Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: H.A) |
Đây là diễn đàn kết nối nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển hiệu quả ngành công nghiệp bò và sữa tại Việt Nam; hỗ trợ kết nối, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung cấp của ngành, từ lĩnh vực chăn nuôi bò, chế biến, kinh doanh đến xuất nhập khẩu các sản phẩm thịt bò và sữa.
Trong đó, ANZ và MLA đóng vai trò kết nối các doanh nghiệp ngành bò của Australia với Việt Nam, BIDV là đơn vị kết nối doanh nghiệp của Việt Nam đồng thời đề xuất các giải pháp hữu ích cho ngành.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh giải pháp phát triển ngành công nghiệp bò và sữa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó phải xây dựng được chuỗi liên kết để doanh nghiệp, nông dân chăn nuôi bò; Đồng thời, cải thiện vấn đề con giống, chất lượng dinh dưỡng để chuẩn bị cho tiến trình hội nhập mà chăn nuôi là một trong những ngành chịu tác động lớn nhất.
Chăn nuôi bò và bò sữa là ngành có rất nhiều tiềm năng. Các cơ chế, chính sách của Chính phủ cho việc phát triển chăn nuôi và giống, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cũng đã có đầy đủ. Chính vì thế, ngành chăn nuôi bò và phát triển sữa theo chuỗi cần định hình được khâu lợi thế, để tập trung đầu tư, tránh tình trạng sản xuất phân tán, không hiệu quả.
Theo các diễn giả, hiện nay, Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nền kinh tế lớn, đặc biệt là Hiệp định TPP với 12 đối tác, trong đó có nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ. Trong quá trình hội nhập, ngành chăn nuôi như nuôi bò thịt, bò sữa sẽ đón nhận những cơ hội để phát triển như tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu để vươn ra thị trường thế giới, tiếp nhận công nghệ hiện đại và giảm chi phí đầu tư, từ đó tạo động lực để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của ngành.
Tuy nhiên, hội nhập cũng đem lại những thách thức rất lớn như: Sự chênh lệch về trình độ phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam so với các nước nông nghiệp phát triển tham gia các FTA với Việt Nam, cạnh tranh lớn khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ với việc Việt Nam tham gia ký kết các FTA cũng như TPP, hạn chế về mặt chất lượng đầu vào giống vật nuôi để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế cũng như chi phí sản xuất cao.
Tham luận tại diễn đàn, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết: BIDV cam kết dành các gói tín dụng ngắn hạn và dài hạn ưu đãi trong giai đoạn 2016 -2020 cho các doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp chăn nuôi bò và sữa. "Bên cạnh đó, BIDV cũng sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ xây dựng chính sách cho địa phương; tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi bò đầy tiềm năng tại Việt Nam”, ông Trần Bắc Hà nhấn mạnh.
Còn theo Tổng Giám đốc ANZ Việt Nam Dennis Hussey, Việt Nam đang tiến bước trên con đường phát triển ngành công nghiệp bò và sữa mang tính hội nhập ở tầm cỡ thế giới. Điều này hứa hẹn tạo thêm nhiều việc làm tại khu vực nông thôn, cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng, và hơn nữa là khả năng đưa Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu thịt và sữa trong khu vực.
Việt Nam hiện có khoảng 2,5 triệu hộ nuôi bò thịt và 24.000 hộ tham gia chuỗi sản xuất chăn nuôi bò sữa (chủ yếu là nhập khẩu con giống từ nước ngoài). Về cơ cấu sản phẩm, lượng thịt bò tiêu thụ cũng còn rất thấp. Năm 2015, sản phẩm toàn ngành đạt khoảng 4,6-4,8 triệu tấn thịt hơi (bao gồm thịt lợn, thịt bò...), trong đó thịt bò chỉ chiếm khoảng 10%. Australia hiện đứng thứ 19 trên 101 quốc gia, lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trong 320 dự án của Australia đang đầu tư vào Việt Nam, lĩnh vực nông nghiệp đứng thứ hai với 15 dự án, tổng vốn đầu tư 115,42 triệu USD (chiếm 7% tổng vốn đầu tư). |
Vinh Hà