Không thể phủ nhận sự phát triển của mạng xã hội mà mang lại rất nhiều lợi ích cho con người, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Bên cạnh những mặt tích cực nhằm kết nối tình cảm, công việc cùng các mối quan hệ xã hội, mạng xã hội cũng ngày càng trưng ra nhiều khuôn mặt xấu xí và tiêu cực.
“Mã độc” từ chính cái miệng phát ngôn của người sử dụng mạng xã hội lại càng nguy hiểm. (Nguồn: Luatgiaiphong) |
Đáng chú ý, thời gian qua, mạng xã hội được coi là vũ khí “công kích” hoặc trở thành diễn đàn “bốc phốt” chuyện cá nhân.
Sau những màn đấu tố ồn ào cùng những phát ngôn “vạ miệng”, tình trạng livestream quảng cáo và PR “vô tội vạ" của một số người nổi tiếng và nghệ sĩ Việt tiếp tục là vấn đề nhức nhối, khiến công chúng không khỏi phẫn nộ.
Lâu nay, hình ảnh và đời sống cá nhân của người nghệ sĩ luôn được người hâm mộ và công chúng quan tâm. Mạng xã hội có thể giúp nghệ sĩ quảng bá được tên tuổi nhưng cũng là nơi họ có những phát ngôn chủ quan, thiếu ý thức, thậm chí mất kiểm soát.
Bởi vậy, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hoá nghệ thuật.
Văn bản này nêu rõ, gần đây một số nghệ sĩ, diễn viên có hoạt động PR, quảng cáo có nội dung không đúng; sử dụng mạng xã hội truyền tải thông tin chưa xác thực, thiếu kiểm chứng, xúc phạm cá nhân; một số tổ chức, cá nhân phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, truyền thống của dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, nhân phẩm, làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sĩ…
Bộ VHTT&DL yêu cầu lãnh đạo đơn vị quản lý các nghệ sĩ, diễn viên (công lập và ngoài công lập) tăng cường phổ biến các quy định pháp luật, định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thuộc đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín của bản thân đối với cộng đồng, xã hội, đồng thời có quy chế quản lý, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp có sai phạm.
Khi trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cũng nhấn mạnh: “Đã là nghệ sĩ, là người của công chúng và là người có ảnh hưởng thì dẫu khi hoạt động nghề nghiệp hay đi bất kì đâu, kể cả trên trang mạng xã hội cá nhân cũng phải giữ gìn hình ảnh của mình và trên hết trách nhiệm của một công dân. Công chúng không bao giờ chấp nhận người làm văn hóa, nghệ thuật mà lại có những hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu văn hoá”.
Một năm trước đây, trong các phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã xác định “làm sạch không gian mạng” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và rất quyết liệt.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, Bộ Công an đã tích cực xây dựng các văn bản có liên quan để triển khai thực hiện, xử lý vấn nạn tin sai và tin giả cũng như triển khai chiến dịch rà quét mã độc trên các trang mạng.
Tuy nhiên, với hiện tượng gây bức xức gần đây, chúng ta lại thấy rằng “mã độc” từ chính cái miệng phát ngôn của người sử dụng mạng xã hội lại càng nguy hiểm hơn rất nhiều lần.
Có thể nói, bài học từ chuyện phát ngôn bất nhất của các nghệ sĩ là một hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta thấy được rằng chỉ có hành xử và phát ngôn có văn hóa mới là chiếm giữ được tình cảm lâu bền trong lòng công chúng.
Đã đến lúc, những người nổi tiếng và ngay cả nhưng cư dân mạng cần phải ý thức mạnh mẽ được trọng lượng cũng như hậu quả từ các phát ngôn trên mạng xã hội của chính mình.