiệu lực pháp lý để sử dụng thay thế giấy tờ vật lý truyền thống cũng như sử dụng trên môi trường điện tử. Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, bảo mật, tin cậy.

Nhờ đó, xây dựng hệ sinh thái tạo ra tiện ích cho người dân trên mọi lĩnh vực như: dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử.

Đối với cơ quan, tổ chức, việc kết nối đến hệ thống định danh điện tử, sử dụng định danh điện tử đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả, xác thực chính xác thông tin công dân và các loại giấy tờ tùy thân đã được tích hợp.

Các cơ quan, tổ chức có thể giảm thiểu nguồn nhân lực, tiết kiệm thời gian, giảm bớt chi phí lưu trữ và in ấn các loại giấy tờ khi người dân sử dụng định danh điện tử. Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức có thể thực hiện giải quyết trực tuyến các thủ tục hành chính cho người dân đảm bảo chính xác, nhanh chóng, hiệu quả, đặc biệt giúp giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Đối với doanh nghiệp, việc sử dụng các dịch vụ định danh điện tử đảm bảo an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả, xác thực chính xác thông tin công dân và các loại giấy tờ tùy thân đã được tích hợp khi được sự đồng ý của công dân.

Định danh điện tử cũng cung cấp cho doanh nghiệp một phương thức thanh toán đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu các thủ tục về giấy tờ.

Đối với cơ quan quản lý, việc thực hiện quản lý hành chính công trên môi trường điện tử thay thế môi trường truyền thống giúp giảm thiểu nguồn nhân lực, giảm phiền hà, giấy tờ, chi phí khi giải quyết các thủ tục hành chính.

Điều này vừa tạo thuận lợi cho người dân, vừa thuận tiện trong công tác quản lý, thông tin luôn được cập nhật, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng. Từ công tác triển khai thực tế, cơ quan quản lý có thể phân tích các tính năng được sử dụng nhiều, các kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc để phục vụ công tác tham mưu, hoạch định chính sách, giúp điều hành phát triển kinh tế đất nước.