Thành lập từ năm 2011, mục tiêu của AVSE là kết nối nguồn lực chất xám ở nước ngoài để hướng về xây dựng quê hương. Ông đánh giá gì về việc thực hiện mục tiêu này sau 5 năm?
Xây dựng và kết nối để đưa chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước là việc không đơn giản. Ngoài những khó khăn về địa lý và ngành nghề, việc tìm ra những dự án cụ thể ở Việt Nam để họ tham gia là trở ngại lớn.
Sau 5 năm, AVSE đã hoàn thành cơ bản công tác triển khai các định hướng mục tiêu đề ra. Cụ thể, chúng tôi đã xây dựng xong công tác tổ chức của Hội với những đầu tàu phụ trách các mảng công tác chính (Đào tạo quản lý bậc cao, Nghiên cứu, Hợp tác phát triển, Xây dựng nguồn lực và mạng lưới, Thông tin truyền thông), có cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm (khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, phát triển bền vững, đổi mới và sáng tạo công nghệ), đã và đang triển khai nhiều dự án và báo cáo tư vấn chính sách với Việt Nam (cả cấp Trung ương và tỉnh thành), làm cầu nối hợp tác giữa Việt Nam với quốc tế, đặc biệt là Pháp. Chúng tôi cũng phối hợp với nhiều đối tác để tổ chức nhiều hội thảo khoa học và chuyên gia ở Việt Nam để thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế, ví dụ như Ngày chuyên gia về quy hoạch đô thị và hội thảo quốc tế về tài chính – ngân hàng ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam tiếp Giáo sư Nguyễn Đức Khương ngày 28/12 tại trụ sở Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Cảnh Tiêu) |
Ông từng nói AVSE sẽ xây dựng được một cơ sở dữ liệu mà trong đó thông tin về từng thành viên và chuyên môn của mỗi người được đăng tải để đội ngũ trí thức Việt Nam có thể liên hệ khi cần thiết?
AVSE lấy nòng cốt tại Pháp và phát triển mạng lưới ra quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có cộng đồng người Việt đông đảo như Mỹ, Canada, Australia, Nhật,… Công việc này đang tiến triển tốt và chúng tôi không chỉ tập trung vào chuyên gia trí thức người Việt mà cả đồng nghiệp quốc tế quan tâm đến hợp tác phát triển với Việt Nam. Quan điểm xây dựng cơ sở dữ liệu của chúng tôi là chọn lọc theo chủ đề, tính chất chuyên gia cao và phải sử dụng được. Chúng tôi thường mở rộng mạng lưới theo yêu cầu dự án cụ thể và không đặt nặng số lượng chuyên gia. Với sự phát triển của kinh tế số, kinh tế chia sẻ và công nghệ tiến bộ, việc thu thập, tập hợp thông tin chuyên gia trở nên rất đơn giản. Chúng tôi quan tâm đến việc đưa chuyên gia về Việt Nam làm gì, cơ chế phối hợp như thế nào với các đối tác trong nước.
Vừa rồi, chúng tôi có dịp phối hợp với Uỷ ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) để huy động chuyên gia và trí thức tham dự Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”. Cách làm của chúng tôi đưa đến nhiều kết quả tốt.
Được biết, tại Hội nghị này, AVSE đã đề xuất một số giải pháp để phát triển TP. Hồ Chí Minh. Với những thành phố khác thì thế nào?
Chúng tôi suy nghĩ đồng hành cùng các cơ quan của TP. Hồ Chí Minh trên 3 chủ đề chính: hệ sinh thái dữ liệu mở (Open Data), cơ chế thúc đẩy đầu tư nước ngoài từ các nhà đầu tư bền vững và giải pháp nâng cấp chất lượng giảng dạy và nghiên cứu sau phổ thông. Hiện Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã chính thức giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với AVSE thực hiện dự án Open Data nhằm phục vụ quản lý, điều hành và thúc đẩy phát triển kinh tế. Giám đốc điều hành của AVSE - anh Vũ Ngọc Anh là người trực tiếp điều phối dự án này.
