TIN LIÊN QUAN | |
Vòi rồng xuất hiện tại đảo Cô Tô | |
Khách quốc tế đến Quảng Ninh tăng mạnh |
Năm 2016, huyện Hoành Bồ đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 34,1% so với năm trước, riêng ngành công nghiệp tăng 13,1%. Với những kết quả thực tế đang khởi sắc, Hoành Bồ có cơ sở để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, lấy công nghiệp là khâu đột phá.
Khai thác tiềm năng địa phương
Khu công nghiệp (KCN) Hoành Bồ nằm trên địa bàn xã Lê Lợi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam từ tháng 6/2009. Mới đây, ngày 27/4/2016, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1239/QĐ-UBND về việc thành lập cụm công nghiệp Hoành Bồ tại xã Thống Nhất. Các khu và cụm công nghiệp này được xác định là nơi giúp huyện khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về nông, lâm, thuỷ sản, khoáng sản… trên địa bàn huyện và các địa phương khác của tỉnh.
Cách thành phố Hạ Long 10km về phía Tây Bắc, KCN Hoành Bồ có diện tích 681 ha, được định hướng phát triển đa ngành: nhóm công nghiệp điện tử, điện lạnh; nhóm ngành công nghiệp vật liệu xây dựng; công nghiệp hàng tiêu dùng; ngành sản xuất các sản phẩm gỗ và trang trí nội thất; nhóm chế biến nông, lâm sản, thuỷ sản; phục vụ việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn huyện.
Còn Cụm công nghiệp Hoành Bồ có tổng diện tích 55,36 ha, được sắp xếp bố trí các cơ sở sản xuất của địa phương thuộc nhóm các ngành nghề: sản xuất, sửa chữa thiết bị; nhóm ngành sản xuất, chế biến nông, lâm sản; sản xuất hàng tiêu dùng; nhóm ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng.
Huyện Hoành Bồ có 3/4 diện tích là đất rừng. |
Công nghiệp được xác định là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế của Hoành Bồ trong tương lai. Cả khu và cụm công nghiệp Hoành Bồ đều có lợi thế về hệ thống giao thông thuận tiện. Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tỉnh lộ 328, đường Trới - Vũ Oai chạy dọc khu công nghiệp giao với đường vành đai phía Bắc TP. Hạ Long tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hoá. Không những vậy, đều nằm tiếp giáp biển nên khi đi vào hoạt động, các nhà máy, xí nghiệp thuộc các khu, cụm công nghiệp trên có thể vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm khá dễ dàng.
Thực tế còn cho thấy, Hoành Bồ có nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dồi dào. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu tốt, cung cấp cho nhóm ngành sản xuất, chế biến nông, lâm sản.
Thành quả ban đầu
Xi măng Thăng Long là một trong những nhà máy lớn thuộc khu công nghiệp Hoành Bồ, đang sử dụng công nghệ và thiết bị hiện đại nhất Việt Nam, với công suất 2,3 triệu tấn/năm. Công ty là một trong số ít đơn vị xuất khẩu thành công xi măng bao mang thương hiệu Việt Nam, đến các thị trường Philippines, Singapore, Campuchia, Peru, Bangladesh, Sri Lanka và Indonesia.
Cùng với Xi măng Thăng Long, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Hoành Bồ đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, nâng cao năng suất và cải tiến chất lượng. Công ty TNHH Hưởng Dung, cùng với phát triển mặt hàng truyền thống là chế biến giấy, còn mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới như trồng và cung cấp hoa tươi cao cấp, xây dựng thương hiệu thanh long ruột đỏ, trồng ba kích tím… Công ty CP Gốm và Xây dựng Hạ Long tiếp tục đầu tư hoàn thiện dây chuyền sản xuất, mở rộng nhiều chủng loại sản phẩm, chủ động tham gia đấu thầu các công trình, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ…
Bằng các giải pháp thiết thực, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện những tháng đầu năm nay ổn định và khởi sắc với giá trị sản xuất đạt 2.605 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, hầu hết các sản phẩm chủ lực của huyện có sản lượng tăng, than sạch 156.000 tấn, tăng 11,4% so với cùng kỳ; xi măng 700.000 tấn, tăng 3%; clanke đạt 620.000 tấn, tăng 65,3%;...
Hiện không ít nhà máy, cơ sở sản xuất đang được hình thành tại Hoành Bồ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế địa phương nói chung và ngành công nghiệp nói riêng như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long do Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long làm chủ đầu tư công suất 2x300MW; Nhà máy gạch Tuynel do Công ty CP Tập đoàn Kinh tế Đông Bắc Hạ Long làm chủ đầu tư, công suất 50 triệu sản phẩm/năm;…
Với sự hình thành của cụm, khu công nghiệp Hoành Bồ, trong tương lai không xa, cơ cấu sản xuất và lao động trên địa bàn huyện chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch lớn, đạt mục tiêu Nghị quyết về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mà huyện đặt ra là đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện chiếm 57% và tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp chiếm 32,4%. Sự phát triển của các nhà máy, doanh nghiệp tại Hoành Bồ, còn được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện nói riêng, của tỉnh nói chung. Chỉ tính riêng Cụm công nghiệp Hoành Bồ, theo quy hoạch, dự kiến nơi đây đã có thể giải quyết việc làm cho khoảng 1.800 lao động.
Đề nghị Quảng Ninh nâng cao chất lượng du lịch trên Vịnh Hạ Long Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa có Văn bản đề nghị tỉnh Quảng Ninh đảm bảo an toàn ... |
Đưa nông nghiệp thành lĩnh vực đầu tư hấp dẫn Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đến Quảng Ninh đầu tư sản xuất nông nghiệp. Xu hướng mới này được kỳ vọng sẽ tạo ... |
Nông nghiệp Quảng Ninh: Nhiều lợi thế, lắm khó khăn Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại Hội nghị “Tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp Quảng ... |