ThS Giáo dục Lê Trường An chia sẻ về phát ngôn của người nổi tiếng và những hệ lụy. (Ảnh: NVCC) |
Đó là những phát ngôn liên quan tới hình thể của những người nổi tiếng từ những người có sức ảnh hưởng.
Đầu tiên phải kể đến phát ngôn - bình luận của một MC nổi tiếng về ca sĩ Đức Phúc. Nghệ sĩ đàn anh này vô tư ví von ngoại hình của đồng nghiệp với... hải ly. Và đây không phải lần đầu tiên nam MC này bị chỉ trích sử dụng ngôn ngữ có tính miệt thị ngoại hình với đồng nghiệp với mục đích gây cười.
Kế đến, Chủ tịch Miss Grand International – Nawat Itsaragrisil - cũng thổi bùng ngọn lửa bất bình của cộng đồng người Việt quan tâm tới hoa hậu và đời sống giải trí khi có “giải thích” về việc Đoàn Thiên Ân, thí sinh của cuộc thi không vào được top 10.
Theo đó, ông Nawat đã có những lời lẽ cũng bị xem là miệt thị ngoại hình đối với thí sinh Việt Nam dù sau đó có giải thích thêm rằng, chỉ là nói rõ lý do với ngôn ngữ bình thường.
Ở cuộc thi này, người hâm mộ Việt Nam đa số không phục với quyết định của Ban giám khảo vì cho Thiên Ân dừng lại ở top 20.
Không bàn về phản ứng của khán giả Việt có hợp lý không, hoặc có thái quá như một số bình luận trên mạng xã hội, nhưng việc “đối đáp” đầy khó chịu từ Chủ tịch một cuộc thi hoa hậu thế giới với thông điệp hòa bình (được nêu cao) cho thấy cách xử lý tình huống này của ông Nawat khá vụng về.
Ông Nawat đã “châm dầu vào lửa” khi lời nói của mình chứa từ trường bực bội trước phản ứng của khán giả, nhất là khi lượt theo dõi trang chính thức của Miss Grand International giảm chóng mặt, đến 1/3 lượng người trước đó đã follow. Cay cú trong lời nói, từ nội dung đến năng lượng chuyên chở trong từng câu chữ luôn khiến cho người nghe cũng khó chịu theo. Hay, năng lượng tiêu cực được kích hoạt trong người khác từ ngôn từ chứa bạo lực là có thật và hậu quả của nó là khó lường. Tính sát thương và hậu quả ấy càng lớn hơn khi nó được phát ngôn bởi người nổi tiếng.
Công chúng có quyền mong mỏi và kỳ vọng người nổi tiếng một lối sống chuẩn mực vì sức ảnh hưởng của họ đối với cộng đồng. Do vậy, trước khi làm người của công chúng thì việc học cách để trở thành người nổi tiếng, trong đó có cẩn trọng lời nói phải được thực tập/ kiềm chế để tránh hại mình hại người.
Có rất nhiều người nổi tiếng nói và làm những việc thiếu cân nhắc đã gây tổn thương sâu sắc đến cộng đồng, thậm chí thành lối sống lệch lạc của những người thần tượng họ, nhất là giới trẻ. Và cũng có những phát ngôn thiếu kiểm chứng, sai lệch khiến người nổi tiếng bị vạ miệng, công chúng tẩy chay hoặc phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan. Thời điểm nhạy cảm của đại dịch Covid-19, đã có những người nổi tiếng ở Việt Nam bị phạt chỉ vì phát ngôn không đúng trên mạng xã hội.
Có thể thấy, nhất cử nhất động của người nổi tiếng đều được nhìn vào để trở thành tấm gương sáng hoặc thành làn sóng phẫn nộ, tạo ra năng lượng tiêu cực cho xã hội. Những bài học sống động như phát ngôn của ông Nawat, Trấn Thành gần đây có thể không mới nhưng không bao giờ là cũ trong ứng xử trước công chúng của người nổi tiếng.
Tất nhiên, là con người, ai cũng có lúc lỡ lời, nóng nảy rồi phát ngôn gây sát thương, tự phá nát uy tín, làm hư hỏng lương tâm của mình, khiến giá trị bản thân bị hoen ố… Nhưng, phía sau những lỗi phát ngôn nếu có sự chân thành xin lỗi và sửa sai một cách đúng đắn thì đó lại là cách nâng tâm hồn, nhân cách cũng như sự tín nhiệm của người đó trước công chúng, khán giả.
Trong rất nhiều lỗi lầm nghiêm trọng, cộng đồng còn biết “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại” thì một phát ngôn thiếu thận trọng, gây sát thương có thể được “rút lại” bằng thấy sai, sửa sai. Tin rằng, công chúng cũng sẽ bao dung.