📞

Phát triển công nghiệp văn hóa: Thủ đô Hà Nội làm gì để 'đẻ trứng vàng'?

Quỳnh Anh 16:10 | 27/06/2021
Có rất nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng để biến tiềm năng thành “của cải” thực sự thì Thủ đô Hà Nội cần một cú hích đủ mạnh và những cách làm mới.

Tọa đàm Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây đã thu hút sự tham gia và đóng góp ý kiến tích cực của các chuyên gia trong nước và bạn bè quốc tế.

Một buổi biểu diễn tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. (Nguồn: BTC)

Tư duy đổi mới và sáng tạo

Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một trong hai Nghị quyết chuyên đề của Hà Nội, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khẳng định Hà Nội có bề dày văn hóa truyền thống hơn 1000 năm cũng như hội đủ các thế mạnh, nhưng Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng muốn phát triển ngành công nghiệp văn hóa thì trước hết cần thay đổi suy nghĩ cho rằng văn hóa chỉ là lĩnh vực tiêu tiền. Theo ông, nếu như có cách làm sáng tạo, đây lại là lĩnh vực “hái ra tiền” cho kinh tế của Thủ đô.

Cũng bàn về câu chuyện sáng tạo của Hà Nội, chuyên gia Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo cho biết ông đã thực hiện một khảo sát trên Facebook với 471 người trả lời, thì có đến 67,9% chưa hề biết rằng Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Thành phố Sáng tạo, trong đó 14,6% trả lời chưa biết “thành phố sáng tạo” là gì.

Như vậy, đã hai năm Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố Sáng tạo, nhưng danh hiệu đó dường như mới được những người trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia tiến trình vận động quan tâm. Không ít người không rõ thông tin, thậm chí khái niệm “công nghiệp văn hóa” cũng chưa hiểu đúng.

Là Tổng đạo diễn của Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) - một thương hiệu văn hóa đặc trưng của Hà Nội những năm gần đây, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo vẫn đang được hiểu rất mơ hồ tại Việt Nam. Bởi vậy, việc đánh giá thiếu khách quan sẽ dẫn tới việc định hình, định nghĩa về công nghiệp văn hóa sai lệch và xây dựng kế hoạch thiếu tầm nhìn.

Với lĩnh vực điện ảnh - mảnh đất được coi là màu mỡ để phát triển công nghiệp văn hóa, TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam nhận định, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang vượt xa Hà Nội cả về sản xuất lẫn phát hành, phổ biến phim và thị trường điện ảnh.

Dù Hà Nội đã tổ chức thành công sự kiện Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, nhưng theo bà Ngô Phương Lan, những khó khăn cơ bản của Hà Nội hiện nay là thiếu vắng nhà đầu tư, đội ngũ làm phim chưa đông đảo, hệ thống rạp chiếu chưa thu hút người xem vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nguồn phim thiếu và chưa hấp dẫn…

Thế mạnh và bản sắc

Tiềm lực của các ngành công nghiệp văn hóa thì đã rõ, nhưng làm thế nào để đưa những lĩnh vực này trở thành thế mạnh của thủ đô là câu chuyện đáng bàn đến.

UNESCO đã chia mạng lưới các thành phố sáng tạo theo 7 hạng mục (thủ công và nghệ thuật truyền thống, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc), nhưng theo chuyên gia Lê Quốc Vinh, xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cho Hà Nội phải bắt đầu từ tìm một bản sắc riêng biệt, chứ không phải chỉ là thiết kế một biểu tượng để làm truyền thông.

Một hoạt động văn hóa bên lề Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. (Ảnh: Trung Hiếu)

Hà Nội hiện có khoảng 120 không gian sáng tạo quy mô nhỏ, có những không gian chuyên về nghệ thuật điện ảnh như Ơ kìa Hà Nội, hoặc âm nhạc như Hanoi Rock City, có những không gian chuyên về nghệ thuật tạo hình như VICAS Art Studio, hoặc chuyên nghề thủ công ghép vải như Vụn Art…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tính chất tự phát, quy mô nhỏ, tản mát và thiếu liên kết khiến người ta khó nhận diện được một đời sống sáng tạo mãnh liệt như Bandung (Indonesia), Chiang Mai (Thái Lan) hay Thượng Hải, Hàng Châu (Trung Quốc).

