📞

Phát triển bền vững: Thay đổi nhỏ sẽ tạo ra tác động lớn

18:08 | 09/11/2016
Thế kỷ 21 là thế kỷ của phát triển bền vững - một khái niệm được nhiều nhà kinh tế, nhà khoa học diễn giải dựa trên ba trụ cột: kinh tế, xã hội, và môi trường theo không gian và thời gian. Nhưng làm thế nào để đạt được sự bền vững ấy?

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững 2016: Sáng tạo để triển khai các mục tiêu phát triển bền vững tổ chức gần đây, ông Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, đánh giá năm 1986 là một thời điểm rất hiếm hoi trong lịch sử, khi chúng ta bước ra khỏi cái cũ để đến với cái mới và đạt được những thành quả đáng tự hào. Nhưng nếu bây giờ chúng ta không tiếp tục đổi mới thì khả năng tụt hậu so với các nước là rất cao, không bắt kịp xu hướng phát triển bền vững trên thế giới.

Thời đại của những thay đổi

Như cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã nói "Điều tôi lo sợ là tính tự mãn. Khi mọi thứ trở nên tốt hơn, mọi người có xu hướng muốn làm ít hơn mà hưởng nhiều hơn", chúng ta phải tiếp tục tiến về phía trước. Những sự tiến bộ không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của những sự lựa chọn mà chính phủ cùng với mọi tầng lớp xã hội cùng nhau đưa ra. Và hiện nay Việt Nam cũng đang đứng trước những lựa chọn như vậy. Vấn đề là chúng ta sẽ hướng tới tương lai với một tâm thế như thế nào?

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Việt)

“Tôi tin Việt Nam sẽ hướng tới tương lai với sự tự tin vào chính mình, tự tin vào những giá trị cốt lõi mà chúng ta gìn giữ, tự tin vào những điều khác biệt mà chúng ta có thể làm được cùng nhau trong bối cảnh kinh tế hiện nay”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Cụ thể, về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết: “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những việc cần phải làm, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt chú trọng đến vấn đề cơ bản của tái cơ cấu là phân bổ lại và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, quyết tâm trở thành một chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ”. Về phía khu vực doanh nghiệp, ông Đam mong muốn hãy phát huy tối đa tinh thần doanh nhân, ý chí khởi nghiệp, tận dụng mọi cơ hội khi người khác chỉ thấy rủi ro, vươn lên mạnh mẽ và phát triển hơn trước.

Phó Thủ tướng dẫn ra câu chuyện về một doanh nhân đứng tuổi thành đạt. Khi một bạn trẻ hỏi ông "Nếu lúc này chú bị phá sản, chú có tiếp tục tìm cách gây dựng lại sự nghiệp kinh doanh không?" thì ông trả lời ngay không do dự "Nếu tôi có một việc làm giúp tôi không bị chết đói thì tôi sẽ tiếp tục làm lại, cho dù tôi bao nhiêu tuổi".

Vẫn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta đang sống trong một thời đại của những thay đổi to lớn và nhanh chóng - những thay đổi trong chính cuộc sống hàng ngày, trong công việc của mỗi chúng ta, xa hơn nữa là thay đổi với cả hành tinh cũng như vị thế của mỗi nền kinh tế trên thế giới này. Sự thay đổi hứa hẹn những đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng cùng với đó là việc sa thải người lao động. Sự thay đổi tạo ra nhiều cơ hội mới cho một số ngành, lĩnh vực, nhưng đồng thời gây trở ngại cho những ngành khác.

Sự thay đổi đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội và môi trường như bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo, ô nhiễm không khí. Sự thay đổi đã dẫn đến sự kiện nước Anh quyết định rời khỏi EU, gây ra chấn động ngắn hạn đến thị trường tài chính toàn cầu.

“Và dù chúng ta có muốn vậy hay không, thì sự thay đổi ấy vẫn sẽ diễn ra với tốc độ nhanh chóng”, Phó Thủ tướng nói.

Một thay đổi nhỏ cũng tạo ra tác động lớn

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu hiện nay trên toàn cầu khi mà việc phát triển dựa vào tài nguyên sẵn có và sử dụng lao động giá rẻ không còn phù hợp; khi mà nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Doanh nghiệp chỉ đơn thuần tạo ra lợi nhuận thì chưa đủ để được gọi là “Doanh nghiệp bền vững”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một doanh nghiệp bền vững sẽ có được 2 loại giấy chứng nhận, 1 là chứng nhận về kinh doanh, và 2 là sự công nhận từ chính những nhân viên, người lao động, các đối tác và cộng đồng. Đây mới chính là giấy thông hành cho doanh nghiệp trên chặng đường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Nhìn nhận riêng đối với khu vực doanh nghiệp, ông Lộc cho biết doanh nghiệp đang rất hồ hởi đón nhận Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ, coi đó là những chính sách kịp thời giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn.

“Thiết nghĩ, không khi nào là quá muộn để làm những việc cần làm, để thay đổi những việc cần thay đổi. Và cũng không nhất thiết phải là sự thay đổi lớn lao. Khi cả xã hội cùng chuyển động về một hướng thì chỉ một sự thay đổi nhỏ cũng sẽ tạo ra tác động lớn”, ông Lộc nhìn nhận.

“Xu hướng phát triển bền vững là con đường tất yếu của một doanh nghiệp, và phi lợi nhuận là xu hướng phát triển chung của các doanh nghiệp xã hội hướng đến cộng đồng trên thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là, người Việt Nam sẽ được hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục như các nước tiên tiến trên thế giới ngay tại đất nước mình, mặt khác sẽ từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế”, đây là mong muốn của Bà Dương Mai Hoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, được bà chia sẻ tại diễn đàn.