Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng năm 2022 của Bộ Công Thương, tính chung 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đã vượt 200 tỷ USD (đạt 216,35 tỷ USD) và tăng tới 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả ấn tượng nhận được không chỉ cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp mà còn đến từ việc khai thác hiểu quả các thị trường có FTA của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ chốt.
Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tăng trưởng nhờ khai thác hiệu quả các FTA. (Nguồn: ILO) |
Động lực quan trọng cho xuất khẩu
Tại Tọa đàm "Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các FTA" ngày 16/8, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, có quan hệ thương mại với 230 quốc gia, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế.
Các FTA này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Có thể kể đến một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường có FTA như: Mỹ, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tin liên quan |
Xuất khẩu ngày 6-10/6: Lướt 'cao tốc' EVFTA, gạo Việt đánh bật gạo Thái tại thị trường Bắc Âu; xuất khẩu chuối sang Trung Quốc tăng vọt |
Đối với thị trường các nước thành viên Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), xuất khẩu sang thị trường EU năm 2021 đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm trước.
Năm 2021, với FTA Việt Nam-Anh (UKVFTA), xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh ghi nhận mức tăng 16,4%, đạt 5,8 tỷ USD.
Hiện tại, trong giai đoạn dịch Covid-19 đã được kiểm soát, triển vọng xuất khẩu vào những thị trường trên vẫn tiếp tục tăng.
Các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết thêm, nhiều nước cũng đang triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu. Chính vì vậy, thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đã có FTA được dự báo sẽ khả quan, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng, xuất khẩu hiện nay trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Trước khi cải cách và Đổi mới, xuất khẩu của nước ta rất nhỏ nhưng từ khi có Đổi mới với rất nhiều chính sách của Nhà nước về tự do hóa đối với thương mại và hội nhập quốc tế thì xuất khẩu của Việt Nam đã có những bước nhảy vọt.
“Hiện nay, có thể đánh giá, chúng ta là một trong những cường quốc xuất khẩu của thế giới khi xếp hạng 24 trong số 240 nền kinh tế. Dù trong bối cảnh Covid-19, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 336 tỷ USD. Đây là con số rất lớn. Về tăng trưởng xuất khẩu, dù trong đại dịch, xuất khẩu vẫn tăng 2 con số, tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới’’, ông Phương dẫn chứng.
Ông Phương cũng thông tin, Việt Nam là một trong những nước tích cực nhất nhì trong ASEAN về ký kết các FTA, chỉ sau Singapore.
Trong các FTA đã đàm phán và ký kết, có nhiều FTA đạt chất lượng cao, bao trùm nhiều nền kinh tế lớn của thế giới.
Ở chiều ngược lại, các FTA này cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp cả trên sân nhà và trên thế giới, đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về hàng rào kỹ thuật cho các doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của các thị trường đó mới có thể tham gia các sân chơi này.
Để thúc đẩy xuất khẩu phát triển theo hướng bền vững, ông Lê Quốc Phương cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, đảm bảo thực thi để xuất khẩu chuyển mạnh tăng về chất lượng, giá trị gia tăng, tăng được tỉ lệ nội địa hoá, công nghệ cao hơn.
Thêm nữa, cần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp để vươn lên ngang bằng với các doanh nghiệp có vốn đầu trư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiều lĩnh vực.
Thương vụ phải tích cực, chủ động hơn nữa
Góp phần làm nên câu chuyện thành công của xuất khẩu Việt Nam và khai thác hiệu quả các lợi thế từ FTA, không thể không kể đến vai trò của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là hệ thống Thương vụ.
Tại Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức chiều 19/8, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong những năm qua, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, đây là sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam.
Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc chặt chẽ của các Hiệp hội doanh nghiệp, đã bám sát chỉ đạo để đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa.
Đồng thời, Việt Nam đã đi trước một bước bằng việc mở cửa thị trường thông qua ký kết hàng loạt FTA để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Các nước đã bày tỏ sự khâm phục với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh Covid-19.
Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, chiều 19/8. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, thời gian tới, bối cảnh môi trường quốc tế dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí khó khăn hơn, đặc biệt là đứt gãy chuỗi cung ứng xuất khẩu hàng hóa.