Bên cạnh phát triển các không gian sáng tạo, Hà Nội còn cần nhiều hơn nữa những hoạt động sáng tạo, gồm các buổi trình diễn, giao lưu, trao đổi văn hóa, triển lãm, hội chợ sáng tạo...

Nhìn trực diện vào nghệ thuật sân khấu tại Hà Nội, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết một thực tiễn là các nhà hát đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút khán giả. Hiện tượng thưa vắng và thậm chí đứt gãy phân khúc khán giả trẻ kéo dài nhiều năm qua chưa có bài toán và kinh phí giải quyết.

Theo bà Trịnh Thúy Mùi, khán giả quyết định thành công hay thất bại của nghệ thuật sân khấu nhưng phần đông thế hệ khán giả hiện đại lại không đến rạp hát, chưa bao giờ xem sân khấu. Đây là thách thức không nhỏ trong vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực này.

Tìm hướng đi hiệu quả

Nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực công nghiệp văn hóa, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thấy rằng Hà Nội đang định vị thương hiệu của ngành công nghiệp văn hóa nhưng vẫn chưa thực sự hình thành được những thương hiệu mạnh.

TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam còn chỉ rõ một loạt điểm yếu khiến cho công nghiệp văn hóa của thủ đô chưa tạo thành của cải: các sản phẩm văn hoá chưa đa dạng, độc đáo; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hoá; thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá; cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hoá còn chưa hợp lý; thiếu liên kết chuyên ngành; thiếu tư vấn thiết kế và nhà sáng tạo ở trình độ cao, đẳng cấp quốc tế…

Chia sẻ kinh nghiệm và tham vấn cho Hà Nội, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết cơ quan này đang phối hợp với một số đối tác phát triển dự án Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên cho Thủ đô sáng tạo Hà Nội với khẩu hiệu “Rethink Hà Nội” (Nghĩ khác Hà Nội).

Ông Michael Croft cho biết sáng kiến sẽ giúp Hà Nội khai thác tài nguyên hiện có, xây dựng sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ những nỗ lực của Hà Nội thực hiện cam kết của mình là Thành phố Sáng tạo.

Giới thiệu mô hình mà Paris từng thành công, ông Emanuel Cerise, Trưởng đại diện chương trình hợp tác giữa vùng Ile-de-France (Pháp) và TP. Hà Nội cho rằng Hà Nội giống Paris ở chỗ không chỉ có thế mạnh ở nội đô, mà còn có khu vực ngoại ô giàu tiềm năng, có nhiều di sản văn hóa truyền thống hấp dẫn. Ông Emauel Ceise nhấn mạnh, cùng với mô hình phố đi bộ, Hà Nội nên thúc đẩy phát triển khu vực sông Hồng, bởi con sông này là dòng chảy văn hóa, kết nối công nghiệp văn hóa với các ngành công nghiệp khác.

Không gian tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro thì đánh giá Hà Nội không giống bất kỳ thành phố nào khác ở Đông Nam Á, bởi sở hữu nền văn hóa lâu đời và có danh tiếng trên thế giới. Ông cho rằng Hà Nội muốn phát triển thì cần tổ chức nhiều sự kiện lớn ở tầm quốc tế hơn nữa và Italy sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Hà Nội trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa.

Trước bài toán phát triển công nghiệp văn hóa, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thừa nhận Hà Nội không thể cùng lúc tập trung cho tất cả các lĩnh vực mà cần chia thành nhiều giai đoạn: 2021-2025, 2025- 2030, 2030-2045.

Hiện Hà Nội được tư vấn nên tập trung thực hiện 4 nhóm phát triển công nghiệp văn hóa, bao gồm: làng nghề truyền thống, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa và giáo dục sáng tạo trong nhà trường. Đặc biệt, thành phố mong muốn tiếp tục nhận được tư vấn từ các chuyên gia về việc lựa chọn lĩnh vực phù hợp với tiềm năng để có thể đưa công nghiệp văn hóa phát triển.