Hà Nội đã trở thành một đô thị hiện đại với dân số tính đến đầu năm 2024 là 8,5 triệu người. (Ảnh: Linh Chi) |
Với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới, những công trình giao thông, hạ tầng đô thị... của Hà Nội đã phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Thành phố đang chuyển mình từng ngày để sánh ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Những điểm đột phá lớn
Hệ thống các tuyến đường cao tốc hướng tâm kết nối Hà Nội và các địa phương là một trong những điểm đột phá lớn của giao thông Thủ đô nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Tin liên quan |
Hà Nội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo 'chất riêng' cho nền kinh tế |
Đến nay, Hà Nội có nhiều tuyến cao tốc hướng tâm được đưa vào khai thác, có thể kể đến như: Hà Nội-Lào Cai; Pháp Vân-Cầu Giẽ; Hà Nội-Hải Phòng; Láng-Hòa Lạc-Hòa Bình; Hà Nội-Thái Nguyên; Hà Nội-Lạng Sơn... Việc hình thành mạng lưới cao tốc, quốc lộ này giúp kết nối giao thông thuận tiện, nâng cao năng lực vận tải, góp phần thúc đẩy các hành lang kinh tế quan trọng của khu vực phía Bắc.
Về hạ tầng đô thị, Hà Nội đã trở thành một đô thị hiện đại với dân số tính đến đầu năm 2024 là 8,5 triệu người (theo Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Nhiều khu đô thị mới, khu kinh tế mở đã ra đời, như khu đô thị Ciputra, Times City, Royal City, Vinhomes Riverside… hay khu vực phía Tây Hà Nội (Từ Liêm, Cầu Giấy).
Những tòa nhà chọc trời như Keangnam, Lotte Center thay thế những ngôi nhà nhỏ bé xưa kia, tạo nên diện mạo hoàn toàn mới cho Thủ đô. Các quận mới như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đông Anh đang phát triển thành những đô thị hiện đại, đồng bộ.
Không chỉ thế, giao thông hiện đại đã giúp thành phố "thay da đổi thịt". Các công trình như: cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, đường Vành đai 2, đường Vành đai 3 và các tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông, sân bay quốc tế Nội Bài mở rộng đã được hoàn thành và đưa vào khai thác.
Nhờ đó, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện, giao thương thuận tiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội cũng tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.
Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; 510/579 số xã, phường thị trấn; 65/75 bệnh viện; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, THPT; 27/27 các khu, cụm công nghiệp lớn; 33/37 các khu đô thị; 23/24 làng nghề; 23/25 khu di tích lịch sử, văn hóa, khu du lịch; kết nối với nhiều tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc...
Hệ thống cầu bắc qua sông cũng là điểm nhấn nổi bật trong mạng lưới giao thông Thủ đô. Thời gian qua, hàng loạt cầu vượt sông được xây dựng mới hoặc mở rộng như các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống: Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Đông Trù... Đây đều là những công trình quy mô lớn, đáp ứng lưu lượng phương tiện cao, rút ngắn khoảng cách, thúc đẩy giao thương.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ Thủ đô cũng phát triển mạnh mẽ. Các trung tâm thương mại hiện đại như Vincom, Aeon Mall, Lotte, cùng với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở khắp các quận/huyện đã dần bổ sung và thay thế cho những khu chợ truyền thống. Hà Nội là một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu của Việt Nam. Thành phố đã đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng công nghệ, phát triển các khu công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo...
Một đoạn của tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Việt Hùng) |
Phát triển hạ tầng giao thông khung mạch lạc, mới mẻ và hiệu quả
Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, có 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội. Trong đó, có 6 cầu hiện hữu gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (đã hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh.
Theo quy hoạch, Thủ đô sẽ cải tạo, nâng cấp cầu Long Biên thành cầu cho đường bộ đi riêng. Xây dựng mới các cầu, hầm gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (trên đường vành đai 4), Tứ Liên, Trần Hưng Đạo... Xây dựng 8 cầu qua sông Đuống, trong đó có 4 cầu hiện đang sử dụng gồm: Cầu Đuống (dùng chung cho đường sắt, đường bộ), Phù Đổng 1, Phù Đổng 2, Đông Trù. 4 cầu xây dựng mới gồm: Cầu Đuống mới, Giang Biên, Mai Lâm, Ngọc Thụy.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang xây dựng đường vành đai 4. Đường vành đai 5 theo quy hoạch gồm các đoạn đi mới và các đoạn đi trùng đường hiện tại với tổng chiều dài khoảng 375km, quy mô tối thiểu 4 làn xe, qua các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Đồng thời, xây dựng mới các trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, tổng chiều dài khoảng 90km gồm: Trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây-Ba Vì, trục Hà Đông-Xuân Mai, trục Ngọc Hồi-Phú Xuyên.
Như vậy, Thủ đô khi không chỉ mở rộng các trục đường giao thông chính mà còn xây dựng các cầu vượt, hầm đường bộ tại những nút giao thông trọng điểm. Nhiều điểm thường xuyên gặp cảnh ùn tắc giao thông đã được cải thiện, giúp người dân đi lại dễ dàng và thuận tiện hơn.
Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội) cho hay, Hà Nội đã đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ khởi công 7 công trình trọng điểm.
Trong đó có tuyến đường Bái Đính - Ba Sao kết nối khu vực phía Nam Thủ đô đến Mỹ Đình; cầu Vân Phúc kết nối với Vĩnh Phúc; nút giao Vành đai 3 - Đại lộ Thăng Long; đường gom phía Đông của đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; hầm chui nút Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy; cầu Hồng Hà; cầu Mễ Sở.
“Nếu kịp thời, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thành phê duyệt đấu thầu để khởi công cầu Thượng Cát vào cuối năm. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông khung đang được tiến hành theo một trình tự khoa học, lựa chọn ưu tiên những dự án quan trọng, tạo thành vệt nối giao thông liền mạch với từng khu vực", ông Phan Trường Thành khẳng định.
Từ việc phân loại ưu tiên đầu tư, điều chỉnh dự án theo thực tiễn cho đến tính toán đa nhiệm với từng công trình, chuyên gia giao thông, Th.S Đỗ Cao Phan khẳng định, Hà Nội đang cho thấy tư duy đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông khung rất mạch lạc, mới mẻ và hiệu quả.
| Hà Nội liên tục 'chuyển động', sẵn sàng đón thêm làn sóng đầu tư mới 8 tháng đầu năm 2024, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Hà Nội là điểm sáng nổi bật trong bức ... |
| Kinh tế Hà Nội 'vươn mình', tiếp tục hành trình phát triển tuần hoàn, bền vững Trong 70 năm qua (10/10/1954-10/10/2024), Thủ đô Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những đô thị lớn của khu vực Đông Nam ... |
| Người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý Sở Công Thương Hà Nội đã khai mạc Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024 vào tối 2/10, tại Công ... |
| Hà Nội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo 'chất riêng' cho nền kinh tế 70 năm kể từ ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), kinh tế Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to ... |
| Hà Nội phát huy lợi thế, mạnh mẽ hành động, bứt phá hút vốn FDI chất lượng cao Với lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ của chính ... |