Theo anh Vũ Ngọc Anh và nhóm dự án, hệ sinh thái dữ liệu mở mang lại nhiều lợi ích. Việc hệ thống hóa, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu công và bán công sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc xây dựng chính sách và quản lý hành chính công của TP. Hồ Chí Minh. Thêm vào đó, việc công bố các dữ liệu công theo lộ trình nhất định sẽ làm tăng niềm tin của người dân thành phố vào bộ máy hành chính, qua đó nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực xã hội vào các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội. Ngoài ra, quá trình hệ thống hóa dữ liệu công còn tạo ra một nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ số, vốn sử dụng nhiều dữ liệu, để tạo ra các dịch vụ có ích cho người dân và doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, hệ sinh thái dữ liệu mở là yêu cầu mới trong quản lý và hoàn toàn có thể ứng dụng triển khai ở các tỉnh, thành khác.
Giáo sư Nguyễn Đức Khương. |
Với sự hỗ trợ và hợp tác tích cực từ trong nước, AVSE sẽ có những sáng kiến gì trong thời gian tới?
Chúng tôi có được sự ủng hộ của cộng đồng chuyên gia, trí thức mong muốn đóng góp cho sự phát triển của nước nhà, và sự quyết tâm, tin tưởng từ các đối tác trong nước. Uỷ ban Nhà nước về NVNONN, đặc biệt là Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam đã hỗ trợ chúng tôi hết sức hiệu quả trong công tác kết nối và hợp tác với trong nước. Hiện tại, chúng tôi cần tiếp tục nỗ lực tổ chức, phát triển mạng lưới và nguồn lực, đồng thời bàn thảo với các đối tác trong nước cơ chế sử dụng và đãi ngộ chuyên gia phù hợp với công việc và thời gian của họ.
Sắp tới, chúng tôi dự kiến triển khai hai hội nghị thượng đỉnh về Kinh tế số và Phát triển bền vững để quy tụ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các tập đoàn – doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu… để thảo luận các xu hướng tương lai, những kinh nghiệm quốc tế về hai chủ đề trên. Có thể nói, chúng tôi đã sẵn sàng cho những dự án cụ thể, có quy mô lớn, và đội ngũ chuyên gia và trí thức NVNONN có thể tham gia.
Không chỉ là Chủ tịch AVSE, ông từng là Chủ tịch Hội Tài chính người Việt trên thế giới (VFAI), tham gia sáng lập và là một trong các thành viên chủ chốt của Nhóm Biển Đông tại Pháp. Ông kết nối các hoạt động của các tổ chức này thế nào?
Mỗi đơn vị có mục tiêu, mục đích riêng. Tuy nhiên, điểm giống nhau là chúng tôi đều muốn Việt Nam phát triển sánh vai cùng các nước lớn, có vị thế và vai trò trong thúc đẩy hoà bình và tiến bộ của thế giới.
Ông có suy nghĩ gì về vấn đề thu hút trí thức kiều bào vào xây dựng đất nước đang được Nhà nước đặc biệt quan tâm hiện nay? Điều gì khiến ông trăn trở khi nghĩ về quê hương?
Tiềm năng trí thức và chuyên gia rất lớn. Tôi nghĩ là chúng ta đang đi đến gần đích, nhưng cần quyết tâm thực hiện đến cùng việc xác định nhu cầu sử dụng và cơ chế sử dụng và đãi ngộ. Lúc đó ta mới đánh giá được hiệu quả thực tế.
Tôi cũng giống như nhiều chuyên gia và trí thức khác. Mong muốn của chúng tôi là phát huy hết sức mạnh người Việt trong và ngoài nước để xây dựng và phát triển đất nước. Đó thực sự là niềm tự hào dân tộc.
Xin cảm ơn ông!
Giáo sư Nguyễn Đức Khương là người Việt đầu tiên được xếp thứ 7/200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới do dự án RePEc (dự án nghiên cứu kinh tế học - Research Papers in Economics) bầu chọn. Danh sách 200 nhà kinh tế trẻ này được chọn ra từ 18.625 nhà nghiên cứu kinh tế thế giới có ấn phẩm khoa học mọi thể loại và xuất bản từ 10 năm trở lại đây. Ông hiện là Giáo sư Tài chính, Phó Giám đốc hợp tác khoa học quốc tế và nghiên cứu, Trưởng khoa Kinh tế - Tài chính tại Học viện Quản lý và Quản trị Kinh doanh Paris (IPAG Business School), Pháp. |