Với tình hình như vậy, để thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng giao, trước hết, cần phải có chiến dịch đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, cần xây dựng chiến lược (trung và dài hạn) ngay từ bây giờ với những mặt hàng trọng điểm tại các vùng trọng điểm để có sự điều hành thống nhất, bài bản, tạo ra chuỗi liên kết trong xuất khẩu.
"Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện đạt trên 600 tỷ USD nhưng cơ cấu về sản phẩm nông nghiệp chưa đến 10%, vì vậy, cần phải tiếp tục đẩy mạnh vấn đề này. Để làm được việc này, trong xây dựng chiến lược, phải tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Đồng thời, theo dõi đúng, sát với thị trường tại các nước. Lúc này, vai trò của Cơ quan đại diện Thương vụ là vô cùng quan trọng, phải báo cáo kịp thời thông tin về khả năng biến động, nhu cầu của thị trường", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ rõ.
Ngoài ra, Việt Nam phải khai thác tối đa các thị trường trong có FTA, trong đó, Việt Nam và các doanh nghiệp phải đẩy mạnh hình thành các liên minh, khai thác thế mạnh của EU để liên kết với các thị trường khác. Không những thế, Việt Nam cũng phải tiếp tục khai thác thị trường của Liên minh các nước Á Âu, các nước Trung Đông, châu Phi...
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.
Ví dụ như trong hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối giao thương trực tuyến, giúp tìm đầu ra cho hàng xuất khẩu của Việt Nam; Thực hiện hàng trăm sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài; Tìm nguồn nguyên liệu từ Ấn Độ, Hàn Quốc cho ngành dệt may, da giày sản xuất, xuất khẩu trong thời gian chuỗi cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn từ Trung Quốc; Tìm nguồn than đá từ Australia, Nam Phi, Lào cho nhu cầu sản xuất điện của nền kinh tế; Hỗ trợ thu hồi hơn 100 container điều của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Italy có nguy cơ bị chiếm đoạt hay hỗ trợ giải cứu các container hồ tiêu Việt Nam mắc kẹt ở Nepal.
Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực đang biến đổi nhanh chóng, khó lường. Cụ thể là căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; Đứt gãy chuỗi cung ứng; Chính sách bảo hộ thương mại; lạm phát gia tăng, nhiều đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp do tổng cầu giảm; Chính sách thắt chặt tiền tệ và chính sách Zero Covid ở một số nơi. Với quy mô ngoại thương lớn và độ mở cao (trên 200% GDP), thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam dự báo sẽ chịu nhiều tác động mạnh mẽ theo hướng kém thuận lợi hơn.
"Trong bối cảnh thế giới đã và đang thay đổi, chúng ta cũng buộc phải thay đổi theo. Ngành Công Thương và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phải tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác phát triển thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa chuỗi cung ứng", Thủ tướng nhấn mạnh.
| Tận dụng ưu thế từ các FTA, nâng cao chất lượng, nông sản Việt tiếp tục ‘bay cao, bay xa’ Với việc hạn ngạch 80.000 tấn ưu đãi thuế suất 0% từ EVFTA chưa được lấp đầy trong năm 2021, trong khi xu thế sử ... |
| Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp trước tác động của xung đột Nga-Ukraine Kết thúc tháng 2/2022, xuất nhập khẩu vẫn giữ đà khởi sắc; trong đó, xuất khẩu duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số. ... |
| Bộ Công Thương giải đáp nhiều thắc mắc liên quan tình trạng ùn ứ nông sản Chỉ khi nào các doanh nghiệp lớn tham gia và đưa thành các chuỗi, tìm cách phối hợp với nông dân và đạt được tiêu ... |
| Vận dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại trên các 'sân chơi' FTA Theo nhận định từ các chuyên gia, công cụ phòng vệ thương mại được dự báo sẽ trở thành "trụ cột" để đảm bảo thương ... |
| Chủ động lấp lỗ hổng kiến thức về các FTA, tuân thủ luật chơi và gặt hái trái ngọt Tham gia lưu thông trên 'hệ thống cao tốc' FTA, doanh nghiệp Việt cần tuân thủ luật chơi, chủ động dấn thân để thu về ... |